“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”

15/02/2021 - 00:00

 - Đó là câu hỏi trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử. Còn người bạn đồng nghiệp ở Thừa Thiên Huế của tôi lại hỏi khác một chút: “Sao em muốn về chơi thôn Vĩ?”. Đối với người dân địa phương như anh, ngày ngày đi ngang thôn Vĩ (nay là phường Vĩ Dạ, TP. Huế), cuộc sống vẫn bình lặng trôi qua,
có gì đâu để “về chơi”?

“Vĩ Dã” xa mờ

Quả thật, Vĩ Dạ trong thơ của Hàn Mặc Tử đã là câu chuyện của quá khứ. Muốn tìm lại sự thơ mộng ấy, thật không dễ dàng. Đó không phải là nơi dành cho người thích điểm du lịch ồn ã, choáng ngợp, mà chỉ dành cho người thích tìm hiểu về ngày xưa, thích nhặt nhạnh ký ức từ trong hiện tại. Ông Trần Minh Quả năm nay 85 tuổi, đang sống ở tổ 13. Ông tự hào kể lại: “Họ Trần là họ khai canh ở làng Bồi Thành, phường Vĩ Dạ. Phường chúng tôi nức tiếng là vùng đất học nổi tiếng từ xưa đến nay. Đây là nơi trú ngụ của nhiều vị vương, nhiều nhà thơ nổi tiếng thời Nguyễn, như: Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương, Ưng Bình - Thúc Giạ thị… Gần đây có dòng họ Nguyễn Khoa như: quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng, nhà lý luận Nguyễn Khoa Văn, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ Trần Vàng Sao… Tất cả đã làm cho mảnh đất Vĩ Dạ trở nên nổi tiếng là đất khoa bảng. Đặc biệt là câu chuyện về mối tình của nhà thơ Hàn Mặc Tử gửi gắm trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”, vẽ nên một bức tranh làng quê Vĩ Dạ đẹp như mơ”.

Một giai thoại kể rằng, khi đang là nhân viên Sở Đạc điền Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử yêu đơn phương cô gái người Huế, con ông chủ sở. Sau chuyến xa quê, ông trở lại Quy Nhơn thì cô gái theo gia đình về Vĩ Dạ, mất liên lạc. Khi biết ông mắc bệnh hiểm nghèo, cộng với nghe lời gợi ý của người em họ (bạn của Hàn Mặc Tử), cô gái ấy đã gửi cho ông một tấm bưu ảnh phong cảnh sông nước, có thuyền và bến, kèm theo mấy lời thăm hỏi để an ủi, nhưng không ký tên. Cảm hứng dâng trào, Hàn Mặc Tử đã sáng tác nên bài thơ, như một món quà tặng cô gái. Nhiều năm về sau, thế nhân say sưa lưu truyền câu chuyện tình yêu giữa 2 người, dù chẳng biết thực hư thế nào. Nhưng, một điều thật sự tồn tại, đó là thôn Vĩ Dạ. Dưới nghệ thuật thơ tài hoa của nhà thơ, Vĩ Dạ khắc sâu vào lòng người về một làng quê thật đẹp, thật yên bình, với những ngôi nhà vườn xinh xắn, sau hàng tre trúc, thấp thoáng bóng dáng đôn hậu, dịu dàng của ai đó. Đồng thời, thấm thía nỗi lòng khắc khoải, sầu thương của một tâm hồn thơ cô quạnh, trống vắng, khi nhớ về mối tình đơn phương, xa vời.

Đừng ôm mộng tìm về một Vĩ Dạ như trong thơ, bởi làng quê ngày nào đã trở thành phố thị. Bí thư Đảng ủy phường Vĩ Dạ Nguyễn Dũng cho biết, Vĩ Dạ xưa gọi là làng (thôn) Vĩ Dã. Có thể do cách phát âm của người Huế mà “Vĩ Dã” đã được nghe thành “Vĩ Dạ”. Giờ, phường Vĩ Dạ nằm ở phía Đông, cách trung tâm TP. Huế 2km, rất đông dân cư, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh. Người dân phường chủ yếu sống nhờ buôn bán, kinh doanh dịch vụ, số còn lại làm nông nghiệp, trồng cây cảnh, làm nghề khai thác cát sạn và đánh bắt cá. Dân vạn đò chiếm tỷ lệ cao. Mấy đứa trẻ phải theo cha mẹ làm ăn, tỷ lệ bỏ học nhiều, các hoạt động xã hội cũng ảnh hưởng một phần. Mỗi năm, Vĩ Dạ đón hàng chục vạn khách du lịch đến thăm những vườn mai cổ, những khu sinh vật cảnh, thưởng thức ẩm thực.

“Tìm trong vị hến một dòng Hương xanh”

Nhưng nếu chỉ có thế, thì Vĩ Dạ chẳng thể níu bước chân “khách đường xa”. Vĩ Dạ ôm trong lòng một ốc đảo xinh đẹp – cồn Hến. Nghề cào hến và chế biến hến được truyền từ đời này sang đời khác, tạo thành “thương hiệu” như ngày nay. Đến với cồn Hến, là đến với “hến đủ món”, như: cơm hến, canh hến, bún hến, bánh tráng xúc hến xào… đậm đà hương vị cố đô. hôm đẹp trời, cồn Hến xanh mướt mắt khi nhìn từ trên cao. Màu xanh của ốc đảo hòa quyện với màu xanh của dòng Hương giang, với màu trời, tạo thành tuyệt tác. Hôm nào mưa gió, cồn Hến bàng bạc một màu trầm, tịch mịch đầy chất thơ. Chiếc xuồng nhỏ xíu chơi vơi giữa sông Hương, chất nặng tâm tư con người…

Cồn Hến ban đầu chỉ là một mô đất nhỏ giữa dòng sông. Lâu dần được phù sa và đất bồi lấp trở thành một bãi đất lớn, một hòn đảo nhỏ giữa lòng sông Hương với diện tích 24,6ha. Cồn Hến có hình dài theo hướng Bắc Nam, chia sông Hương làm 2 nhánh. Đảo được nối với đất liền bằng cây cầu Phú Lưu (dẫn từ đường Nguyễn Sinh Cung, Vĩ Dạ bắt ngang sông đi vào cồn). Con đường duy nhất trong cồn là đường Ưng Bình. Con đường này như một trục xương sống giao thông đi lại trên cồn, chia đôi cồn theo chiều ngang. Cồn Hến được quy hoạch là khu du lịch từ năm 1997, sau đó được chỉnh sửa nhiều lần và đến năm 2009 chính thức quy hoạch chi tiết cồn Hến thành “Khu du lịch cao cấp”.

Nói không ngoa rằng, khu ẩm thực của Vĩ Dạ đều tập trung ở cồn Hến. Nơi đây có cơm hến, các loại chè như: bắp, hạt sen, khoai tía, long nhãn… mà khó có nơi nào sánh bằng. Bà Nguyễn Thị Mai (chủ quán cơm hến Ngọc Châu) chia sẻ, trái ngược với ẩm thực cung đình, những món ăn dân gian ở Huế được làm từ nguyên liệu thông thường trong cuộc sống hàng ngày. Cách chế biến rất đơn giản, mộc mạc, bình dị, giá cả rất rẻ, nhưng gây ấn tượng khó quên trong lòng người thưởng thức. Tiêu biểu phải kể đến món cơm hến. Đặc biệt, cơm hến phải dùng cơm nguội để qua đêm, các hạt cơm bời rời, càng làm tăng sự độc đáo khác biệt của món đặc sản này. Một bát cơm hến hội tụ tận 16 hương vị, kể sơ sơ gồm có: cơm, hến, tóp mỡ, lạc rang, tỏi, muối, nước sốt ớt, bột ngọt, hoa chuối…

Tôi rời Huế, rời Vĩ Dạ vào một buổi sáng “mờ nhân ảnh”. Khi nhìn lại hình ảnh còn lưu lại trong máy, tôi vẫn nhớ như in niềm khắc khoải của bà Mai: “Giai đoạn này, khách đến giảm bớt, phần vì dịch bệnh, phần vì cầu, đường đi lại khó khăn. Hy vọng nhà nước sẽ có chính sách để đời sống người dân và du lịch nơi đây được phát triển”. Có thể, lần sau tôi quay lại, Vĩ Dạ - cồn Hến đã thay da đổi thịt, xứng với tiềm năng du lịch được quy hoạch. Để rồi, người dân địa phương sẽ dịu dàng mở lời với “khách đường xa”: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Cồn Hến là khu quy hoạch mở đang chờ đợi các nhà đầu tư. Trước mắt, tỉnh đang xây dựng cây cầu, lối giao thông duy nhất của người dân nơi đây, đảm bảo an toàn và cuộc sống cho người dân cồn Hến. Tiếp đó sẽ đầu tư, nâng cấp một số công trình thiết yếu phục vụ người dân như: đường giao thông, công trình văn hóa phục vụ cộng đồng…”.

VẠN LỘC