Theo ông Lê Văn Nưng, hội tụ ở đây là sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh; kết nối giao thông, giải tỏa ách tắc giao thông trong nội ô của thành phố gần 2 thập kỷ qua; kết nối không gian đô thị trong tương lai đồng bộ và hoàn chỉnh hơn. Sự lan tỏa nằm ở chỗ, là điều kiện để người dân phát triển kinh tế; doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục thể hiện trách nhiệm của mình cho sự phát triển; tiếp tục đánh thức lòng tin mạnh mẽ của doanh nghiệp ngoài tỉnh (đặc biệt là các tập đoàn lớn) đã, đang và sẽ đầu tư vào tỉnh An Giang.
Cụ thể, dự án nhằm giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo giao thông đường bộ được thông suốt, liên tục trên Quốc lộ 91 đoạn qua TP. Long Xuyên, từng bước kết nối hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực ĐBSCL theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang được triển khai thực hiện (cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống và tuyến Lộ tẻ - Rạch Sỏi...).
Khi dự án hoàn thành, là cơ sở để triển khai hàng loạt dự án đã đăng ký đầu tư (khu đô thị mới Vàm Cống, khu đô thị mới Tây Nam TP. Long Xuyên, khu đô thị mới Bình Khánh), kết nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội với các khu vực lân cận, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị.
Ngay sau khi được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư Tiểu dự án giải phóng mặt bằng, UBND TP. Long Xuyên đã xây dựng kế hoạch thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và phân bổ lộ trình, thời gian, cách thức thực hiện.
Song song đó, đã ban hành quyết định thành lập Hội đồng bồi thường, Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại để kịp thời xem xét, giải quyết yêu cầu chính đáng của người dân, đảm bảo đúng khung chính sách của nhà tài trợ.
Chỉ sau hơn 1 năm, địa phương đã triển khai cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo đúng lộ trình đề ra, nhận được sự đồng thuận cao của người dân trong vùng dự án. Địa phương đã chi trả tiền bồi thường cho 534 hộ dân, với số tiền hơn 405 tỷ đồng.
“Kết quả thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng dự án là có sự ủng hộ của Bộ Giao thông - Vận tải, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp tích cực của Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long và các sở, ngành.
Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức, cả hệ thống chính trị từ thành phố đến phường, xã đều quyết tâm cao, khắc phục khó khăn, không quản ngại giờ giấc, làm việc ngoài giờ để hoàn thành đúng tiến độ công việc. Cùng với đó là sự đồng thuận của người dân, khi họ hiểu rõ lợi ích của dự án mang lại đối với đời sống xã hội và phát triển kinh tế - xã hội trước mắt lẫn lâu dài.
Chúng tôi khơi gợi ý thức trách nhiệm của từng cá nhân để có sự dung hòa giữa quyền lợi của bản thân và xã hội. Tất cả hộ dân trong khu vực dự án đều được mời đối thoại, được bày tỏ yêu cầu, nguyện vọng. UBND thành phố, Hội đồng bồi thường, các ban, ngành và phường, xã nghiên cứu, vận dụng linh hoạt các quy định nhà nước để giải quyết yêu cầu chính đáng cho người dân. Đối với những yêu cầu chưa phù hợp quy định thì vận động, giải thích để họ hiểu. Nhờ vậy, đã nâng tỷ lệ đồng thuận của người dân đạt trên 98%” - Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Đào Văn Ngọc chia sẻ.
Bà Trần Thị Đẹp (ngụ đường Tú Xương, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) có 1.424m2 đất trồng lúa tại xã Mỹ Khánh, nằm trong phạm vi thực hiện dự án. Bà Đẹp nhanh chóng giao đất, bàn giao mặt bằng cho nhà nước, với tâm trạng vui mừng: “Cá nhân tôi và bà con trong khu vực có dự án đi qua cảm thấy hài lòng về chính sách hỗ trợ, đền bù hợp lý của nhà nước. Chúng tôi nhận thức rằng, việc chấp hành quyết định giao đất là trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân, để TP. Long Xuyên sớm có tuyến tránh, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương và các vùng lân cận. Tôi hứa sẽ tiếp tục vận động các hộ dân trong khu vực chấp hành tốt việc giao đất và hỗ trợ đơn vị thi công trong quá trình triển khai thực hiện dự án”.
“Tiếp nối sự thành công của dự án cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống, dự kiến cuối năm 2020 sẽ đưa vào khai thác sử dụng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên là một mảnh ghép quan trọng để góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông hiện hữu, thúc đẩy phát triển mọi mặt đời sống tỉnh An Giang nói riêng và khu vực Tây Nam Bộ nói chung.
Sau thành công trong công tác giải phóng mặt bằng của địa phương, Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long đang đẩy nhanh thủ tục đấu thầu để lựa chọn nhà thầu và tổ chức tư vấn, phấn đấu đến cuối quý I-2021 chính thức triển khai thi công. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình, phối hợp các đơn vị có liên quan quản lý dự án đảm bảo an toàn, chất lượng và hoàn thành đúng tiến độ” - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long Trần Văn Thi thông tin.
Dự án do Bộ Giao thông- Vận tải làm chủ đầu tư; Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Úc tài trợ, tổng mức đầu tư trên 2.100 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài 17,3km, đi qua 8 phường, xã của TP. Long Xuyên, tổng diện tích thu hồi hơn 460.000m2 đất, liên quan 558 hộ dân. Điểm đầu tuyến kết nối với đường dẫn vào cầu Vàm Cống, điểm cuối kết nối với Quốc lộ 91 tại khu vực Giáo xứ Cần Xây (phường Bình Đức).
|
GIA KHÁNH