“Phụ nữ là để yêu thương”

15/10/2021 - 05:32

 - Kể từ lúc đại dịch COVID-19 xuất hiện, phá vỡ hàng loạt “bình thường cũ”, trong khi “bình thường mới” đang dần được thiết lập, thì giữa 2 giai đoạn này luôn tồn tại những sự kiện đặc biệt. Ngày lễ, Tết đặc biệt trôi qua theo một cách rất khác. Càng trong gian khó, mong ước của mọi người càng giản đơn, đồng nhất hơn. Điển hình như tâm tình của giới nữ về ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10) sắp đến.

“Tôi mong đoàn viên”

Nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Kim Liên (sinh năm 1983, ngụ xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) quen việc nặng nhọc ở xứ người, bởi cái nghèo và cái chữ không cho phép bà lựa chọn khác hơn. Hoạn nạn xảy ra, lẫn trong dòng người xa xứ từ TP. Hồ Chí Minh trở về quê nhà, 3 mẹ con bà chất mọi đồ đạc quý giá nhất lên chiếc xe gắn máy, chất luôn cả tâm sự trĩu nặng. Họ muốn tìm thấy ngày mai tươi sáng ở quê mình, ở nhà mình.

Bà ngồi bệt xuống đất, trong khuôn viên Trường Đại học An Giang, dỗ dành cậu con trai nhỏ tuổi ngồi yên uống sữa “ráng chút nữa xe chạy rồi con”. Rồi bà thở dài: “Tôi thấy chẳng ở đâu tốt bằng ở quê, có gì ăn nấy, có gì làm nấy. Mấy bữa nay, nghe tin con tôi bị tai nạn xe, tôi khổ tâm hết sức. Nhà không còn ai, con ở một mình trong bệnh viện, nên 3 mẹ con tôi quyết định về liền. Mấy anh chị đón tiếp chu đáo, nhiệt tình, nên đoạn đường về nhà của tôi đỡ vất vả”. Tôi hỏi bà về mong ước cho ngày 20-10 và những kỳ vọng sắp tới. Bà hệch hạc: “Tôi chỉ mong sao được tạo công ăn việc làm ổn định, có tiền trang trải cuộc sống. Được sống yên ổn ở nhà mình là quá tốt rồi!”.

Phía bên kia, chị Trần Thị Trinh (sinh năm 1996, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đang ôm đứa con 10 tháng tuổi. Mẹ ruột chị ôm đứa cháu ngoại 3 tuổi, ngồi thật vững trên chiếc xe chuyên dụng của cảnh sát giao thông. Mây đen kịt bầu trời cũng không xua được tâm trạng hồ hởi của gia đình chị. Dịch bệnh ảnh hưởng mọi mặt đời sống, làm giảm thu nhập và tăng gánh nặng chi phí sinh hoạt của họ ở TP. Hồ Chí Minh. Căn nhà trọ chật hẹp, không chứa nổi tâm tình người tha hương. “Về tới An Giang, chúng tôi hết sợ hãi, cảm thấy hạnh phúc lắm. Nhìn thấy những cảnh khổ do dịch bệnh gây ra, giờ phút này, tôi chẳng mong quà cáp 20-10 gì, chỉ muốn được đoàn viên, gia đình mạnh giỏi, đủ đầy” - chị Trinh chia sẻ.

“Tôi mong phụ nữ được khẳng định vai trò”

Tháng 10, tháng tôn vinh phụ nữ Việt Nam - con cháu Bà Trưng, Bà Triệu. Các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do, hàng triệu phụ nữ sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, cống hiến cuộc đời mình và những đứa con của mình cho Tổ quốc. Họ là lực lượng lao động cần cù, chịu thương chịu khó, chăm chút cho tổ ấm, quê hương. Khi cả đất nước bước vào “cuộc chiến” với “giặc dịch”, phụ nữ “người nào việc nấy”: người xung trận ở tuyến đầu chống dịch, người cần mẫn lo hậu phương, lo an sinh xã hội, lo những chuyện không tên…

Nhưng đâu đó, vẫn là khoảng lặng khó giãi bày. Một cán bộ cấp xã nghẹn ngào kể với tôi: “Rất nhiều ngày, tôi ra khỏi nhà từ sáng sớm khi con chưa thức, trở về trời đã khuya, con ngủ từ lâu. Nhớ con, muốn trò chuyện với con, mà đành nén lại, lặng lẽ nhìn con ngủ say. Gia đình chồng trách móc: “Làm mẹ làm vợ kiểu gì mà ở ngoài đường suốt! Đi kiểu đó lỡ mang dịch về nhà rồi sao?”. Tôi không khóc, tự dặn lòng: Mình vất vả lo chuyện xã hội, nhưng trước hết là giữ bình yên cho con, gia đình mình. Rồi mọi người sẽ hiểu thôi…”. Nhưng, sâu thẳm trong lòng, chị tổn thương vô cùng. “Chắc là 20-10 này tôi sẽ được nhận nhiều lời chúc từ mọi người. Nhưng điều tôi mong nhận được chính là sự cảm thông, chia sẻ và yêu thương từ gia đình, từ xã hội, nhất là trong giai đoạn khó khăn này” - chị mỉm cười mà đôi mắt đỏ hoe.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh (Giám đốc Công ty Du lịch Việt Xanh An Giang) nhìn nhận rằng: “Hiện nay, chúng ta đang thực hiện bình đẳng giới, nhưng rất khó thực hiện triệt để. Phụ nữ thường chịu nhiều thiệt thòi, đặc biệt là phụ nữ nông thôn. Họ là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, nếu không có việc làm ổn định. Nhân kỷ niệm ngày 20-10, trước thềm kỳ họp Quốc hội, HĐND tỉnh sắp tới, tôi mong muốn phụ nữ được quan tâm hơn nữa, được tạo cơ hội việc làm hơn nữa cho chị em phụ nữ nông thôn. Đối với phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, Chính phủ nên quan tâm đào tạo kỹ năng mềm, khả năng dẫn dắt doanh nghiệp phát triển. Trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính quyền, tỷ lệ nữ tham gia phải được tăng cao. Có như thế mới dần khẳng định vai trò phụ nữ trong xã hội”.

Tôi nghĩ rằng, 20-10 năm nay sẽ diễn ra rất đặc biệt. Hoa và những buổi họp mặt, liên hoan… có lẽ sẽ vắng bóng, vì dịch bệnh còn hiện hữu. Nhiều phụ nữ đối mặt với khó khăn, mất mát do dịch bệnh gây ra cho mình và gia đình, nào còn tâm trí nghĩ đến chuyện “ngày của riêng mình”. Ngân sách khó khăn, món quà dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, doanh nghiệp chắc sẽ chỉ mang tính chất “của ít lòng nhiều”. Nhưng, như những nhân vật trong bài viết của tôi đã nói, giai đoạn này, “bình yên, thấu hiểu, sẻ chia và yêu thương” là món quà họ mong muốn được nhận hơn bất cứ điều gì khác!

Bài, ảnh: GIA KHÁNH