Ðồng sức, đồng lòng vượt qua đại dịch

09/07/2021 - 08:12

Ðại dịch Covid-19 vẫn đang là nỗi ám ảnh của cả nhân loại, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt trong đời sống. Việt Nam hiện bước vào một giai đoạn đầy thách thức khi dịch bệnh bùng phát trở lại với cường độ mạnh hơn, tốc độ lây nhiễm của chủng mới tăng gấp nhiều lần.

Người dân, chiến sĩ Công an tỉnh Ðắk Lắk đội mưa khẩn trương bốc rau, củ lên xe tải để kịp vận chuyển đến TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Ảnh TTXVN

Ðại dịch Covid-19 vẫn đang là nỗi ám ảnh của cả nhân loại, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt trong đời sống. Việt Nam hiện bước vào một giai đoạn đầy thách thức khi dịch bệnh bùng phát trở lại với cường độ mạnh hơn, tốc độ lây nhiễm của chủng mới tăng gấp nhiều lần. Nhưng chính trong thời điểm này, chúng ta tiếp tục được chứng kiến một Việt Nam đồng sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, sát sao và kịp thời của Ðảng, Chính phủ. Mỗi địa phương, tổ chức, cá nhân đều có những cách làm sáng tạo để cùng nhau vượt qua và chiến thắng đại dịch.

Năm 2020, khi Ðà Nẵng trở thành tâm dịch của cả nước, thành phố đã đón nhận nhiều ân tình của đồng bào mọi miền trên cả nước. Từ nhân lực, vật tư y tế, đến gạo, nhu yếu phẩm và cả những bó rau rừng của đồng bào miền núi thuộc 10 xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) ủng hộ người dân ở vùng đồng bằng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Hình ảnh những em nhỏ tự gùi rau, củ đến điểm tập kết để xe chở về xuôi, trao tặng người dân khu vực cách ly, phong tỏa thật sự xúc động. Và cũng bắt đầu từ Ðà Nẵng, những bếp cơm nghĩa tình, những bữa ăn miễn phí, hàng nghìn chuyến xe thiện nguyện được các tổ chức, cá nhân vận động, kêu gọi, quyên góp đã không ngừng lan tỏa, nhân rộng. Tới hiện tại, khi dịch tiếp tục hoành hành trên nhiều tỉnh, thành phố, có địa phương trở thành tâm dịch, một lần nữa tinh thần tương thân, tương ái người Việt Nam được phát huy và thể hiện qua nhiều việc làm đầy ý nghĩa.

Những ngày diễn ra dịch bệnh, chúng ta được chứng kiến nhiều cách làm hay, sáng tạo của cộng đồng để giúp đỡ, tương trợ, cùng vượt qua khó khăn. Ðó là những cửa hàng 0 đồng, phiên chợ 0 đồng, phiếu mua hàng 0 đồng, Tủ lạnh cộng đồng, ống trượt gạo, cơm... Các chuyến xe nghĩa tình, Suất ăn yêu thương liên tục từ Hà Nội về trao gửi Bắc Giang, hay Bếp tiền phương và Bếp yêu thương phục vụ hàng nghìn suất cơm trưa mỗi ngày cho người lao động khó khăn ở TP Hồ Chí Minh. 

Phong trào "nhà trọ an toàn", thực hiện lắp vách ngăn chống giọt bắn tại chợ Ngã Ba Bầu, cách làm độc đáo "Tặng táo xanh, chung tay chống dịch" tại TP Hồ Chí Minh đã thiết thực động viên, khuyến khích người dân an tâm ở nhà chống dịch. Ðó còn là chuỗi hoạt động tình nguyện đầy ý nghĩa của tuổi trẻ Bắc Giang trong chương trình "Áo xanh - Vải đỏ - Tấm lòng vàng" do Tỉnh đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Bắc Giang tổ chức. Trong bối cảnh địa phương là vùng tâm dịch đúng vào thời điểm thu hoạch vải thiều, những người trẻ của Bắc Giang đã chủ động kết nối từ nhiều nguồn để hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm, đồng thời dành những chùm vải tươi ngon của quê nhà gửi đến các y, bác sĩ, lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm dốc sức cùng địa phương chống dịch. Hay như việc làm tri ân với cuộc đời, cảm ơn các y, bác sĩ đã tận tình chăm sóc, chữa trị cho gia đình mình khỏi bệnh Covid-19 của bệnh nhân 687 Mai Anh Ðức (Ðà Nẵng). Lấy chính mã số bệnh nhân của mình, anh đã lập nhóm Team 687 để lan tỏa chương trình thiện nguyện, từ đó nhận được sự sẻ chia, góp sức, tài trợ kinh phí từ nhiều người, để những chiếc máy khử khuẩn đến đúng nơi cần, hỗ trợ phần nào cho các tuyến đầu. Những ngày này, Mai Anh Ðức đang ngày đêm cố gắng hoàn thành khẩn cấp các máy khử khuẩn di động, buồng khử khuẩn di động, hàng nghìn lít nước rửa tay sát khuẩn miễn phí gửi tặng Bắc Giang, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, cũng như tiếp tục phát động chiến dịch "Hướng về Sài Gòn" lần hai. Những việc làm ấy giúp kết nối hàng vạn tấm lòng cùng sẻ chia, người góp công, người góp sức...

