“Hội ngộ di sản văn hóa 3 miền”

02/12/2019 - 07:31

 - Từ nay đến ngày 22-2-2020, tại Bảo tàng tỉnh diễn ra trưng bày chuyên đề “Hội ngộ di sản văn hóa 3 miền”. Đây là hoạt động do Bảo tàng An Giang phối hợp Bảo tàng các tỉnh, thành phố (Đà Nẵng, Bình Thuận, Đồng Nai, Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang), Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng - Thư viện Long An, nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn và các nhà sưu tập trong và ngoài tỉnh tổ chức.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp khẳng định: “Việt Nam là một đất nước có lịch sử lâu đời với những nền văn hóa cổ xưa trải khắp cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Đặc biệt là vào giai đoạn từ cuối thiên niên kỷ thứ III trước Công nguyên đến thế kỷ thứ VII sau Công nguyên, có 3 nền văn hóa khảo cổ học tiêu biểu đã từng phát triển rực rỡ, có trình độ kỹ thuật, nghệ thuật đặc sắc, điêu luyện, độc đáo và đặc trưng về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Đó là văn hóa Đông Sơn đại diện khu vực miền Bắc, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung và văn hóa Óc Eo ở miền Nam. Việc các bảo tàng đồng phối hợp các nhà sưu tập trong, ngoài tỉnh tổ chức trưng bày chuyên đề chào mừng 74 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11-1945- 23-11-2019); 95 năm ngày phát hiện và nghiên cứu di tích văn hóa Đông Sơn, 110 năm phát hiện di tích văn hóa Sa Huỳnh và 75 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Óc Eo - Ba Thê là việc làm hết sức có ý nghĩa, nhằm giới thiệu các giá trị di sản văn hóa cổ tiêu biểu ở Việt Nam thời cổ đại”.

Tượng Brahma là 1 trong các bảo vật quốc gia được trưng bày 

Đến với trưng bày chuyên đề “Hội ngộ di sản văn hóa 3 miền”, khách tham quan sẽ có dịp tìm hiểu rõ hơn về cả 3 nền văn hóa. Văn hóa Đông Sơn là một nền văn hóa khảo cổ học ở Việt Nam. Hàng trăm di tích cùng với khối di vật đồ sộ được phát hiện và nghiên cứu đã phản ánh sinh động về đời sống người Việt cổ qua các loại hình cư trú và nhà ở, mai táng, đời sống tinh thần, phương thức sản xuất đã minh chứng cho nguồn gốc bản địa, sự phát triển lâu dài, liên tục, nối tiếp từ các nền văn hóa tiền Đông Sơn. Di vật của văn hóa Đông Sơn hết sức phong phú và đa dạng, độc đáo, mang tính thẩm mỹ cao, được làm từ nhiều chất liệu như: đồng, sắt, gốm, thủy tinh, gỗ, đá… Tiêu biểu là bộ sưu tập hiện vật đồng thau (công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc khí, đồng trang sức nghệ thuật và đồ minh khí), phản ánh sự phát triển rực rỡ, tạo nên sắc thái riêng biệt, độc đáo của văn hóa Đông Sơn.

Một số di vật của văn hóa Đông Sơn

Trong khi đó, văn hóa Sa Huỳnh có không gian phân bố rộng lớn, trải dài từ Hà Tĩnh đến Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, một số hải đảo ven bờ và một số vùng ở bán đảo Đông Dương. Trong văn hóa Sa Huỳnh, táng tục, mộ chum là chủ đạo, kéo dài từ giai đoạn sớm đến muộn. Ở giai đoạn sớm, người Sa Huỳnh đã biết chế tác công cụ bằng đồng thau, đến giai đoạn muộn là kỹ thuật chế tạo đồ sắt trình độ cao. Cùng với đó, cư dân văn hóa Sa Huỳnh còn đạt được đỉnh cao trong nghề se sợi, dệt vải, chế tạo đồ gốm, đồ trang sức bằng thủy tinh, đá mã não. Qua các tư liệu khảo cổ học cho thấy, văn hóa Sa Huỳnh có nguồn gốc bản địa, là nền tảng hình thành nhà nước Champa, dưới ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa khác như: Đông Sơn, Ấn Độ… Riêng văn hóa Óc Eo hình thành trên cơ tầng bản địa và phát triển từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII sau Công nguyên, ở vùng đồng bằng Nam Bộ. Những di tích được khai quật thuộc loại hình kiến trúc đền tháp, di chỉ cư trú, thu được hàng vạn hiện vật bằng các chất liệu: vàng, bạc, đồng, chì, thiếc, thủy tinh, đá, gỗ, gốm… là sản phẩm của các nghề thủ công phát triển cao, đa dạng và tinh xảo, vừa mang tính bản địa, vừa hàm chứa những thành tố văn hóa Ấn Độ, Ba Tư, La Mã. Điều đó cho thấy một thời đại phát triển ở trình độ cao về kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng đất Nam Bộ, là một khối lượng tư liệu lịch sử quý, chứng minh cho sự tồn tại và phát triển của một nền văn hóa cổ - cơ sở vật chất của Vương quốc Phù Nam hùng mạnh.

Không gian trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng tỉnh

Theo Giám đốc Bảo tàng An Giang Bùi Thị Thúy, trưng bày chuyên đề được tổ chức với quy mô trên 500 di vật, hình ảnh và các bộ sưu tập hiện vật độc đáo, tiêu biểu của 3 nền văn hóa khảo cổ học ở Việt Nam thời cổ đại. Trong đó có 4 bảo vật quốc gia (gồm 3 di vật) và một bộ sưu tập (gồm 11 hiện vật). Mỗi tư liệu, hiện vật sẽ mang đến những thông điệp của quá trình phát triển văn hóa, xã hội và trình độ kỹ thuật, nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu của các nền văn hóa. Song song với trưng bày chuyên đề “Hội ngộ di sản văn hóa 3 miền”, Bảo tàng An Giang còn trưng bày các hiện vật cổ, xưa với đủ loại hình do các tổ chức, cá nhân và các nhà sưu tập trong, ngoài tỉnh hiến tặng trên 1. 500 loại tài liệu hiện vật (nhà sưu tập Đỗ Quyên, Lâm Zũ Sên, Lê Quang Hào, Phố di sản, công ty di sản Việt). Đặc biệt, có 3 nhà sưu tập hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng An Giang. Cuộc trưng bày chuyên đề này là kết quả của sự phối hợp làm việc nhiệt tình, với tinh thần đầy trách nhiệm giữa các bảo tàng và nhà sưu tập trong, ngoài tỉnh.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH