“Mùa xuân đầu tiên”

05/01/2023 - 05:37

 - Đó là ngày 6/1/1946, khi cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra. Do hoàn cảnh đặc biệt của đất nước lúc bấy giờ, Tổng tuyển cử thực chất là cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp và dân tộc hết sức gay go, phức tạp và quyết liệt. Thắng lợi hoàn toàn của cuộc tổng tuyển cử đem đến rất nhiều mùa xuân ấm êm của Việt Nam, từ sau thời điểm ấy.

Thống nhất, thống nhất và thống nhất

Việc chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử diễn ra rất khẩn trương trong tình hình kinh tế, chính trị, xã hội hết sức khó khăn: Vừa phải kháng chiến ở miền Nam, vừa phải giải quyết nhiệm vụ cấp bách hàng ngày đặt ra, vừa thực hiện sách lược tạm thời hoà hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc, đồng thời lại vừa phải đấu tranh để chống lại hành động phá hoại điên cuồng của chúng.

Ngày 3/9/1945, chỉ 1 ngày sau khi tuyên bố độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị một trong 6 nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội. Mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện chủ trương “thống nhất, thống nhất và thống nhất”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh quyết định mời tất cả người ngoài Mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử. Hành động này chứng tỏ, Chính phủ và Việt Minh luôn tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, tôn trọng người có tài, đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, thiện tâm, thiện chí vì quyền lợi tối cao của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”.

Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 6/1/1946, nhân dân Việt Nam từ Bắc đến Nam, trên khắp mọi miền của Tổ quốc nô nức tham gia bầu cử: 89% cử tri tham gia bỏ phiếu (trong khi đó, theo Sắc lệnh 51, chỉ cần 1/4 cử tri có quyền bầu cử đi bầu thì cuộc bầu cử đã có giá trị). Cuộc Tổng tuyển cử vĩ đại đầy ý nghĩa đó thắng lợi do có sách lược ứng phó khéo léo: Giương cao ngọn cờ đoàn kết, tất cả vì mục tiêu độc lập dân tộc với những giải pháp “dĩ bất biến, ứng vạn biến” đầy nghệ thuật, không phải sử dụng bạo lực trong điều kiện “chưa bao giờ trên đất nước ta có nhiều kẻ thù đến thế”.

Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội đầu tiên

Sau Tổng tuyển cử, 333 đại biểu Quốc hội được bầu ra, trong đó 57% đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái; có 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Từ đây, nhà nước cách mạng Việt Nam chính thức trưởng thành, mở ra thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa trên mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại.

Kỳ họp thứ 1 Quốc hội khóa I diễn ra ngày 2/3/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội. Thay mặt Chính phủ Liên hiệp lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo với Quốc hội công việc đã làm trong 6 tháng, nêu rõ: “Việc hệ trọng nhất bây giờ là kháng chiến”, “Từ giờ về sau, Quốc hội và Chính phủ còn có những gánh nặng nề, phải bước qua nhiều sự khó khăn, nhưng tôi chắc rằng quốc dân sẽ nhất trí, dựa vào sức đoàn kết mà làm việc, và như thế thì dù có khó khăn đến đâu, kháng chiến sẽ thắng lợi và kiến quốc sẽ thành công. Bây giờ Chính phủ lâm thời giao lại quyền cho Quốc hội để tổ chức một Chính phủ mới: Một chính phủ kháng chiến và kiến quốc”.

Quốc hội hoàn toàn nhất trí với bản báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tuyên bố “Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng với Tổ quốc”. Quốc hội đã trao cho Người quyền thành lập Chính phủ mới. Kết thúc kỳ họp, đại biểu thống nhất danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; công nhận danh sách Kháng chiến Ủy viên hội, Chủ tịch là Võ Nguyên Giáp; công nhận danh sách Quốc gia Cố vấn đoàn, Cố vấn Tối cao Vĩnh Thụy (tức cựu hoàng Bảo Đại) làm đoàn trưởng. Ban Thường trực Quốc hội do ông Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban. Về sau, Ban Thường trực được bổ sung thêm 4 đại biểu Nam Bộ: Tôn Đức Thắng, Dương Bạch Mai (Ủy viên chính thức), Nguyễn Ngọc Bích, Huỳnh Tấn Phát (Ủy viên dự khuyết).

Trước khi bế mạc kỳ họp thứ 1, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Bây giờ Quốc hội tạm thời bế mạc để cho tất cả anh em chúng ta đem một cái không khí đoàn kết, một cái không khí kháng chiến, một cái không khí kiên quyết, một cái không khí nhất định thành công về các địa phương và công tác… Đồng thời chúng ta cũng hứa với nhau rằng: Quốc hội họp lần này là Quốc hội Kháng chiến, mà Chính phủ cử ra là Chính phủ Kháng chiến. Tôi mong rằng Quốc hội họp lần sau sẽ là Quốc hội thắng lợi, mà Chính phủ cũng là Chính phủ thắng lợi”.

Mong ước của Người đã thành sự thật, khi 14 nhiệm kỳ Quốc hội kế tiếp đều hoạt động trong hòa bình, hạnh phúc và an vui. Tất cả đều nhờ thành công của “Mùa xuân đầu tiên” năm 1946.

GIA KHÁNH