“Mẹ đỡ đầu” trong sắc áo xanh

21/04/2022 - 06:53

 - Những tháng ngày cao điểm do dịch bệnh COVID-19 bắt đầu lùi dần trong trí nhớ. Chưa xa đến mức phôi phai ký ức, nhưng cũng không phải chuyện mới ngày hôm qua khiến mọi người thấp thỏm lo âu. Chỉ có điều, hậu quả dịch bệnh để lại thật khó đong đếm. Ngoài tổn thất về người ra đi, còn là nỗi trăn trở cho người ở lại, nhất là trẻ em.

Đến giờ, ông Nguyễn Văn Cồ (sinh năm 1951, ngụ ấp Hòa Thuận, xã Hòa Bình Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) vẫn chưa thể tin rằng, cô con gái 36 tuổi của mình đã vĩnh viễn mất đi. “Vợ chồng nó than ở quê không có việc làm, phải đi làm công nhân ở tỉnh Bình Dương mới có tiền. Trước khi đi, nó gửi bé Nhí (Huỳnh Thị Nhí, lớp 7 Trường THCS Hòa Bình Thạnh) cho vợ chồng tôi chăm sóc. Trưa nào nó cũng điện thoại về, hỏi thăm Nhí “ăn cơm chưa con, tắm chưa con...”. Đùng một cái, tháng 8 năm ngoái, tôi nhận tin con chết vì nhiễm COVID-19. Lúc đi, con tôi lành lặn, vui vẻ, mà lúc về chỉ còn hũ tro cốt nguội lạnh…”- ông Cồ trầm mặc.

Vợ chồng ông thương con vắn số một, thương cảnh mồ côi của Nhí đến mười. Cha của bé vẫn phải mưu sinh, lâu lâu mới về thăm bé. Mất mẹ, thiếu hơi ấm của cha, Nhí chỉ còn biết trông cậy vòng tay ông bà ngoại. Khổ nỗi, vòng tay ấy chẳng đủ mạnh mẽ, lâu dài.

Ông Cồ than thở: “Vợ chồng tôi đều ngoài 70 tuổi, bệnh tật, có làm được gì ra tiền, nhà thuộc diện cận nghèo. Con cháu trưởng thành đi làm ăn xa, gửi lại một bầy nhỏ cho ông bà chăm sóc. Tổng cộng hiện giờ chúng tôi chăm sóc 6 đứa, nhỏ nhất 3 tuổi, lớn nhất là bé Nhí. Tiền ăn hàng ngày còn chật vật, đâu dám nghĩ tới chuyện xa xôi hơn. Thôi thì, sống tới đâu tính tới đó. Chỉ tội, sau này chúng tôi có bề gì, mấy đứa cháu kia còn có cha mẹ, chứ bé Nhí biết nương tựa vào ai”.

Trao quà hỗ trợ 2 cháu ở huyện Châu Thành

Bé Nhí mà chúng tôi nhắc đến nãy giờ, vừa đi học về là chạy đến bàn thờ, thắp nhang cho mẹ. Cô bé 13, 14 tuổi, vóc dáng nhỏ xíu như học sinh tiểu học, lại hiểu chuyện đến đau lòng. Trường gần nhà, em tự chạy xe, hoặc quá giang bạn bè. Ở nhà, em phụ ông bà làm việc nhà, trông mấy em nhỏ. Tôi hỏi chuyện tương lai, Nhí ngập ngừng: “Con ráng học, nhưng nếu không đủ tiền đi học thì con sẽ nghỉ, đi học nghề”. Ông Cồ vội ngắt lời: “Tôi ráng lo cho Nhí học tới hết lớp 12. Rồi sau đó, nó muốn học gì cũng được, miễn có nghề ổn định lo cho cuộc sống riêng”. Trấn an cháu như vậy, chứ ông chưa biết tính sao...

May mắn thay, giờ Nhí đã có thêm chỗ dựa vững chắc, thêm “mẹ đỡ đầu”. Mấy hôm trước, em được nhận 7 triệu đồng, tiền hỗ trợ của Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự (theo chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch COVID-19).

“Từ nay đến khi tròn 18 tuổi, Huỳnh Thị Nhí và em Mai Huỳnh Nhựt Long (ngụ xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành) được nhận sinh hoạt phí 6 triệu đồng/năm, vật chất học tập 1 triệu đồng/năm, từ nguồn vận động, đóng góp của hội viên, đoàn viên trong Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Hoạt động nhằm hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, chia sẻ nỗi mất mát và giúp các em có điều kiện phát triển toàn diện” - thượng úy Huỳnh Thị Quỳnh Hạnh (Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) chia sẻ.

“2 năm qua, đại dịch COVID-19 làm hơn 2.000 trẻ mồ côi, riêng An Giang có hơn 250 cháu. Các cháu mất đi sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Hơn lúc nào hết, các cháu rất cần sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt từ cộng đồng, để vượt qua nỗi đau tinh thần, thể chất, tìm được nơi nương tựa, phát triển như bao trẻ em khác. Cùng với nhiều tổ chức khác, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh vận động, quyên góp, thực hiện mô hình “Mẹ đỡ đầu” cho 2 cháu mồ côi trên địa bàn huyện Châu Thành. Phần quà không lớn, nhưng là việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách”. Lực lượng vũ trang An Giang sẵn sàng đóng góp để hỗ trợ, chia sẻ phần nào cho các cháu. Chúng tôi rất mong, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, ban ngành, nhà trường tiếp tục quan tâm, thăm hỏi, động viên để các cháu có niềm an ủi, yêu thương và động lực vươn lên” - đại tá Chau Chắc (Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang) bày tỏ.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bình Thạnh Hồ Thị Mộng Thu cho biết: “Hòa Bình Thạnh là xã thuần nông, với hơn 1.000 hộ khó khăn. Trong năm qua, chúng tôi đã phối hợp hỗ trợ hơn 3.000 lượt người dân, chủ yếu là nhu yếu phẩm để họ vượt qua đại dịch. Đối với trẻ em mồ côi do dịch bệnh, chương trình “Mẹ đỡ đầu” mang lại rất nhiều ý nghĩa. Thay mặt địa phương, chúng tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc, ghi nhận sự đóng góp quý báu của cán bộ, chiến sĩ, các tổ chức, cá nhân đã dành cho trẻ mồ côi. Địa phương sẽ có trách nhiệm hướng dẫn gia đình và các em sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, giúp các em chăm ngoan, học tốt, phát triển toàn diện”.

Ngoài “mẹ đỡ đầu” là cán bộ, hội viên đoàn thể các cấp, nay các em có thêm “mẹ đỡ đầu” là chú bộ đội, cô bộ đội. Mỗi cánh tay ấm áp đưa ra sẽ nâng đỡ trẻ mồ côi vượt qua nghịch cảnh, nhân rộng tình yêu thương, đùm bọc, xóa nhòa đi bóng tối u ám của dịch bệnh COVID-19 trong cuộc sống của mỗi em!

GIA KHÁNH