“Sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam

05/06/2023 - 07:14

Tỉnh An Giang tiếp tục triển khai, thực hiện Chỉ thị 25/CT-TTg, ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam, nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh miền đất, con người, nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam và tỉnh đến bạn bè quốc tế.

Nâng tầm, lan tỏa giá trị văn hóa

Việt Nam đã, đang đẩy mạnh tiến trình hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới. Trong bối cảnh đó, cộng đồng thế giới hiểu về đất nước, văn hóa, con người; chủ trương, chính sách tiến bộ của Việt Nam sẽ góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh và sức mạnh tổng hợp quốc gia. Chính vì vậy, ngoại giao văn hóa là trụ cột quan trọng của công tác đối ngoại, góp phần nâng tầm, làm lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Tổng Bí thư cho rằng, cần phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2021 - 2030, là cơ sở để mỗi người dân, chủ thể đều trở thành “đại sứ văn hóa”, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tới cộng đồng quốc tế.

Lan tỏa, nâng tầm giá trị văn hóa Việt Nam thông qua các hoạt động đối ngoại văn hóa

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp, thời gian qua, ngoại giao văn hóa được tỉnh triển khai bài bản, rộng khắp, với sự tham gia của nhiều chủ thể (cấp, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp…); trên diện rộng (cả trong tỉnh và ngoài nước); hướng đến đối tượng đa dạng: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, ngoại giao đoàn và người nước ngoài ở Việt Nam… Các hoạt động góp phần hoàn thành mục tiêu đối ngoại, tôn vinh trí tuệ, phẩm chất, cốt cách, lý tưởng cao đẹp của con người Việt Nam nói chung, hình ảnh quê hương, con người An Giang nói riêng.

Phát triển và hội nhập

“Phát huy kết quả đạt được, những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác văn hóa đối ngoại, nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh miền đất, con người, nét văn hóa đặc sắc của tỉnh đến bạn bè quốc tế; tăng cường giao lưu biên giới, mở rộng hợp tác với địa phương thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, du lịch, phát triển công nghiệp văn hóa… góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết.

Thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại, tỉnh gắn kết chặt chẽ văn hóa đối ngoại với chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại, phục vụ mục tiêu phát triển, hội nhập. Đồng thời, mở rộng văn hóa đối ngoại của tỉnh với các nước khác trong khu vực ASEAN, đặc biệt là với tỉnh giáp với An Giang (Kandal, Takeo - Vương quốc Campuchia). Gắn kết văn hóa đối ngoại với vận động thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút khách du lịch quốc tế, tăng cường trao đổi thương mại, tạo điều kiện mở rộng và đa dạng hóa quan hệ ngoại giao.

Các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh sẽ được phát triển, xây dựng biểu tượng văn hóa và một số sản phẩm văn hóa mang thương hiệu quốc gia. Phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin, phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là mạng Internet, mạng xã hội phục vụ tuyên truyền, thông tin đối ngoại. Thúc đẩy phát triển văn hóa số, chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để triển khai văn hóa đối ngoại…

Đồng thời, thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa - nghệ thuật truyền thống, di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu, nhất là di sản văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, đờn ca tài tử, Hội đua bò Bảy Núi, nghệ thuật Dì kê; Khu di tích Văn hóa Óc Eo - Ba Thê; Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Khu du lịch quốc gia núi Sam, đồi Tức Dụp, thánh đường Hồi giáo Mubarak… ) để trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng, vừa phục vụ giáo dục truyền thống, vừa thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển.

Tỉnh tích cực triển khai văn hóa đối ngoại tại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia, thông qua chương trình giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch, giao lưu, giao thương thường xuyên, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, tăng cường giao lưu và hiểu biết lẫn nhau của người dân khu vực biên giới. Đăng cai, tổ chức sự kiện quốc gia quy mô, uy tín; phát triển thương hiệu festival, lễ hội, sự kiện văn hóa - nghệ thuật chất lượng của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh. Đẩy lùi hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực do mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa; đấu tranh, phản bác kịp thời luận điệu sai trái, xuyên tạc trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ…

MINH THƯ