“Lão Hiền” - người giữ màu xanh cho lúa - Kỳ cuối: Ước mơ của “Viện trưởng”

23/03/2020 - 08:00

 - Trong tất cả những lần trò chuyện với chúng tôi, “Viện trưởng Viện lúa giống nghèo nhất thế giới” Hoa Sĩ Hiền chỉ đau đáu 2 mong ước, về phía ông và phía xã hội. Nhưng tựu trung lại, cả 2 đều hướng đến khát khao cháy bỏng: chống lại thiên tai, đem đất đai màu mỡ và ruộng lúa tươi tốt trả về cho nông dân.

“Lão Hiền” - người giữ màu xanh cho lúa - Kỳ cuối: Ước mơ của “Viện trưởng”

Ông Hiền và anh Vũ – hai thế hệ cùng đi tìm lời giải chống chịu hạn, mặn ở miền Tây

“Lão Hiền” - người giữ màu xanh cho lúa - Kỳ cuối: Ước mơ của “Viện trưởng”

Một giống lúa thảo dược đang được ông Hiền nghiên cứu

“Lão Hiền” - người giữ màu xanh cho lúa - Kỳ cuối: Ước mơ của “Viện trưởng”

Chân dung Vũ, người ấp ủ ước muốn biến đồng ruộng khô cằn thành nơi sản xuất lúa chất lượng cao

“Lão Hiền” - người giữ màu xanh cho lúa - Kỳ cuối: Ước mơ của “Viện trưởng”

Một loại gạo đỏ do chính ông Hiền lai tạo, phù hợp nhu cầu tiêu dùng của bà con

Trong một lần về thăm ông Hoa Sĩ Hiền, Tiến sĩ Huỳnh Quang Tín (Trưởng bộ môn Tài nguyên Cây trồng, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL) bày tỏ: ““Nhà khoa học nông dân chân đất” là một cách gọi tôn vinh những nhà nông chịu khó, đam mê công tác khoa học. Tôi đánh giá sự tôn vinh đó hoàn toàn đúng với anh Hoa Sĩ Hiền, thậm chí còn có thể tôn vinh cao hơn nữa. Những năm qua, anh Hiền đã mày mò, bỏ nhiều công sức, kinh phí thực hiện công việc cho xã hội. Đặc biệt là, anh không phải làm công việc của nông dân, mà của nhà khoa học: tự thực hành lai tạo giống, kết hợp với cán bộ khuyến nông của tỉnh, thị xã, các nhà khoa học từ nhiều nơi, tạo ra những giống lúa chịu mặn tốt, chất lượng cao”.

Sau nhiều thành công trong 16 năm tham gia lai tạo giống lúa, tên tuổi ông Hoa Sĩ Hiền giờ đây phủ đầy trên các cánh đồng, bằng các giống lúa được nông dân ưa chuộng. Vậy mà “nhà khoa học nông dân” này vẫn chưa thỏa mãn, chưa thôi day dứt về những “cánh đồng chết”. Ông đang ấp ủ tung ra hàng loạt giống lúa với các tính trạng mới lạ nhất, chưa từng có ở khu vực ĐBSCL. Ông đã tạo thêm nhiều tổ hợp lai mới, giống lúa thảo dược có khả năng trẻ hóa tế bào của người ăn; hạt gạo tím dài hoặc tròn; nếp trắng, nếp tím, nếp đỏ… tùy ý thích người tiêu dùng, người trồng.

Nhưng chí hướng của ông nằm ở những giống lúa chịu hạn mặn, phèn giỏi. “Trong tương lai, biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề hơn ở ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung. Giới hạn chịu đựng của tất cả giống lúa trồng hiện nay không thể vượt qua 4 đến 5 phần ngàn (độ mặn) trở lên, pH 3.5 đến 4.0 (độ phèn). Trước đây, giống lúa TC7 của tôi có khả năng chịu được độ mặn 5 phần ngàn. Mấy năm trở lại đây, tôi nghiên cứu thêm các dòng (chưa đưa ra giống) có khả năng chịu ở cấp độ mặn, phèn cao hơn (từ 10 đến 15 phần ngàn). Khi nào thành công, tôi sẽ đưa cho bà con nông dân cả nước gieo trồng thử nghiệm. Nếu sức khỏe còn tốt, tôi sẽ làm hơn thế nữa, hỗ trợ bà con tối đa, cùng chung tay làm nông nghiệp trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt. Tâm nguyện cả cuộc đời của tôi là tìm ngọt lại cho ĐBSCL, hay đúng hơn là tôi đi tìm ngọt trong mặn và chua, đến khi nào không thể nữa mới thôi” – ông hào hứng nhắc đến công việc đang làm.

