“Lão Hiền” - người giữ màu xanh cho lúa - Kỳ 1: Rong ruổi trên những cánh đồng “chết”

20/03/2020 - 08:00

 - Lời Tòa soạn: “Lão” là từ tự xưng của ông Hoa Sĩ Hiền (ngụ xã Tân An, TX. Tân Châu, An Giang), dù ông mới bước sang ngũ tuần. Trong phóng sự này, tôi muốn kể lại theo cách riêng, về một nông dân miền Tây đi chân đất trên mảnh ruộng quê hương. Bao nhiêu khắc khổ, cực nhọc, vất vả, ông chọn về mình, để trả lại cho đời “mật ngọt” – hơn 50 giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Lão Hiền” - người giữ màu xanh cho lúa - Kỳ 1: Rong ruổi trên những cánh đồng “chết”

“Lão Hiền” - người giữ màu xanh cho lúa - Kỳ 1: Rong ruổi trên những cánh đồng “chết”

Ông Hiền tập trung nghiên cứu ruộng lúa khô cằn vì phèn mặn

“Lão Hiền” - người giữ màu xanh cho lúa - Kỳ 1: Rong ruổi trên những cánh đồng “chết”

Các giống lúa của ông Hiền luôn trĩu hạt, thích ứng vùng đất phèn mặn

“Lão Hiền” - người giữ màu xanh cho lúa - Kỳ 1: Rong ruổi trên những cánh đồng “chết”

Ông Hiền chỉ anh Vũ cách xử lý “rễ khổng”

Nét mặt và dáng người cằn cỗi của ông ba Hiền (cách gọi của người miền Tây) khó lẫn vào đâu được, đậm chất nông dân một nắng hai sương. Suốt một thời gian dài, ông là nhân vật được nhiều nhà báo tìm gặp, phỏng vấn. Gần 10 năm trước, tôi cũng đến phỏng vấn ông để phản ánh tấm gương nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Non tay nghề, tôi khai thác vừa đủ thông tin sơ nét về ông, những thành tích ông đã làm được. Tất cả chỉ có vậy, nên bài viết cũng nhàn nhạt, thiếu điểm nhấn. Ấp ủ “sửa sai” nhiều lần, nhưng tôi chưa có dịp gặp lại ông, mãi đến gần đây.

Một buổi sáng tháng 3, ông Hiền bước vào xe chúng tôi, xách theo 2 ổ bánh mì không, một cuốn sổ và bút đo độ mặn. Tôi thoáng giật mình khi trông ông hốc hác, gầy ốm hơn trước rất nhiều. Ông bảo vừa qua đợt bệnh dạ dày, cảm ho khá nặng, nên đi đâu cũng phải mang theo ổ bánh mì để “chữa cháy”. Tất cả cũng chỉ vì ông quá mê nghiên cứu lai tạo giống lúa đến mức quên ăn, quên ngủ. Nhưng cái chất tiếu lâm, hóm hỉnh của ông vẫn còn y nguyên như cũ. Dường như, chẳng có gì đủ sức quật ngã niềm đam mê của ông đối với cây lúa, với cuộc sống này.

Chúng tôi cùng ông Hiền quay lại xã Nam Thái Sơn (huyện Hòn Đất, Kiên Giang), nơi những hạt lúa ông lai tạo được “định cư”. Trời chẳng chiều lòng người, khu vực này giáp ranh với địa phận An Giang, nhưng đã có hàng ngàn mét vuông cánh đồng chết. Lúa vàng khô, gục ngã bên mảnh đất ruộng khô cằn, nứt nẻ. Phèn vàng cả con kênh dài. Những cánh đồng còn tươi tốt, thì cũng phải chống chọi với cái mặn lăm le xâm nhập.

“Tôi nghe cha mẹ kể lại, ngày xưa thuở mở đất khai hoang, canh tác lúa cực kỳ khó khăn. Đất phèn mặn, lúa không sống nổi, mà nếu có sống thì lại cho năng suất rất thấp. Ước muốn của cha mẹ tôi và mỗi nông dân cực khổ trên cánh đồng, chỉ là: làm sao cho lúa đạt sản lượng cao, đủ ăn rồi bán kiếm thu nhập chút ít. Cả đời họ trăn trở, tìm mọi cách cải tạo đất, xả phèn…, nhưng đều không hiệu quả. Đầu mùa vụ, người lớn đem thức ăn ra đồng, cầu trời khấn Phật cho vụ mùa tốt tươi. Đến lượt mình “nối nghiệp”, tôi cố gắng tìm hiểu từ bạn bè, thông tin đại chúng: có giống lúa nào chịu hạn mặn, chịu phèn tốt hơn những giống thông thường? Cuối cùng, tôi biết đến chú Hoa Sĩ Hiền, người lai tạo thành công hàng loạt giống lúa mới có thể thích ứng với nơi đây, vừa kháng phèn, vừa cho năng suất cao. Tôi tìm đến tận nhà chú để hỏi mua. Chú đưa cho 5 loại giống, đề nghị tôi trồng thử xem loại nào phù hợp” – anh Phạm Thanh Vũ (sinh năm 1996, người địa phương) chia sẻ.

