“Nhiệm vụ chiến đấu” của lực lượng vũ trang thời bình

15/07/2024 - 07:08

 - Đó là nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả, thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn. Những đóng góp lớn lao của lực lượng vũ trang (LLVT) đã chung tay giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản do thiên tai lụt bão, sạt lở, hỏa hoạn gây ra, được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Nhân dân đánh giá cao.

Tri Tôn là địa phương hứng chịu nhiều bất lợi về thời tiết. Vừa có đồi núi, vừa có đồng bằng. vào mùa mưa, huyện đối mặt với bão, áp thấp nhiệt đới, sạt, trượt đất trên núi. Vào mùa khô, mực nước xuống thấp, kênh mương nội đồng ít nước, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, làm sạt lở bờ kênh, mương, thiếu nước sinh hoạt. Trong 10 năm qua, toàn huyện xảy ra 34 vụ cháy nhà dân, khu chăn nuôi, khu sản xuất; 62 vụ cháy rừng; 27 vụ ảnh hưởng gió lốc, 7 vụ sạt lở đất bờ kênh, 9 vị trí sạt, trượt đất đồi núi…

“Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện luôn xác định, tham gia phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của LLVT địa phương trong thời bình. Do đó, khi xảy ra sự cố, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đều nhanh chóng cơ động đến hiện trường, tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả nhanh chóng, an toàn, giúp Nhân dân sớm ổn định đời sống.

Điển hình như việc tham gia dập tắt 17 vụ cháy rừng tại núi Dài, núi Cô Tô, quy tụ gần 2.000 CBCS cơ quan quân sự huyện và dân quân cấp xã. Việc áp dụng phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) cần được đặt lên hàng đầu” - thượng tá Nguyễn Văn Tính, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tri Tôn cho biết.

LLVT huyện Tri Tôn nói riêng, LLVT tỉnh An Giang nói chung đang thực hiện nghiêm Nghị quyết 689-NQ/QUTW, ngày 10/10/2014 của Quân ủy Trung ương về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, là nhiệm vụ chiến đấu của LLVT trong thời bình.

Các đơn vị quân đội thường xuyên rà soát, củng cố kiện toàn nhân sự ban chỉ đạo, bổ sung đầy đủ vật chất, trang thiết bị cho nhiệm vụ ứng phó sự cố, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kịp thời khi có thiên tai xảy ra.

Công tác ứng phó, khắc phục hậu quả trước, trong và sau thiên tai được thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, LLVT tỉnh kịp thời đưa ra giải pháp để ứng phó với diễn biến xấu của thời tiết, giúp người dân ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất.

Để thực hiện “nhiệm vụ chiến đấu” này, LLVT của tỉnh thường xuyên được củng cố về mọi mặt. Dân quân tự vệ bố trí rộng khắp, hàng năm được huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh phối hợp sở, ngành tỉnh tham mưu Ban Chỉ đạo diễn tập tỉnh tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự cho một số huyện, bảo đảm an toàn và đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 136 cuộc diễn tập cấp xã, khoảng 22.000 lượt người tham dự. Qua các cuộc diễn tập, trình độ, năng lực của cán bộ phụ trách công tác ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa và cứu hộ, cứu nạn được nâng lên; ý thức phòng, chống thiên tai của người dân được chuyển biến rõ nét.

Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thời tiết và thiên tai sẽ diễn biến phức tạp khó lường, nắng nóng kéo dài, mưa bão diễn biến bất thường, mức độ thiệt hại sẽ nặng nề hơn. Những năm tới, tình hình khí hậu, thời tiết khu vực ĐBSCL, trong đó có tỉnh An Giang dự báo tiếp tục tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản.

“Chúng tôi tiếp tục bám sát quan điểm chỉ đạo “Tổ chức lực lượng chủ động, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống khi có thiên tai xảy ra, chuẩn bị đầy đủ kế hoạch, phương án, lực lượng, phương tiện, tổ chức huấn luyện, luyện tập các phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Cùng với đó là phương châm “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, “4 tại chỗ”” - đại tá Nguyễn Thúc Linh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh thông tin.

Sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết 689-NQ/QUTW vẫn còn nguyên giá trị, phát huy vai trò của LLVT trong hoạt động phòng, chống thiên tai. Do đó, các đơn vị quân đội tiếp tục duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban cứu hộ, cứu nạn, chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ; kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, nhất là hành động cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, quân đội và Nhân dân.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng có liên quan và cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy Đảng. Tiếp tục nâng chất huấn luyện, luyện tập, diễn tập phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn hàng năm theo chỉ lệnh huấn luyện của Bộ Quốc phòng, Quân khu 9 cho các đối tượng...

10 năm qua, toàn tỉnh An Giang xảy ra 189 vụ do thiên tai gây ra (92 vụ lốc xoáy, 97 vụ sạt lở), làm 176 căn nhà sập hoàn toàn, 960 căn nhà tốc mái, hư hỏng, 21 người chết, 8 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 21 tỷ đồng. Về hỏa hoạn, xảy ra 237 vụ cháy nhà, cháy rừng, thiệt hại 287 căn nhà, cháy hơn 40ha rừng các loại và làm chết 18 người, thiệt hại về tài sản hơn 87 tỷ đồng. Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, Bộ CHQS tỉnh, các cơ quan, đơn vị huy động trên 19.576 lượt CBCS, dân quân tự vệ, 80 lượt phương tiện các loại, hỗ trợ sơ tán Nhân dân, khắc phục hậu quả 7.556 hộ, 20.118 lượt người; gia cố, chằng chống 2.278 căn nhà... góp phần giúp Nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

GIA KHÁNH