“Đi để trở về”

20/01/2020 - 05:43

 - Không ít bạn trẻ ở độ tuổi mười tám đôi mươi cảm thấy chênh vênh khi vừa rời xa mái trường, phải bắt đầu cuộc sống của một người “chớm” trưởng thành. Họ rất cần một cơ hội để rèn luyện, nhìn nhận bản thân đúng đắn để không bị mất phương hướng. Một trong những cơ hội ấy là nhập ngũ, thi hành nghĩa vụ quân sự. Đi, rồi trở về với tâm thế mới, bản lĩnh mới.

Toàn tranh thủ phụ giúp cha trước khi xa nhà

Học hết lớp 10, Lục Chí Nhân (sinh năm 1996, ngụ ấp Phú Cường A, xã Phú Thạnh, Phú Tân, An Giang) quyết định nghỉ. Những ngày tháng ở nhà, phụ giúp cha mẹ, tuy chẳng vất vả, nhưng không thật sự làm Nhân cảm thấy thoải mái trong lòng. Bạn quyết định nhập ngũ năm 2018, khi bước vào tuổi 22. Ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ tại Đại đội 2, Tiểu đoàn Bộ binh 860, Lữ đoàn 950 (Phú Quốc, Kiên Giang), Nhân bỡ ngỡ với tất cả mọi thứ, dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần. Khi đã bắt nhịp được với nếp sống mới, Nhân được cấp trên tín nhiệm, giao trọng trách Tiểu đội trưởng. Không phụ lòng cấp trên, khi xuất ngũ về nhà, Trung sĩ Lục Chí Nhân mang theo giấy khen của đơn vị, danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến” vì đạt thành tích tốt trong phong trào thi đua quyết thắng năm 2019. Thành tích ấy rất đặc biệt, không phải quân nhân tham gia nghĩa vụ quân sự nào cũng có thể đạt được.

2 năm trong quân ngũ giúp Nhân trở thành một “phiên bản tích cực” của chính mình. “Lúc đầu, tôi nhớ nhà lắm, lại thêm lo lắng bản thân có chịu được áp lực trong môi trường quân đội không. Dần dần, mọi thứ quen thuộc, tôi được cấp trên thương yêu, động viên, được bạn bè đồng chí chia sẻ, hỗ trợ. Mọi người sống rất tình cảm, hòa đồng, giúp nhau cùng học tập, công tác. Tôi nhận thấy mình đã thay đổi rất nhiều. Đó là chín chắn hơn, có tác phong kỷ luật, gọn gàng, ngăn nắp hơn khi còn ở nhà; biết quan tâm, lo lắng cho gia đình, người thân” - Nhân cười, đôi mắt lấp lánh niềm vui.

Bà Đinh Thị Ngọc Ánh (sinh năm 1976, mẹ Nhân) tiếp lời: “Lúc con mới nhập ngũ, tôi buồn, khóc hoài, sợ con chịu cực khổ, vất vả, không biết tự lo cho bản thân. Năm đầu tiên Nhân đón Tết xa nhà, vợ chồng tôi khăn gói sang Phú Quốc thăm con. Ai dè, Nhân sống trong đơn vị rất thoải mái, điều kiện ăn ở, sinh hoạt ổn thỏa. Nhờ vậy, vợ chồng tôi yên tâm, chẳng còn nghĩ nhiều nữa”. Giấy khen của đơn vị dành cho Nhân được họ treo trang trọng giữa nhà, chất chứa biết bao tự hào, hãnh diện về đứa con vừa hoàn thành trách nhiệm công dân với đất nước. Tết này, Nhân sum họp cùng gia đình, trở về trong vòng tay cha mẹ, nhưng đã khác trước rất nhiều!

Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Phú Thạnh Nguyễn Tự Trọng cho biết: “Gia đình Nhân là một trong số rất nhiều gia đình tín đồ Phật giáo Hòa Hảo trong xã chấp hành tốt quy định của pháp luật, tích cực động viên thanh niên làm đơn tự nguyện thi hành nghĩa vụ quân sự. Từ những trường hợp nhập ngũ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thay đổi tích cực như Nhân, bà con trong xã yên tâm động viên con mình lên đường nhập ngũ, giảm bớt sự băn khoăn, lo lắng. Dù không ít trường hợp đi làm ăn xa, nhưng họ vẫn quay trở về địa phương thực hiện trách nhiệm công dân. Trong số 32 thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự năm 2020, có 17 người tình nguyện thi hành”.

Chúng tôi ghé nhà ông Nguyễn Văn Hố (sinh năm 1977, ngụ ấp Long Hòa 2, xã Long Hòa), Nguyễn Bảo Toàn (sinh năm 2001, con trai lớn của ông) sắp lên đường nhập ngũ, trở thành tân binh của Lữ đoàn 950. Trò chuyện với chúng tôi, Toàn rất rụt rè, hỏi gì đáp nấy, thậm chí ngại được chụp ảnh, ghi hình.

“Gia đình tôi nhiều đời làm nông dân, cực khổ trăm bề. Học đến lớp 9, Toàn nghỉ học, đi làm ở một tiệm bánh, tiền công 3-4 triệu đồng/tháng, nhưng đã gửi phụ giúp gia đình 2 triệu đồng. Tôi động viên con đi nghĩa vụ quân sự, chỉ 2 năm thôi mà. Chưa xa nhà lần nào, Toàn lo lắng nhiều thứ, nhất là vấn đề kinh tế: trong 2 năm, không đi làm, mất thu nhập, gia đình sẽ khó khăn. Nhưng nghe lời tôi, Toàn vẫn quyết định đăng ký thi hành nghĩa vụ quân sự. Tôi thật sự rất vui mừng. Hy vọng, khi vào quân ngũ, Toàn sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, chấp hành tốt kỷ luật” - ông Hố đặt niềm tin vào cậu con trai lớn của mình.

Tết năm nay, với nhiều người, có thể vẫn giống những Tết trước đây. Nhưng với Toàn là một cái Tết “chia xa”, với Nhân là “trở về”. Mỗi bạn mang tâm tư, cảm xúc khác nhau, nhưng chắc chắn sẽ chẳng bao giờ tương tự những tháng ngày trước đó. Họ đã chấp nhận thử thách, gian khổ, vượt qua khỏi vùng “an toàn” để trưởng thành và sống ý nghĩa hơn!

Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang, dịp này, có 444 quân nhân thuộc lực lượng vũ trang địa phương tỉnh, trên 500 quân nhân ở các đơn vị Quân khu và Bộ đội Biên phòng tỉnh được xuất ngũ. Toàn tỉnh có 1.250 thanh niên nhập ngũ, được giao cho các đơn vị quân đội, 221 thanh niên nhập ngũ công an.

GIA KHÁNH