“Sống chậm” những ngày dịch bệnh

16/04/2020 - 07:23

 - Trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội 15 ngày theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhịp sống thường nhật dường như chậm lại, hàng quán đóng cửa, đường phố vắng vẻ... Bên cạnh nỗi buồn vì dịch bệnh, đây là cơ hội cho mọi người “sống chậm” bên gia đình, sẻ chia và yêu thương với những người gặp khó trong xã hội lúc dịch bệnh phức tạp.

Thời gian bên gia đình

Dịch bệnh bùng phát, khiến cuộc sống của mọi người trong xã hội gần như bị đảo lộn hoàn toàn. Học sinh phải tạm nghỉ học, có người mất việc, số lượng lớn làm việc trực tuyến (online) tại nhà…

Những thói quen trước đây như sáng gia đình chở nhau đi ăn sáng, đưa con đi học, đi làm, trưa thì lê la hàng quán uống cà phê, tán gẫu với bạn bè, chiều đi làm về có khi tấp vô quán ăn quen thuộc ăn nhanh tô bún, dĩa cơm... nay đã thay đổi hoàn toàn.

Khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thói quen trên dần bị xáo trộn, những bữa cơm gia đình được chăm chút nhiều hơn, mọi người quan tâm nhau, dành nhiều tình cảm cho nhau hơn, không khí gia đình trở nên ấm áp, yêu thương hơn.

Trước đây, mỗi ngày đều đi chợ mua thực phẩm về nấu cơm cho cả nhà, nay mỗi lần đi chợ đều được tính toán cẩn thận từ trước. Một số loại thực phẩm có thể bảo quản trong thời gian dài như: thịt heo, hột vịt, bí rợ, bắp cải... được nhiều bà nội trợ chọn mua, vì có thể chế biến được nhiều món, bảo quản lâu trong tủ lạnh.

Mọi người có thêm thời gian chăm chút cho gia đình trong thời gian cách ly xã hội

Công tác trong ngành ngân hàng, công việc bộn bề, có nhiều mối quan hệ nên thời gian anh Nguyễn Hoàng Khánh (Châu Phú) dành cho gia đình rất ít. Thời gian cách ly xã hội lại là khoảng thời gian “chất lượng” mà anh Khánh dành cho gia đình mình.

“Con nghỉ học nên ngoài thời gian làm việc, 2 vợ chồng dành nhiều thời gian chơi cùng con; cùng nhau chế biến những món ăn ngon, bổ dưỡng cho cả gia đình, vừa làm, vừa trò chuyện để thấu hiểu nhau hơn” - anh Khánh chia sẻ.

Những món ăn có thể không đẹp mắt, nhưng đong đầy tình cảm, chứa đựng sự yêu thương của ba mẹ đối với con cái, vợ chồng với nhau.

Trong những ngày cách ly xã hội, vườn rau trồng ở vườn nhà của chị Nguyễn Thị Kim Hà (Thoại Sơn) phát huy tác dụng cung cấp thực phẩm cho gia đình. Trước đây, công việc bộn bề, vườn rau có lúc bị bỏ bê thì bây giờ chị Ngân có thời gian chăm chút hơn, gieo trồng thêm nhiều loại rau, làm cỏ và tưới nước thường xuyên.

“Vườn rau có đủ loại, nào là mồng tơi, xà lách, cải ngọt đến rau muống, đậu đũa… Nhờ có thời gian chăm sóc nên vườn rau xanh mướt. Không chỉ đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cả nhà, thi thoảng còn dư ra mang chia cho mấy cô chú ăn tiếp” - chị Hà vui vẻ chia sẻ.

San sẻ với cộng đồng

Tặng quà, chúc Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer

Nhằm chung tay hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, Hội Phụ nữ xã Vọng Đông (Thoại Sơn) đã nhanh chóng hình thành Tổ may khẩu trang, với mục đích phát tặng cho người dân cần sử dụng.

Đến nay, với 20 thành viên, Tổ may khẩu trang xã Vọng Đông đã may được trên 3.000 chiếc khẩu trang vải, tặng cho bộ phận “một cửa” của xã, Trạm Y tế xã, người dân ở địa phương, các xã biên giới... Nguyên liệu may khẩu trang được các nhà hảo tâm ủng hộ, các công đoạn đều được phân công rõ ràng, cụ thể, từ cắt, may, giặt, vô bọc đến phát cho mọi người.

“Các thành viên trong tổ có người trên 70 tuổi, 2 người khuyết tật... nhưng ai cũng mong muốn cống hiến chút công sức của mình cùng với cộng đồng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Trong thời gian cách ly xã hội, các thành viên trong tổ đều cố gắng sắp xếp thời gian, tranh thủ công việc để may khẩu trang, ai nấy đều nhiệt tình” - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vọng Đông Trần Trịnh Thanh Thảo thông tin.

Thời gian cách ly xã hội trùng với thời gian diễn ra Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer. Ngay lúc này, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc tránh tụ tập đông người là hết sức cần thiết. Người dân đón Tết đơn giản nhưng không thiếu sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể.

 

ÁNH NGUYÊN

 

Liên kết hữu ích