“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”

01/05/2020 - 07:42

“Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven biển, Việt Nam được hưởng đầy đủ các vùng biển tại Biển Đông được xác lập trên cơ sở UNCLOS; mọi yêu sách biển trái với quy định UNCLOS, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam là không có giá trị”. Đó là lập trường nhất quán của nước ta đối với chủ quyền biển, đảo.

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tình hình Biển Đông cũng không bình lặng. Ngày 26-3, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối thông tin Trung Quốc xây trạm nghiên cứu tại đá Subi và đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tương tự, việc Đài Loan diễn tập bắn đạn thật xung quanh Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa) là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.

Ngày 3-4, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin tàu cá QNg 90617 TS cùng 8 ngư dân Việt Nam gặp nạn, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: theo thông tin từ các cơ quan chức năng Việt Nam, tàu cá và các ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm.

Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao 2 nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ 2 nước cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền trên Biển Đông

Ngày 10-4, Việt Nam lưu hành Công hàm để khẳng định lập trường trong vấn đề Biển Đông với các nước liên quan khác. Việt Nam cho rằng, tất cả các quốc gia có nghĩa vụ và lợi ích chung trong việc tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bao gồm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế để chống lại toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. Trên tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng giải quyết tranh chấp với các quốc gia liên quan thông qua đàm phán cũng như các biện pháp hòa bình khác, kể cả các biện pháp quy định tại UNCLOS.

Trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước công hàm ngày 17-4 của Trung Quốc gửi Liên Hiệp Quốc (LHQ) nêu các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng khẳng định: “Việc Việt Nam gửi Công hàm tại LHQ là việc làm bình thường để thể hiện lập trường và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.

Trước việc Trung Quốc lưu hành một số Công hàm nêu các yêu sách chủ quyền phi lý đối với Hoàng Sa và Trường Sa không phù hợp luật pháp quốc tế cùng các yêu sách biển ở Biển Đông trái với quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), ngày 30-3, Việt Nam đã lưu hành Công hàm tại LHQ để bác bỏ các yêu sách này, như đã được nêu trong nhiều văn bản gửi LHQ và các cơ quan quốc tế liên quan. Việt Nam cũng đã giao thiệp với Trung Quốc để khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của Việt Nam, bác bỏ quan điểm sai trái của Trung Quốc”.

Ngày 18-4, Trung Quốc thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”. Ngày 19-4, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”.

Gần đây nhất, ngày 23-4, liên quan đến thông tin Trung Quốc ban hành cái gọi là danh xưng tiêu chuẩn cho 80 thực thể ở Biển Đông, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng nêu rõ: “Mọi hành vi phương hại đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối”.

Thời gian tới, Việt Nam vẫn tiếp tục kiên quyết, kiên trì bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền trên vùng biển. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai hoạt động thực thi pháp luật bằng giải pháp phù hợp. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” bảo đảm môi trường phát triển hòa bình, nhưng kiên quyết không nhân nhượng với các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành về công tác tuyên truyền biển, đảo; các tầng lớp nhân dân về quyền, lợi ích, trách nhiệm trong hoạt động liên quan đến biển, đảo Việt Nam, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, nhất là trong triển khai thực hiện Đại hội Đảng các cấp. Nội dung tuyên truyền phải đa dạng và phong phú, lồng ghép chặt chẽ giữa các hoạt động đối ngoại, chính trị, kinh tế, quân sự, quốc phòng… phải gắn kết giữa lịch sử với hiện tại để người dân thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; làm cho mỗi công dân Việt Nam thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với chủ quyền biển, đảo quốc gia.

Bài, ảnh: TÂM MINH