Mất tiền mua “cục tức”
Lướt facebook, thấy quảng cáo bán điện thoại Samsung Galaxy A70 với lời giới thiệu “Xả kho, giảm giá 49%” từ một fanpage có gắn biểu tượng Lazada, anh Nguyễn Văn Chiến (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) liên hệ đặt mua. Vừa nhấp vào trang, hình ảnh chiếc smartphone Samsung Galaxy A70 hiện lên khá bắt mắt, người bán cam kết hàng “nguyên seal” (chưa khui hộp). “Chiếc Samsung Galaxy A70 có giá ở cửa hàng 6,7 triệu đồng nhưng trang này chỉ bán 3,3 triệu đồng. Tôi điện thoại với nhân viên tư vấn thì họ bảo muốn xả kho nên giảm giá mạnh. Nhân viên này bảo nếu phát hiện hàng không chính hãng có thể trả lại. Do đã mua hàng trên Lazada nhiều lần nên tôi tin tưởng trang thương mại điện tử này, yên tâm đặt mua” - anh Chiến chia sẻ.
Một fanpage chạy quảng cáo trên facebook có thiết kế giao diện trang Shopee
Khoảng 3 ngày sau, gói hàng được chuyển đến địa chỉ nhà anh Chiến theo hình thức “ship COD” (giao hàng và thu tiền hộ). Thanh toán tiền xong, anh Chiến mở gói hàng ra xem, khấp khởi mừng khi thấy đúng là chiếc hộp đựng Galaxy A70 còn “nguyên seal”. Tuy nhiên, tem mác trên hộp giống như vừa được dán đè lên, số IMEI và mã hiệu khi kiểm tra lại là của sản phẩm có tên Galaxy A7 đời 2018. Chiếc smartphone vừa khởi động lên một lúc thì sập nguồn, không xài được. Gọi điện thoại cho nhân viên tư vấn trước đó, nhân viên này bảo nếu không muốn nhận cứ gửi hàng lại, họ sẽ hoàn tiền. “Thấy vậy, tôi ra bưu điện gửi trả hàng. Tuy nhiên, khi cung cấp số tài khoản để hoàn tiền và chờ cả tuần lễ không thấy tiền đâu, tôi gọi điện thoại thì không liên lạc được. Lên trang cửa hàng kiểm tra thì trang này cũng bị đóng. Xem kỹ lại mới thấy đây là trang web được thiết kế giả giống như trang Lazada. Vậy là vừa mất tiền, mất hàng, lại tốn thêm phí gửi bưu điện” - anh Chiến bực bội.
Cẩn thận kiểm tra
Thường xuyên mua hàng trên trang Shopee nên khi thấy có trang quảng cáo gắn biểu tượng Shopee rao bán “Note 9 giảm giá chỉ còn 3.690k (3,69 triệu đồng) trong hôm nay”, chị Nguyễn Thị Thanh Hà (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) nhấn vào xem thử. “Tôi rất mê dòng Samsung Galaxy Note nên tôi định mua một chiếc. Chiếc Samsung Galaxy Note 9 có giá bình thường không dưới 15 triệu đồng nhưng họ chỉ bán 3,69 triệu đồng, miễn phí giao hàng. Tôi có hỏi sao giá rẻ vậy thì nhân viên tư vấn nói đây là hàng trưng bày nên bán rẻ, dòng Note 9 này đang rớt đời khi đã xuất hiện Note 10 nên cửa hàng muốn bán hết để nhập dòng điện thoại mới. Nghe lời giải thích cũng hợp lý, với lại trang web thiết kế giống với Shopee, nhân viên nói cho phép đổi trả trong 7 ngày nên tôi đặt mua. Khi nhận được hàng, tôi vẫn để nguyên trong hộp không xem, đến khi tặng sinh nhật cho chồng thì kiểm tra mới phát hiện hàng dỏm. Khi liên hệ Shopee thì họ nói đây là trang giả mạo, không có đăng ký bán hàng qua Shopee” - chị Hà bức xúc.
Đối với chị Trần Thanh Ngân (phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên), cú lừa còn tinh vi hơn. Lên google tra thông tin về dòng Samsung Galaxy Note 9, chị thấy xuất hiện trang web rao bán với giá cực rẻ. Nhấp vào xem, chị thấy hình ảnh chiếc điện thoại được giới thiệu là “Galaxy Note 9 xách tay Nhật” với giá gốc 11,3 triệu đồng nhưng giảm còn 3,3 triệu đồng, thời gian giảm chỉ còn chưa tới 2 giờ (có đồng hồ đếm ngược). “Tôi xem kỹ, thấy địa chỉ cửa hàng ở tòa nhà Vincom Mega Mall Thảo Điền (quận 2, TP. Hồ Chí Minh). Bên dưới thông số kỹ thuật là những comment (bình luận) chấm điểm “5 sao” kèm đánh giá rất tốt. Thấy gần hết thời gian khuyến mãi nên tôi điền thông tin đặt mua. Vài phút sau, có số điện thoại bàn hiện mã vùng TP. Hồ Chí Minh gọi lại, xưng là nhân viên cửa hàng điện thoại xách tại Nhật, yêu cầu xác nhận đơn hàng. Nhân viên này nói khi nhận hàng, tôi có thể kiểm tra, thấy ưng ý mới thanh toán. Tôi đồng ý và mấy ngày sau nhận được hàng thật, kiểm tra thấy điện thoại có vỏ hộp đầy đủ, ghi xuất xứ “Japan” nên thanh toán. Đến khi con trai tôi kiểm tra phát hiện hàng dỏm, gọi lại số điện thoại bàn thì người khác bắt máy, nói đây là số điện thoại nhà riêng chứ không có bán hàng” - chị Ngân nhớ lại.
Anh Võ Đức Thiện (phóng viên phụ trách mảng công nghệ thông tin của Báo Tuổi Trẻ) cho biết, với các phần mềm hỗ trợ như hiện nay, việc thiết kế trang web bán hàng có giao diện tương tự những trang thương mại điện tử lớn là không khó. “Những kẻ lừa đảo thường xây dựng niềm tin bằng cách lập các website với tên miền dễ gây nhầm lẫn, “nhái” cả nội dung lẫn giao diện các trang thương mại điện tử và đánh vào tâm lý thích mua hàng giá rẻ của người dùng. Những nhóm này thường lập các fanpage trên facebook, sao chép nguyên nội dung của Adayroi, Lazada, Sendo, Shopee, Tiki… rồi cho chạy quảng cáo hướng người dùng truy cập vào website đặt hàng. Chỉ cần có số điện thoại, 1 nhân viên sẽ gọi điện tư vấn, lôi kéo người dùng “chốt đơn hàng” để gửi hàng dỏm về” - anh Thiện chia sẻ.
Để tránh bị lừa, anh Thiện khuyên người dùng hết sức cẩn thận với hàng giá siêu rẻ. “Nếu nhấp vào, thấy chạy sang tên miền lạ và cách thức đặt hàng không giống với các trang thương mại điện tử, người dùng đừng để lại số điện thoại đặt mua. Trường hợp có mua, nên nhờ người có hiểu biết kiểm tra hàng trước khi thanh toán COD. Chỉ cần quét mã QR hoặc truy cập số IMEI là biết hàng chính hãng hay không” - anh Thiện hướng dẫn.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN