“Ma trận” hàng hóa trên mạng

16/05/2022 - 06:36

 - Thời buổi công nghệ phát triển, việc mua và bán hàng qua internet, mạng xã hội trở nên tiện lợi vô cùng. Ai cũng có thể bán, nguồn hàng dồi dào, chi phí đầu tư thấp, không tốn trên thuê mặt bằng, trả lương nhân viên... Người mua đặt hàng dễ dàng, bằng thao tác trên điện thoại, chờ hàng giao đến tận chỗ. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa nhận được rất mù mờ, khó kiểm soát.

“Chợ online” rao bán “tất tần tật”, từ hàng gia dụng, thực phẩm, đến tiền giả, bằng giả, thuốc giả! Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là mặt hàng liên quan đến sức khỏe. Các loại thuốc đông y được giới thiệu như thần dược, thuốc gia truyền nhiều đời, làm từ thảo dược qúy hiếm, trị không hết hoàn tiền, không ảnh hưởng sức khỏe... xuất hiện tràn lan trên các kênh bán hàng. Sản phẩm được đăng bán có hình ảnh rất đẹp, nội dung quảng cáo thu hút.

Người bán dùng nhiều cách đẩy tương tác, như lập ra trang fanpage bán hàng chuyên nghiệp, mua lượt like, comment, đánh giá tốt, tạo sự tin cậy cho người mua. Thực tế, hiệu quả của sản phẩm đến đâu, có hết bệnh giống như quảng cáo hay không… vẫn còn là dấu chấm hỏi.

Cần mua thuốc trị bệnh gout, tôi lạc vào “ma trận” thuốc chuyên điều trị trên mạng. Một trang bán hàng tư vấn tôi uống theo liệu trình, mỗi liệu trình 1 tháng, gồm: 1 chai xoa bóp, 1 hộp trà gout và 3 miếng cao (để uống), giá 1,4 triệu đồng. Theo người bán nếu kiên trì uống, tỷ lệ giảm bệnh lên đến 70%.

Cần mua mỹ phẩm, giày, dép, túi xách, gõ tìm kiếm sẽ nhận lại hàng loạt trang giới thiệu hàng cao cấp (mà giá chỉ “học sinh, sinh viên”). Có trang thì rao nhận làm bằng lái xe “cam kết uy tín, không cọc, hỗ trợ trọn gói, lo toàn bộ hồ sơ, không cần đi thi, cấp bằng chính quy hợp lệ, quét mã QR (bao soi rọi thoải mái) đối với các loại bằng lái xe máy: A1, A2, A3. Bằng lái xe ôtô hạng B1, B2-C-D-E-F-FC”...

Bà H. (ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Mua hàng online tiện lợi ở chỗ không phải đến cửa hàng, muốn mua gì thì vào trang mua bán điện tử chọn. Nhưng như thế rất dễ bị lầm. Gần đây, tôi mua hàng qua mạng xã hội facebook, đặt 2 bộ đồ thể thao. Sản phẩm trong hình rất đẹp, nhưng tôi nhận được chất liệu vải thô cứng, kiểu dáng xấu không tả nổi. Liên hệ với chỗ bán hàng không được, tôi phải chạy ra bưu điện, được hướng dẫn làm thủ tục nhận lại tiền. Tôi gửi gói hàng và tất cả hình ảnh trao đổi mua hàng với người bán cho bưu điện. Hơn 1 tuần sau, tôi được hoàn trả tiền lại. Xem như tôi may mắn, không mất tiền, nhưng vẫn mất công, mang thêm bực tức”.

Bà P.T (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) cũng gặp sự cố tương tự, khi mua sắm online: “Những lúc rảnh, tôi thường lên mạng xã hội facebook xem bán hàng livestream quần áo. Người mẫu tạo dáng miêu tả sản phẩm rất đẹp, quay cận cảnh sản phẩm để khách kiểm chứng.

Nhưng khi nhận được hàng, tôi vô cùng thất vọng. Hàng khác xa với sản phẩm được rao bán hôm trước, nhìn vào đã mất cảm tình, nói gì đến chuyện mặc lên người. Trả hàng vừa mất thời gian, công sức, tốn phí vận chuyển. Không sử dụng thì phí, sử dụng thì không được, cho tặng người ta không lấy, chẳng biết làm thế nào với chúng nữa”.

Ông T.L (ngụ phường Mỹ Hòa) từng “nếm quả đắng”, khi mua phải hàng kém chất lượng, không đúng mô tả. Thấy cái đồng hồ trên trang thương mại điện tử (có cả clip phản hồi của khách hàng) trông rất chất lượng, mà giá đang giảm, chưa đến 400.000 đồng, ông hào hứng đặt mua. Khi nhận, đồng hồ thua món đồ chơi trẻ em: Vỏ ọp ẹp, pin xài không được 2 tiếng, dây lỏng lẻo...

Thói quen mua sắm trước giờ của người dân là nhìn trực tiếp, sờ tận tay, thậm chí… dùng thử; ưng ý thì tiến hành trả giá, cân nhắc rất nhiều trước khi mua. Nay, phương thức mua sắm online chỉ dựa trên cảm quan, nhìn sản phẩm trên hình “có vẻ chất lượng”, dựa vào lời tư vấn “ngọt hơn mía lùi” của người bán, tin tưởng nhau là chủ yếu. Để rồi, không ít trường hợp nhận về rủi ro, lạc vào “ma trận” hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng...

Vì thế, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, nên tìm hiểu kỹ trước khi chọn mua sản phẩm, tránh tin vào những lời quảng cáo chưa được kiểm chứng trên mạng. Khi nhận hóa đơn, cần đối chiếu thông tin trên biên lai giao hàng với đơn hàng trên mạng để hạn chế tình trạng thanh toán cho đơn hàng mình không đặt mua hoặc nhận hàng không đúng với sản phẩm đã đặt... Rất mong cơ quan chức năng tăng cường quản lý, có giải pháp hữu hiệu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng.

N.S

 

Liên kết hữu ích