Nghiện ĐTDĐ không chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ, mà còn xuất hiện ngay cả với người trưởng thành. Với trẻ nhỏ, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, nếu không sớm tìm cách “cai nghiện”, trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, thậm chí có nguy cơ cao mắc bệnh lý tâm thần, cản trở hành trình phát triển. Với người lớn, chứng nghiện ĐTDĐ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ, giảm năng suất nơi làm việc, ở nhà và trường học hoặc tổn hại đến sức khỏe thể chất, tinh thần.
“Không hiếm lần đi ăn bên ngoài, tôi gặp gia đình dẫn theo con nhỏ. Nhưng thay vì ăn cùng gia đình, bọn trẻ chỉ chăm chú vào điện thoại. Cha mẹ đút gì thì ăn đó, không thì thôi. Lại có trường hợp, bé liên tục gào khóc đòi chiếc điện thoại trong tay người lớn. Người lớn thì quát mắng, nhấn mạnh phải ăn cơm trước, thế nhưng cuối cùng vẫn phải “thua trận” trước sự gào khóc ngoan cố của các con.
Ngay cả bản thân tôi, không ít lần tức giận vì con liên tục đòi điện thoại, không có điện thoại thì không chịu ăn. Tôi bất lực, không biết xử trí thế nào. Thỏa hiệp với con thì lâu dài không tốt, mà không đồng ý ngay lúc đó, con lại gào thét um sùm” - chị Thu Trang (29 tuổi, ngụ xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) bộc bạch.
“Nghiện” điện thoại khiến nhiều người mua hàng mất kiểm soát về khuya
Theo số liệu thống kê, đầu năm 2023, Việt Nam có 77,9 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số. Ngoài ra, số lượng người dùng mạng xã hội cũng đạt con số 70 triệu, tương đương với 71% tổng dân số. Tổng số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu, tương đương với 164% tổng dân số.
Các ứng dụng điển hình như Facebook có 66,2 triệu người dùng, YouTube có 63 triệu người dùng, Instagram có 10,35 triệu người dùng, TikTok có 49,8 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên tại Việt Nam. Dữ liệu này cho thấy, Việt Nam có tổng số người dùng Internet và mạng xã hội đáng kể, tăng liên tục qua các năm.
Ngoài chứng nghiện ĐTDĐ, một trong những chứng nghiện phổ biến trong thế hệ trẻ hiện nay là thức đêm. Không nói đến những người phải thức đêm vì công việc, vì cuộc sống mưu sinh, rất nhiều người thức đêm chỉ để nghịch… điện thoại và mua sắm online. Nắm bắt thói quen sinh hoạt, mua sắm của khách hàng lúc nửa đêm rất lớn, nên nhà bán hàng, đơn vị kinh doanh cũng lên rất nhiều chiến lược để chớp cơ hội này.
Nhiều người bán hàng chọn khung giờ livestream khá khuya (từ 22 giờ - 0 giờ, hoặc từ 0 giờ - 2 giờ sáng) để chiều lòng khách. Nếu quá lạm dụng việc thức khuya, ngủ muộn, mua sắm ban đêm, các bạn trẻ sẽ mất cân bằng tài chính, suy giảm sức khỏe, mất tập trung, giảm năng suất trong các hoạt động và công việc ban ngày.
Thật thà chia sẻ với chúng tôi rằng bản thân là người “nghiện” mua sắm online, chị Nguyễn Linh Phương (ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) kể: “Vào lúc khuya hoặc sau khi trải qua ngày dài căng thẳng kiệt sức, tôi thường quyết định mua một món hàng mà dịp bình thường rất đắn đo. Tôi cũng không hiểu tại sao lại như vậy? Chỉ biết, sáng ra nhìn lại các đơn đã chốt, tôi mới thấy việc đặt hàng ban đêm của mình thật ngớ ngẩn, có những món hàng không thật sự cần thiết”.
Nhiều người cho rằng, mua sắm online vào lúc nửa đêm thường khiến người tiêu dùng thiếu tỉnh táo, dễ bốc đồng, dẫn đến quyết định chi tiêu không hợp lý. Việc thường xuyên mua sắm, canh giảm giá, đợi chốt “deal hời” vào thời điểm này, lâu ngày có thể trở thành thói quen xấu, gây thiệt hại không nhỏ cho bản thân.
“Theo tôi, mua sắm online vào ban đêm, người mua nếu không có đủ độ tỉnh táo sẽ rất dễ bị cuốn theo những lời quảng cáo, chào mời của người bán hàng livestream, dễ có những quyết định mua sắm ngay. Những món đồ không dùng đến ngày càng nhiều từ những khoảnh khắc không kiểm soát lúc nửa đêm. Đó là một trong những nguyên nhân khiến họ rơi vào cảnh bội chi, thậm chí là nợ nần vì “nghiện” mua sắm online vào đêm khuya” - chị Cẩm Lài (ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) cảm nhận.
Đó chỉ là một dẫn chứng trước thực trạng “nghiện” smartphone ngày nay. “Cai nghiện” là chuyện không phải một sớm một chiều. Thiết nghĩ, đặt lịch cụ thể, tự “giới hạn” thời gian để ngừng sử dụng ĐTDĐ trong ngày là cách hữu hiệu. Quá trình “cai nghiện” không hề dễ, nhưng thay đổi từng chút một và có ý thức về giới hạn mỗi khi sử dụng ĐTDĐ sẽ xây dựng thói quen tốt, tăng hiệu suất công việc mỗi ngày.
SONG MINH