Trong đại dịch Covid-19, mô hình ATM gạo của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Ðến thời điểm hiện tại, dòng gạo ân tình đó vẫn đang chảy tràn tại nhiều con hẻm, ngõ phố, kịp thời hỗ trợ những mảnh đời kham khó vì dịch bệnh. Nhìn vào thực tế hôm nay, sợi dây gắn kết thiêng liêng của cả dân tộc vẫn đang hiện rõ hình hài qua việc kết nối sáng tạo là những cây ATM gạo, bằng những chuyến hàng cứu trợ hướng về đồng bào vùng tâm dịch. Mạch nguồn giá trị nhân văn tiếp tục tỏa sáng và cho thấy người Việt Nam, dù giữa muôn vàn khó khăn khi dịch bệnh bủa vây, tình nghĩa đồng bào, sự sáng tạo, đoàn kết chưa bao giờ vơi cạn.

Khi Tổ quốc gặp khó khăn, cần sự chung sức, đồng lòng, người Việt Nam dù ở bất cứ đâu đều nhiệt tình hưởng ứng. Mới đây, hưởng ứng lời kêu gọi của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, hàng trăm nghìn cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh vẫn sẵn sàng ủng hộ hàng nghìn tỷ đồng đóng góp vào Quỹ vắc-xin phòng Covid-19. Không chỉ ở trong nước, đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài cũng luôn hướng về Tổ quốc, sẵn sàng góp sức, chung tay. Cũng có thể coi khó khăn dịch bệnh cũng như là một "phép thử" đã kích hoạt sự đoàn kết, sáng tạo của người Việt Nam nhằm chiến thắng dịch bệnh. Khi dịch Covid-19 đã và đang đẩy một số hoạt động kinh tế - xã hội vào hoàn cảnh khó khăn, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống, thì thực tế cũng đã chứng minh chính tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, sáng tạo, sự thích ứng linh hoạt các quyết sách đúng đắn của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ,... sẽ là nền tảng quan trọng giúp đất nước nhanh chóng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Sự sáng tạo của Việt Nam trong đại dịch là minh chứng cụ thể cho việc phát huy động lực nội sinh của cộng đồng, thể hiện giá trị nhân văn, truyền thống văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ của người Việt Nam trước thử thách, khó khăn. Ðánh giá các thành quả của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong những năm qua, đặc biệt về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng đã khẳng định quan điểm có tính chất chỉ đạo là: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết cũng nêu rõ: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam thời gian qua đã góp phần chứng minh cho hướng đi đúng đắn này.

Đáng tiếc, trong bối cảnh như vậy, vẫn còn một số tổ chức, cá nhân tỏ ra thờ ơ, vô cảm, thậm chí vô trách nhiệm và xem thường dịch bệnh, chỉ quan tâm đến lợi ích bản thân, thiếu quan tâm, sẻ chia, đồng cảm trước những khó khăn của đất nước, nỗi đau và sự mất mát của những người chung quanh. Thay vì có việc làm thiết thực để bảo vệ bản thân và gia đình, vì lợi ích cộng đồng thì những người đó lại tùy tiện vi phạm các nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh, tung tin giả gây hoang mang trong cộng đồng, thậm chí cố tình xuyên tạc, vu khống nhằm công kích chủ trương, chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ. Một số người không chỉ bất hợp tác mà còn tìm cách gây rối, liên kết với nhau chống đối cơ quan chức năng khi tiến hành biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Ðã xuất hiện tình trạng lợi dụng việc từ thiện, hỗ trợ nhân đạo trong đại dịch làm "vỏ bọc" để trục lợi cá nhân hoặc thực hiện mưu đồ riêng... Những việc làm đó rất cần phải lên án và xử lý kịp thời. Bởi ở bất cứ hoàn cảnh nào, Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, chính quyền các cấp luôn đặt sự an toàn của người dân ở vị trí quan trọng. Huy động cả xã hội cùng vào cuộc với sự đồng lòng, chung sức, đặc biệt trong thời điểm này là mệnh lệnh từ trái tim với hành động thiết thực nhất. Hy vọng rồi đây, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Ðảng và Nhà nước, hàng nghìn, hàng vạn cách làm sáng tạo, tinh thần chung sức và sẻ chia của người Việt Nam sẽ tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng, trực tiếp góp phần đẩy lùi dịch bệnh, để cuộc sống của người dân sớm trở lại trạng thái bình thường.

Theo NGUYỄN THỊ ANH ÐÀO (Nhân Dân)