Đền thờ Đoàn Nhữ Hài.
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, tuy còn rất sung sức, vua Trần Nhân Tông vẫn nhường ngôi cho Trần Anh Tông, lui về làm thượng hoàng nhưng vẫn để tâm xem xét mọi việc ở triều chính. Tháng 4/1299, đang ở Thiên Trường, Thượng hoàng bất ngờ về kinh đô. Các quan lớn nhỏ đều ra đón rước, nhưng vua Trần Anh Tông còn ngủ vì đêm qua uống rượu say khướt. Thượng hoàng đi xem các cung điện từ 9 giờ đến 11 giờ trưa, không cho ai làm kinh động nhà vua.
Đến lúc dùng bữa, vẫn không thấy vua, Thượng hoàng hỏi: “Quan gia đâu?”. Cung nhân không dám giấu, báo thực tình rồi vào cung đánh thức nhà vua. Thượng hoàng tức giận trở về Thiên Trường. Liền đó, ông xuống chiếu: “Các quan ngày mai phải đến họp ở phủ Thiên Trường, ai trái thì xử tội”.
Tới 2 giờ chiều, vua Anh Tông tỉnh giấc. Cung nhân đem sự việc tâu lên, nhà vua hoảng sợ. Chưa biết ứng xử thế nào với Thượng hoàng, vua rảo bước đến chùa Từ Phúc, gặp người học trò Đoàn Nhữ Hài đang mê đọc sách.Vua hỏi: “Sao ngươi lại ở đây?”. Nhữ Hài rạp người tâu vua: “Thần vì mê học nên đến đây”. Nghe từ “học”, vua “ngộ” ra ngôi đế vương của mình không thể vì ham vui của bản thân mà bỏ bê việc triều chính. Sau đó, nhà vua dẫn Nhữ Hài vào ngự phòng, bảo: “Vừa rồi trẫm vì quá say rượu, có tội với Thượng hoàng. Giờ trẫm định đến trước mặt ngài tạ tội, ngươi hãy thảo cho trẫm bài biểu”. Đoàn Nhữ Hài đứng trước mặt vua, không lâu sau đó soạn xong tờ biểu.
Nhà vua lấy thuyền nhẹ cùng Nhữ Hài đến Thiên Trường, sáng hôm sau tới nơi. Vua sai Nhữ Hài vào phủ dâng tờ biểu, nhưng Thượng hoàng không để ý, mặc kệ thư sinh quỳ trước cửa điện. Chiều hôm ấy, trời mưa to gió lớn. Đoàn Nhữ Hài vẫn quỳ không nhúc nhích. Động lòng, Thượng hoàng sai nội nhân lấy tờ biểu tạ tội vào. Đọc xong, Thượng hoàng cho gọi vua Trần Anh Tông vào: “Trẫm xem lời lẽ trong tờ biểu này “rất khéo léo”, chắc không phải lời lẽ của con? Vậy ai viết cho con?”. Vua Anh Tông tâu, là của Đoàn Nhữ Hài.
Thượng hoàng gật gù tỏ ra tâm đắc, rồi nghiêm mặt: “Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm còn sống mà ngươi còn dám như thế, huống chi sau này?”. Vua Anh Tông dập đầu tạ tội. Thượng hoàng cho Đoàn Nhữ Hài vào. Thấy gương mặt còn búng ra sữa, Thượng hoàng tấm tắc khen: “Bài biểu ngươi “viết rất khéo”, rất hợp lòng ta”. Liền đó, Thượng hoàng xuống chiếu cho vua Trần Anh Tông vẫn làm vua, các quan về triều như cũ.
Qua lời khen của Thượng hoàng, ông Đoàn Nhữ Hài được vua thêm tin tưởng, phong làm Ngự sử trung tán - chức quan rất to với một người mới 19 tuổi. Về sau, ông còn lần lượt nắm các chức vụ: Hành khiển (tương đương Tể tướng), Thiên tử chiêu dụ sứ, Kinh lược Nghệ An... Trong nhiệm vụ Thiên tử chiêu dụ sử, bằng lời nói và cách ứng xử “sáng tạo”, ông giúp đi đến bãi bỏ một quy định lễ tiết của triều đình Chiêm Thành. Theo thể chế quốc gia, sứ giả vào triều phải lạy vua Chiêm trước, rồi mới được đọc chiếu thư. Vừa vào cung điện, ông Nhữ Hài cầm chiếu thư vua Trần đặt lên án thư, nói với vua Chiêm: “Sứ thần Nhữ Hài tôi từ lúc vâng mệnh của thiên tử vượt qua muôn dặm tới Chiêm quốc, xa cách long nhan đã từ rất lâu. Nay tôi giở chiếu thư ra khác nào trông thấy mặt thiên tử, tôi phải lạy thiên tử tôi trước đã”.
Nói xong, ông quỳ lạy chiếu thư, nhân đó đọc chiếu thư. Vua Chiêm nghe “cái lý” đưa ra không bắt bẻ được, từ đó bãi miễn lệ lạy vua Chiêm trước khi đọc chiếu thư. Mẹo nhỏ này giúp bỏ hẳn 1 quy chế quốc gia, nâng cao quốc thể. Thượng hoàng Trần Nhân Tông khen: “Nhữ Hài quả là người giỏi”. Sau chuyến đi sứ, Đoàn Nhữ Hài được thăng chức Tham tri chính sự khu mật viện sự (tham dự việc chính sự, kể cả việc tối mật quốc gia), chức vụ vốn chỉ bố trí người trong hoàng tộc.
Ông Đoàn Nhữ Hài trải qua 3 đời vua: Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiển Tông. Sử sách nhận định, con đường hoạn lộ của ông thần tốc, hanh thông, nhưng danh vọng và oan khuất vẫn còn là nghi án của lịch sử. Triều nhà Trần thời đó, ngoài những võ tướng anh hùng, còn có quan văn giỏi, nổi tiếng, như: Lê Văn Hưu, Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát…
Ông Đoàn Nhữ Hài không để lại bài thơ nào, bài biểu tạ nổi tiếng của ông viết thay vua Trần Anh Tông cũng không thấy bộ sử chính thức nào ghi lại. Nhưng vào đầu thế kỷ 21, người ta tìm thấy trong thần tích của đền thờ ông có bài biểu ấy. Qua đó, vẫn xem ông là một tác giả của văn học Lý - Trần, đưa bài biểu này vào tuyển tập thơ văn.
N.R