Những ghi chú nguệch ngoạc khởi đầu cho những giống lúa sẽ xuất hiện trong tương lai
Sinh viên thực tập chiết cành trên cây ăn quả của ông Hiền
Ông Hiền làm việc ở một góc “viện lúa”
Chiếc tủ lạnh hỏng có nhiệm vụ chứa lúa giống, ngăn chuột phá hoại
Sinh hoạt giản đơn của ông Hiền trong “viện lúa”
Một góc “viện lúa” và cánh đồng thực nghiệm của ông Hiền
Ông có tổng cộng 4.000m2 đất nông nghiệp phục vụ đam mê nghiên cứu của mình. Trong số đó, ông nhín ra một khoảnh nhỏ để trồng và thực nghiệm trên cây ăn trái (xoài, lựu, bưởi…); 1.300m2 để khảo nghiệm; 2.000m2 làm lúa theo nhu cầu của người tiêu dùng ở xa. “Tính ra, tôi lỗ hoài à! Một năm, tôi chỉ thu lại được 14-15 triệu đồng từ sản xuất lúa. Trừ chi phí phân bón, nước tưới tiêu…, tôi còn được 4-5 triệu là nhiều. Làm lúa không đủ sống, đôi khi vợ con tôi cũng buồn phiền, cuộc sống túng bấn. Việc nghiên cứu cũng do một mình tôi tự thực hiện, không có dự án, nhà tài trợ nào hỗ trợ. Nếu có, thì chỉ là một vài loại trang thiết bị, máy đo. – ông hệch hạc bày tỏ.
Ở phía sau mảnh đất ruộng, có một căn nhà vỏn vẹn 29m2, chính là “viện lúa” ông rất yêu mến. “Lúc trước, nó chỉ là một chòi lá ọp ẹp, che mưa che nắng tạm bợ, là chỗ nghỉ chân những khi tôi ra đồng làm ruộng. Sau này, nó là nơi tôi nghiên cứu, lai tạo giống lúa. Phần lớn thời gian tôi ở đó, chỉ về nhà vào giờ cơm và buổi tối. Về sau nữa, các trường đại học gửi sinh viên đến thực tập, tìm hiểu cách lai tạo giống lúa. Cao điểm, có khi hàng chục sinh viên cùng chen chúc nhau trong trại, rất bất tiện. Những lúc trời đổ mưa, lại ngay thời điểm thụ phấn rất quan trọng, tôi và các sinh viên mạnh ai nấy ôm lúa chạy, mình mẩy ướt nhẹp, chỉ mong lúa đừng bị hư hại. Nhìn sinh viên không có chỗ nghỉ ngơi, làm việc cho đàng hoàng, lòng tôi áy náy hết sức. Chòi lá sập, tôi quyết định phải xây mới kiên cố. Trong 6 năm trời, tôi đổ hết tiền dành dụm được (gần 60 triệu đồng), cộng với khoản hỗ trợ của nhiều người xa gần (biết tôi qua thông tin đại chúng chứ chưa hề gặp mặt), căn nhà hoàn thành từng giai đoạn” – ông Hiền nhớ lại.
Tổng kinh phí xây dựng gần 100 triệu đồng, nhưng “viện lúa” vẫn chưa ổn lắm. Bốn bức tường gắn bốn cửa ra vào (theo ông giải thích là để sinh viên tiện đi ra đi vào, không ảnh hưởng đến người khác), chỉ che tạm bằng mấy mảnh vải nay đã rách xơ xác. Ông không đủ tiền sơn phết bên ngoài căn nhà, thậm chí muốn vào nhà cũng phải… lấy thế trèo lên, vì chưa xây được bậc thang. Bên trong, một góc bàn nhỏ, ông đặt mấy dụng cụ nghiên cứu. Ngoài ra, chẳng còn gì, kể cả điện sinh hoạt. Có chăng là một chiếc tủ lạnh cũ, đã không còn sử dụng được. Ông dùng để cất lúa giống, né đám chuột phá hoại. Vậy mà, đó là nơi khởi đầu của 50 giống lúa vang danh miền Tây, là nơi ấp ủ những ước mơ, đam mê cháy bỏng của người nông dân nghèo mang tên Hoa Sĩ Hiền.