Canh tác được một thời gian, anh Vũ nhận thấy, có giống lúa mang tiềm năng rất lớn, đặc biệt là dòng lúa “thảo dược”. Năng suất của chúng không hề thua kém các giống lúa đang được trồng ở địa phương, mà lại không cần bón phân N-P-K, chỉ sử dụng phân hữu cơ. Khả năng tự tổng hợp dinh dưỡng của chúng khá cao, thích ứng điều kiện khắc nghiệt của môi trường. Kỳ diệu hơn, khi chúng tôi đến cánh đồng của anh Vũ, tận mắt nhìn thấy đất khô cằn, nứt nẻ, 20 ngày nay không có một giọt nước nào, nhưng cây lúa vẫn tươi tốt, cho năng suất bình thường. Trong khi đó, chỉ cần hơn 15 ngày không có nước, lúa sẽ khô héo, chết dần. Chính vì thế, những giống lúa của “lão Hiền” càng trở nên đặc biệt. Không chỉ vậy, lúa được trang bị thêm khả năng chịu phèn khá tốt, thích ứng với khu vực đất miền Tây này. Có giống lúa thời gian sinh trưởng ngắn (có thể trồng 3 vụ/năm), phẩm chất gạo ngon.

Nâng niu một nhành lúa trong tay, anh Vũ bày tỏ: “Chuyên tạo ra giống lúa mới, nhưng chú Hiền lại không chú trọng việc kinh doanh. Mỗi lần tôi đến, chú đều hỏi xem giống trước đó chú đưa như thế nào, nông dân có ưng bụng hay không? Sau đó, chú mày mò nghiên cứu thêm nhiều giống mới, đáp ứng nhu cầu canh tác của bà con, mà không hề lấy tiền. Tôi rất quý chú vì nghĩa cử đó. Từ những giống chú đưa, tôi tự nhân lên trong 15.000m2 đất, thay chú giữ lại giống lúa (Japonica 100 ngày, TC26, SH40, SH44, TC7, HTTC A, nếp cẩm 110 ngày). Tôi mong, sau này các giống lúa của chú sẽ được nhiều nông dân ưa chuộng hơn nữa, xuất hiện trên khắp mọi cánh đồng, tên chú sẽ được nhắc đến nhiều hơn, không bỏ công chú dành cả một đời lai tạo”.

Trong lúc chúng tôi trò chuyện cùng anh Vũ, thì ông Hiền đi qua một khoảnh đất trống bên cạnh, hì hụi đào bới, xem xét. Rồi ông quay trở lại, khẳng định: “Tôi vừa lấy mẫu đất kiểm tra sơ bộ. Rõ ràng, ngoài lớp đất 20cm con người tạo ra, phía dưới chỉ toàn là đất sét, không thể làm gì được, chứ đừng nói chuyện trồng trọt”. Bứng một nhánh lúa trên đất của anh Vũ, ông Hiền giải thích hiện tượng “rễ khổng” (hay còn gọi là “rễ thở”): “Giống mới đem về, chưa thích ứng với môi trường sống, lại được trồng bằng mô hình hữu cơ, dễ mắc bệnh nhà nghèo (thiếu dinh dưỡng và một số trung vi lượng). Gặp vùng đất nhiễm phèn, độ pH thấp, bìa lá chuyển sang màu tím. Khi phần rễ chìm dưới đất bị ngột, thiếu chất dinh dưỡng, hoặc ngộ độc phèn, chúng sẽ tự động mọc một phần rễ mới phía trên. Có thể dùng vôi để hóa giải độ phèn, thì các biểu hiện trên sẽ giảm hẳn”.

Ngồi nghỉ chân trên cánh đồng “chết”, ông Hiền trầm ngâm: “Nơi này vừa bị phèn, mặn và hạn tấn công cùng một lúc, cây lúa không cách nào sống nổi. Nếu trường hợp nước ngọt ngày càng khan hiếm, chúng ta phải làm sao? 7 năm trước, tôi đã thử phương pháp điện phân, đẩy natri ra khỏi nước biển. Tuy nhiên, kết quả không như ý muốn, cực dương cho axit natri, cực âm cho ra bazơ, chẳng lấy ra được chút nước nào. Tôi ước gì thí nghiệm thành công, tôi hiến kế cho đất nước, dẫn nước biển qua hệ thống lọc, tách nước ngọt về cho đồng bằng. Chỉ tiếc…”.

Đây không phải là lần đầu tiên ông đến thăm những vùng đất khó khăn như thế. Nhưng một lần nữa tận mắt chứng kiến cây lúa oằn mình chết khô trên đất, nhìn bạt ngàn đất bỏ hoang, ông rưng rưng muốn khóc. Suốt quãng đường về, gương mặt ông buồn thiu, tay run rẩy cầm cục đất khô khốc lấy tại cánh đồng, để hôm sau nghiên cứu. Chiều buông, màu vàng của nắng pha lẫn màu phèn, trải dài tít tắp. Ổ bánh mì ông Hiền mang theo giờ đã khô khốc, xệu xạo trong miệng, nghe như tiếng thở dài: “Chúng ta sống ở những nơi trù phú, điều kiện đầy đủ cho sinh hoạt và sản xuất, đôi khi quên mất nhiều nơi còn mang “chứng bệnh nan y”. Cần phải suy nghĩ, làm gì đó để cứu lấy chúng. Nhưng tôi chỉ là một lão nông chuyên nghiên cứu giống lúa, biết phải làm gì đây?”.

GIA KHÁNH (còn tiếp)