Ở một khía cạnh khác, người trồng lúa đang gặp không ít vướng mắc. Có  giống lúa đủ điều kiện “định cư” ở địa bàn đặc thù, nhưng lại không được thương lái thu mua, vì liên quan đến lợi nhuận và thị trường. Ngược lại, các giống lúa được ưa chuộng thu mua, nông dân không thể canh tác trên vùng đất nhiễm phèn, mặn. Theo lời khuyên của ông Hiền, người trồng lúa cần thường xuyên theo dõi giống lúa mới, mạnh dạn đem về khảo nghiệm ở địa phương, nỗ lực tìm đầu ra. Về phía mình, ông cố gắng nghiên cứu giống lúa theo từng giai đoạn, đáp ứng được phần nào hay phần nấy, chứ không thể có chuyện tạo ra được một sản phẩm như nhu cầu trong thực tế (vừa ngắn ngày, vừa chống chịu sâu bệnh tốt, nông dân dễ canh tác, lúa cho năng suất cao, thương lái gặp là mua liền…).

Vấn đề nằm ở chỗ, một cánh én không thể làm nên mùa xuân. Một mình ông, dù có giỏi lai tạo giống lúa đến mức nào, cũng vẫn không thể tạo ra ruộng lúa tươi tốt trên đất hạn mặn, nhiễm phèn nặng nề. Do vậy, ông mong muốn cả đất nước cùng chung tay thay đổi môi trường, cải tạo tài nguyên đất, thì mọi thứ mới căn cơ, bền vững, giải quyết tốt vấn đề . “Đất nuôi cây, cây nuôi người, người phải có trách nhiệm nuôi đất và cây. Đừng bỏ phế đất, đừng để chúng chết trong tay mình! Tôi tin rằng, nếu có khát vọng, ao ước đủ lớn, kỳ tích chắc chắn xảy ra. Rồi sẽ có một phép màu, một giải pháp làm sống dậy những cánh đồng chết. Ngoài các giải pháp ở tầm vĩ mô của cơ quan quản lý nhà nước, mỗi người nông dân đều có thể góp sức mình trong cuộc chiến này” – ông khẳng định.

Tôi muốn quay trở lại câu chuyện của anh Phạm Thanh Vũ (sinh năm 1996, ngụ xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang), người từng tìm gặp ông Hoa Sĩ Hiền để mua lúa giống chịu phèn. Là một sinh viên ngành nông nghiệp, sau nhiều thời gian bôn ba xứ người, Vũ lại khăn gói về quê nhà, bắt tay vào “cuộc chiến” đầy chông gai, thử thách: biến đồng ruộng khô cằn thành nơi sản xuất lúa chất lượng cao.

“Khu vực này canh tác 2 vụ/năm, theo phương pháp truyền thống, sử dụng N-P-K, trừ sâu hại bằng thuốc hóa học. Hàng chục năm, đất tích tụ phân thuốc ngày càng nhiều, nên độ màu mỡ giảm đi, dịch hại lại tăng lên, thiên địch vắng bóng, thủy sản dưới kênh mương không sống nổi. Sau khi học chuyên ngành nông nghiệp, tôi tìm ra giải pháp làm thay đổi thực trạng đó, bằng cách trồng trọt thích ứng với môi trường sinh thái đặc thù địa phương. Hiện nay, tôi canh tác không sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu, mà thay thế bằng biện pháp sinh học, thiên địch. Điều đáng mừng là năng suất lúa không hề giảm đi, côn trùng có hại ngày càng ít, cơ cấu đất ngày càng xốp, chứng tỏ cách làm của tôi mang lại hiệu quả nhất định. Bên cạnh đó, so sánh với trước đây, nông dân phải bơm nước ra vô thường xuyên, 10-15 ngày/lần để xả phèn. Nếu để lâu hơn, phèn đọng lại, lúa không phát triển. Tôi lại cho bơm nước 3-4 lần trong suốt cả vụ, rồi để cho nước mất tự nhiên mới tiếp tục bơm vào, “bỏ qua” khâu xả phèn. Cải thiện quy trình làm lúa, tôi mong ước sản xuất ra nguồn lúa sạch, không hóa chất, tiến tới gầy dựng thương hiệu gạo quốc gia, vươn tầm thế giới” – Vũ chia sẻ. Anh còn rất trẻ, nhưng đã có khả năng trở thành lớp nông dân kế thừa tâm huyết của ông Hiền, nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu.

Xã hội đang hướng về câu chuyện ĐBSCL khát nước ngọt, cùng nỗ lực vượt qua thách thức bằng mọi giải pháp. Ở một vùng biên giới đầu nguồn An Giang, gần 20 năm nay, đã có một “lão Hiền” chắt chiu tìm “ngọt”. Hành trình ấy vẫn sẽ tiếp diễn và thành công, nếu “lão” được tiếp thêm sức mạnh về vật chất lẫn tinh thần, để những “đứa con vàng ngọc” nối đuôi nhau ra đời, để góp một chút sức lực nhỏ bé chinh phục thiên tai, tìm lại màu xanh cho cây lúa trên đồng!

Bài, ảnh: GIA KHÁNH