Một ngày của ông chỉ chia ra ở 2 nơi: ban ngày ở “viện lúa”, đêm về ngủ ở nhà (cách đó khoảng 1km). Nghe tin chúng tôi đến thăm, ông chạy về nhà, lục tìm một mớ gạo lức đỏ (do ông trồng) còn sót lại. Bên bộ bàn ghế đơn sơ tự tay ông đóng, chúng tôi chậm rãi nhai từng hạt cơm, lắng nghe hương vị cực nhọc mà ngọt bùi, thơm thảo, được ông kể chuyện vui thú điền viên. Giữa buổi chiều, ông thay chiếc áo khác, cắt móng tay sạch sẽ để đảm bảo vệ sinh, rồi tỉ mẩn ngồi khử đực, chuẩn bị lai tạo giống lúa mới. Nắng nhạt dần, ông lại ra đồng, nhìn ngó mấy bông lúa đã thụ phấn hôm trước, vuốt mấy nhánh lúa thảo dược tím rịm, trĩu nặng bằng bàn tay đen đúa, gầy guộc, gương mặt ánh lên niềm hạnh phúc khó tả.
Ngoài ý nghĩa là nơi ông Hiền tập trung nghiên cứu khoa học, “viện lúa” còn một sứ mệnh cao cả khác: hỗ trợ miễn phí cho hơn 600 sinh viên nông nghiệp các khóa thuộc Trường Đại học An Giang, Cần Thơ đến tìm hiểu, tham quan, làm đề tài nghiên cứu. Chỉ khoảnh vườn đằng trước, ông Hiền nói vui: “Thấy mấy đoạn đen đen đó không? Mấy đứa sinh viên thực tập chiết cành, tan nát mấy cái cây của tôi luôn. Nhiều đứa đam mê nghiên cứu trồng, khắc phục nấm, sâu bệnh trên cây ăn trái, cứ ra đó thực nghiệm. Tụi nhỏ đi rồi, tôi vẫn giữ y như cũ để làm kỷ niệm. Có khi về sau, mấy đứa quay lại thăm nơi này…”.
Bạn Phan Thành Phong (sinh năm 1998, sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học An Giang) thích tìm hiểu về cây lúa, được giảng viên hỗ trợ gặp ông Hoa Sĩ Hiền. Mấy tháng thực tập, tìm hiểu tại “viện lúa”, bạn được học hỏi rất nhiều, từ cách nghiên cứu khoa học, đến cách ứng xử, cách sống. “Chú dặn chúng tôi: cứ làm thật tốt, rồi sau này ra giúp nông dân, đừng nghĩ đến việc chỉ dạy lý thuyết suông. Rất ít người như chú, dành toàn tâm toàn ý cho quá trình nghiên cứu, đôi lúc quên cả ăn uống, gia đình. Những điều tôi học được ở chú đều thiết thực, bổ ích, đôi khi chẳng có trường lớp nào dạy”. Theo chân ông Hiền đi nhiều nơi, bạn lặng lẽ cầm giúp dụng cụ, lắng nghe câu hỏi bất chợt của ông, rồi vận dụng kiến thức được học để trả lời. Từ lý thuyết đến thực tế, sau mỗi chuyến đi, bạn tích lũy thêm những trải nghiệm mới đầy thú vị, phong phú, sinh động vô cùng.
Tâm sự về “nghề tay trái” này, ông Hiền bảo, ông không dám tự nhận mình là thầy của các sinh viên. Ông chỉ đang nỗ lực truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được cho các bạn, như một cách “trả ơn” ngày trước mình được các trường, trung tâm hỗ trợ “học nghề” miễn phí, để rồi có một Hoa Sĩ Hiền như hôm nay. Mặt khác, ông muốn có thêm nhiều thế hệ kế thừa thành quả lai tạo giống lúa của mình, để cùng áp dụng vào sản xuất, giúp nông dân hạnh phúc sau mỗi vụ mùa. Từ một nông dân, ông lại được xem như nhà khoa học, một người thầy. Điều đó chứng tỏ, xã hội công nhận những việc ông làm là hữu ích, xứng đáng. Đối với ông, không còn gì vinh dự, quý giá hơn!
Ông tự dặn lòng: dù nghèo khó, túng thiếu đến cách mấy, vẫn không nhận gì từ sinh viên, trừ tấm lòng quý mến của họ. Khoảng cách thầy – trò chưa hề tồn tại. Mọi người khắc sâu trong lòng nhau về những chỉ dạy của ông - như trút hết ruột gan; về các bữa ăn do ông đi tìm bắt chuột đồng, nồi cơm thơm lừng nấu bằng các giống lúa TC, SH…, trong “viện lúa” nho nhỏ mà ăm ắp tiếng cười! Lúc ấy, “viện lúa” lại trở thành “lớn nhất thế giới” và “giàu nhất thế giới”, chẳng nơi đâu sánh bằng.
GIA KHÁNH (còn tiếp)