“Ông Hổ” trên xứ cù lao

03/02/2022 - 06:00

 - Nhiều người biết đến xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) ngày nay với tên gọi quen thuộc là cù lao Ông Hổ. Nguồn gốc của tên gọi này gắn với giai thoại rất thú vị. Sự tồn tại của chùa Ông Hổ là minh chứng sinh động cho sự có mặt của “Ông Ba Mươi” trên xứ cù lao.

Lòng tôn kính

Ông Hồ Văn Sẻn (sinh năm 1949, ngụ ấp Mỹ Long 2, xã Mỹ Hòa Hưng), nhà ở gần chùa Ông Hổ và cũng thường xuyên ghé thăm chùa, phụ chăm sóc hoa viên, cây cối. Ông Sẻn nhớ lại: “Ông bà tôi nhiều đời sống ở xứ cù lao này. Nghe ông nội tôi kể lại, lúc vợ chồng người chài lưới bắt gặp con vật nhỏ nằm ở đám cỏ trên sông, ông bà cứ nghĩ đó là con mèo nên vớt về nuôi, khi lớn lên mới phát hiện là hổ.

Thấy hổ hiền lành, ngoan ngoãn như chó cưng, sẵn không có con cái nên ông bà giữ lại nuôi luôn. Trong lần hổ tha heo rừng về cúng giỗ cha mẹ nuôi, có lẽ do sức yếu, hổ chết rồi bỏ xác luôn trên xứ cù lao, người dân địa phương phát hiện bộ xương hổ nên mang về gần mộ ông bà chài lưới lập miếu thờ”.

Cũng theo lời ông Sẻn, một lần có vài người khách ở TP. Cần Thơ lên cúng chùa Ông Hổ, trong đó có người phụ nữ sau khi uống tô nước thì bỗng lên đồng. “Lần đó tôi chứng kiến rõ ràng, người phụ nữ thay đổi giọng nói, tự xưng là người khuất mặt mượn xác nhập hồn, lên tiếng trách những người đến cúng sao lại cúng thịt đã luộc chín. Người này nói rằng, lúc trước, Ông Hổ chỉ tha thịt sống về cúng ông bà chài lưới” - ông Sẻn kể.

Nghe chuyện này, một số người khi đến cúng Ông Hổ và ông bà chài lưới, đã mang theo ít thịt sống cúng tượng trưng, còn lại vẫn cúng thịt, cá, trứng đã làm chín. “Ngày 28-10 (âm lịch) hàng năm là ngày giỗ Ông Hổ, đông đảo người dân khắp nơi tề tựu về đây để tham gia. Những người dân địa phương đến sớm từ vài ngày trước để phụ chùa chuẩn bị bàn ghế, thức ăn, nước uống, dọn dẹp lại chùa cho sạch sẽ, tinh tươm. Một số người mang thịt, cá lại cúng nhưng lễ cúng và giỗ chính đều đãi cơm chay, ăn uống thanh đạm, không rượu chè, nhậu nhẹt. Mọi người quan niệm rằng, ông Hổ tuy gửi xác ở xứ cù lao nhưng đã nguyện tu nơi Thiên Cấm Sơn huyền bí, đã thành thần nên cúng hoa tươi, trái cây, thức ăn chay cũng là phù hợp” - ông Sẻn chia sẻ.

Chỗ dựa niềm tin

Đối với người dân cù lao Mỹ Hòa Hưng, chùa Ông Hổ là chỗ dựa niềm tin quan trọng, giúp họ vượt qua những giai đoạn khó khăn, yên tâm lao động sản xuất, đóng góp vào sự phát triển của quê hương, nơi gắn với thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu.

Ở cái tuổi lục tuần, hầu như ngày nào bà Nguyễn Thị Bạn (ấp Mỹ Khánh 2, xã Mỹ Hòa Hưng) cũng đi viếng 3 chùa mà bà cho là linh thiêng trên địa bàn xã Mỹ Hòa Hưng. Đó là chùa Chư Vị, chùa Ông Hổ và chùa Quan Đế. “Hồi trước, xứ cù lao này đi lại rất khó khăn, muốn qua Long Xuyên phải chờ đợi những chuyến đò nhỏ đưa rước rất lâu. Do vậy, nhà có người bệnh, thường tự uống thuốc nam, bệnh nhiều thì đến cúng viếng, xin Chư Vị, Ông Hổ, Quan Đế phù trợ. Nhờ có niềm tin mà nhiều người vượt qua bệnh tật, khó khăn. Bản thân tôi thường xuyên mang gạo, muối lại tặng cho các chùa, tham gia làm công quả để tích đức cho con cháu” - bà Bạn nhấn mạnh.

Đối với bà Trần Thị Úa (65 tuổi, ngụ ấp Mỹ Long 2, xã Mỹ Hòa Hưng), luôn coi chùa Ông Hổ như ngôi nhà thứ hai của mình. Không gian chùa thoáng đãng, nhiều cây cổ thụ rợp bóng mát, tạo cảm giác thoải mái, bình yên. Nhà ở gần nên mỗi ngày, bà Úa đều đến chùa quét dọn lá cây quanh chùa, dọn dẹp, vệ sinh chánh điện, bàn thờ Phật, phụ lặt rau, nấu cơm…

“Chùa Ông Hổ gắn với lịch sử khai khẩn vùng cù lao này. Những người đi trước đã có công tạo ra vùng đất trù phú, màu mỡ, nuôi sống bao thế hệ hôm nay. Tôi đến chùa quét dọn, thắp nén nhang tưởng nhớ, coi như tấm lòng tri ân với bậc hiền nhân, cầu quốc thái dân an, người người khỏe mạnh” - bà Úa bộc bạch.

Với ông Hồ Văn Sẻn, 3 lần thoát chết trên sông cùng những gian truân, thăng trầm của cuộc đời, ông càng củng cố niềm tin vào luật nhân – quả, quan niệm rằng khi sống tốt, làm những điều thiện lành, giúp đỡ người khác thì sẽ có cuộc sống thanh thản, an nhiên.

“Trước đây, vợ chồng tôi hiếu kính với cha mẹ, chăm sóc chu đáo đến cuối đời; giúp lúa gạo cho người đói ăn, khốn đốn. Nay, cả 7 người con đều đã có sự nghiệp, cuộc sống ổn định, cũng rất hiếu kính với vợ chồng tôi. Nghĩ về chuyện ông Hổ, xưa ông bà chài lưới đối xử với hổ tốt, hổ mang ơn đền trả. Tấm lòng của ông bà được bao thế hệ hôm nay và mai sau nhớ đến. Đó là minh chứng cho việc gieo nhân tốt nhận được quả lành” - ông Sẻn thật lòng.

Bửu Long Cổ Tự (chùa Ông Hổ) là ngôi chùa nhỏ, nằm êm đềm giữa vườn cây cổ thụ, được kết nối bởi tuyến đường nông thôn mới của xã Mỹ Hòa Hưng. Vào ngày giỗ Ông Hổ (28-10 âm lịch), chùa thu hút rất đông người đến dự. Những ngày bình thường, khách thập phương vẫn thường đến cúng viếng, cầu ước nguyện. Nhiều người tin rằng, khi có lòng thành khẩn, Ông Hổ sẽ phù hộ.

HOÀNG XUÂN

 

Liên kết hữu ích