“Mùa” bánh và đèn trung thu

27/09/2020 - 14:31

 - So với những năm trước, thị trường bánh và đèn trung thu năm nay có phần giảm sức mua do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, các cơ sở vẫn sản xuất nhiều hương vị mới, chú trọng hơn các dòng sản phẩm vì sức khỏe, cách phân phối đáp ứng nhu cầu, tâm lý của khách hàng.

Khác với bánh công nghiệp, cơ sở sản xuất bánh trung thu truyền thống trên địa bàn tỉnh An Giang chỉ “tăng tốc” sản xuất từ rằm tháng 7 hoặc đầu tháng 8 (âm lịch). Uy tín và chất lượng giúp họ có thị trường riêng bền vững, góp phần phong phú thêm sản phẩm đưa ra thị trường hàng năm. Khảo sát một số cơ sở làm bánh gia truyền ở các địa phương, chúng tôi ghi nhận tình hình chung đều giảm sản lượng hơn năm trước, ảnh hưởng từ sức tiêu thụ của khách hàng.

Từ lễ Quốc khánh (2-9), cơ sở Huỳnh Thuận Phát (Phú Tân) đã khởi động việc làm bánh đều đặn. Gần 50 năm giữ nghề gia truyền, ngoài các công đoạn thủ công, nhiều năm nay cơ sở đầu tư máy trộn nguyên liệu, lò nướng để đảm bảo sạch sẽ và sản phẩm đồng đều hơn.

Ông Phát cho biết, so với năm ngoái, lượng bánh làm ra hiện nay giảm 40%, trung bình mỗi ngày sản xuất 400 cái bánh các loại, mẫu mã chỉ thay đổi chút đỉnh, có thêm loại bánh lớn 1,2kg. Đầu ra của cơ sở vẫn ổn định là các đại lý, mối quen lâu năm trong địa phương.

Nguyên liệu chủ yếu được ông mua từ TP. Hồ Chí Minh, TP. Châu Đốc, như: lạp xưởng, trứng, hạt dưa, hạt điều, mè… rõ nguồn gốc, có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì tình hình khó khăn nên nguyên liệu và bánh đều không tăng, dao động từ 40.000-250.000 đồng/cái, nhân bánh chỉ thay đổi chút ít, còn vị truyền thống là đặc trưng và mỗi gia đình sẽ có bí quyết khác nhau.

Trong khi đó, ở TP. Long Xuyên, nhu cầu khách hàng đa dạng hơn, bánh truyền thống chủ lực vẫn là nhân thập cẩm, đậu xanh, hạt sen, nay có thêm một số đổi mới như: khoai môn, mè đen, bánh dẻo sử dụng nước cốt thanh long ruột đỏ, trà xanh… Các hiệu quen thuộc như: Mỹ Thanh, Thanh Lan.

Ngoài hương vị truyền thống đặc trưng, các cơ sở được khách hàng ủng hộ lâu năm bởi đa số có đăng ký sản xuất - kinh doanh, nhãn hiệu, được kiểm tra an toàn thực phẩm định kỳ, quan tâm cho công nhân tập huấn và khám sức khỏe. Lợi thế của cơ sở truyền thống là mỗi ngày luôn sản xuất mẻ mới, những đơn hàng đặc biệt có thể làm số lượng tùy ý theo yêu cầu của khách hàng để phù hợp hơn với túi tiền, khẩu vị, sức khỏe, mục đích làm quà biếu. Đồng thời, cơ sở còn rất linh hoạt trong cách vận chuyển, giao hàng, đảm bảo thuận lợi nhất để khách hàng yên tâm trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Tại tiệm bánh Mỹ Thanh (phường Mỹ Long), nửa tháng nay công suất làm mỗi ngày đã tăng dần theo đơn của khách hàng, chủ yếu làm quà tặng trong các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp. Để tiếp cận khách hàng nhiều hơn, cơ sở tận dụng tối đa mạng xã hội giới thiệu, trao đổi với khách hàng, liên kết một số dịch vụ vận chuyển nhằm phân phối sản phẩm thêm mở rộng.

Tương tự như mặt hàng bánh, các sản phẩm đèn trung thu năm nay bán ra giảm hơn so với thường lệ. Chị Kim Ngân (chủ cửa hàng Mon tại TP. Châu Đốc) cho biết, giá thành không đổi, nhưng người mua ít hơn. Đặc biệt, mấy năm nay khách hàng rất chuộng đèn truyền thống làm thủ công, vì vậy chị nhập số lượng lớn về bán, phục vụ chủ yếu là các đơn vị mua làm quà tặng cho thiếu nhi, trường học. Góp phần giữ lại nét truyền thống của mùa trung thu, 40 năm nay, ông Phạm Văn Thành (Phú Tân) kiên trì với nghề làm lồng đèn thủ công các loại.

Ông cho biết mỗi năm số lượng làm càng giảm nhưng ông không bỏ nghề vì rất mê công việc này. Kể cả giá nguyên liệu tăng lên ông vẫn giữ y giá bán sản phẩm từ 40.000-70.000 đồng/cái. Từng cái đèn ông sao, con thỏ, bươm bướm, con gà, con cá… là tấm lòng của ông, mong trẻ em sẽ còn yêu thích chơi đèn trung thu truyền thống, với giấy dán thủ công, đèn nến đơn giản.

Mấy năm gần đây, ông còn làm nhiều mẫu đèn chiếc thuyền mẫu Hoàng Sa - Trường Sa được học sinh yêu thích. Ngoài số lượng làm theo đơn của các cửa hàng, ông còn bán lẻ, dự kiến mùa Trung thu này chỉ vài trăm cái thôi cũng mừng, qua thời khắc vui chơi của trẻ em, ông quay về với nghề bán vé số. Miệt mài với cái nghề “lấy công làm lời”, ông vẫn tìm thấy niềm vui riêng.

Những ngày này, trống lân đã rộn ràng ở nhiều nơi, hòa giữa dòng chảy hiện đại, Trung thu truyền thống đến từ những người giữ nghề và cả người thưởng thức ưa chuộng sự xưa cũ, góp phần tạo nét đẹp văn hóa đoàn viên, ấm cúng, đậm bản sắc.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích