“Tắm mát” vùng cao

19/03/2024 - 07:51

 - Mùa khô năm nay, dù nắng nóng gay gắt, Chau Tâng (ngụ xã An Cư, TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang) vẫn yên tâm canh tác trên diện tích 5.000m2 đậu phộng, bởi hiệu quả từ hệ thống Trạm bơm 3/2. Những ai định cư trên “sa mạc trắng” đủ lâu như Chau Tâng, mới hiểu được khát vọng “tắm mát” vùng cao của bao thế hệ người dân Tịnh Biên.

Khởi công từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, hệ thống Trạm bơm 3/2 được xem là ý tưởng táo bạo của lãnh đạo, cán bộ và người dân Tịnh Biên thời điểm đó. Bởi, nếu tính từ kênh Vĩnh Tế, phải vận chuyển nguồn nước lên cao trình khoảng 30m mới có thể tiếp cận vùng đất quanh năm khô cằn này.

Trong trí nhớ của Chau Tâng, Trạm bơm 3/2 chính thức đưa nước lên đồng cách đây 20 năm. Thời đó, Chau Tâng còn chưa dám nghĩ đến việc có thể trồng được loại cây nào trong mùa khô, bởi chất đất ở An Cư chỉ toàn cát trắng. Từ ngày có Trạm bơm 3/2, diện tích đất canh tác nằm trong “vùng lõi” quanh năm khô cằn của xã An Cư, Vĩnh Trung, Văn Giáo dần phủ màu xanh. Những nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, với tập quán canh tác phụ thuộc “nước trời”, đã vô cùng phấn khởi khi lần đầu tiên đón dòng nước được dẫn lên bằng ý chí, nghị lực của con người. Mạch đất bớt khô cằn, mỗi năm có thêm vụ lúa, vụ màu, nên đời sống người dân cải thiện đáng kể.

“Nhờ có bơm điện mà đồng bào Khmer đỡ vất vả, vì được thêm vụ lúa, vụ màu trong mùa nắng. Trước kia, vùng này chủ yếu làm ruộng, làm rẫy nhờ mưa. Ở những chỗ xa máng nước, người dân trồng đậu phộng, khoai lang để có cái ăn. Mỗi năm, tôi trồng 2 vụ lúa, 1 vụ màu, tính ra kiếm sống được, chứ mặt đất ở đây quanh năm khô trắng, nếu cứ chờ “ông trời” thì không biết khi nào đủ ăn” - Chau Tâng cho hay.

Cũng là người dân thụ hưởng lợi ích từ hệ thống thủy lợi vùng cao, anh Chau Sươn (ngụ xã Vĩnh Trung) phấn khởi khi đang thu hoạch đậu phộng giữa mùa khô. Anh thật tình: “Năm nay, đậu phộng có giá trung bình, nhưng mình vẫn kiếm được nguồn thu. Nếu không có nước, nông dân chẳng trồng được gì. Nhờ trạm bơm mà tôi cũng có đồng vô mấy tháng nắng nhiều. Giờ cứ trồng đậu phộng cầm chừng, chờ mưa xuống thì sạ lúa”.

Chau Sươn dự định thuê thêm đất để trồng lúa, vì có máng nước trạm bơm, cộng với mưa xuống nên việc canh tác cũng thuận lợi, thu nhập sẽ cải thiện hơn. Với những nông dân như anh, có nước là có nguồn sống cho mảnh đất khô cằn này, giúp gia đình anh đỡ lo gánh nặng kinh tế trong những tháng nắng nóng chan chát ở vùng cao.

Bây giờ, những nông dân chứng kiến ngày Trạm bơm 3/2 chính thức đưa nước lên đồng đã “già” đi theo thời gian, nhưng công trình thủy lợi này vẫn đều đặn phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Trưởng ban Quản lý các trạm bơm điện TX. Tịnh Biên Trương Minh Thức cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang quản lý 4 công trình thủy lợi vùng cao, gồm: Hệ thống Trạm bơm 3/2, Trạm bơm Văn Giáo, Trạm bơm Vĩnh Trung và Trạm bơm Đình Nghĩa (phường An Phú), với tổng diện tích phục vụ hơn 2.700ha.

Từ khi hoạt động, các trạm bơm này đã góp phần giải tỏa “cơn khát” kéo dài của vùng đất khô cằn thuộc xã An Cư, Vĩnh Trung, Văn Giáo và phường An Phú. Riêng hệ thống Trạm bơm 3/2, có 2 trạm bơm với tổng công suất thiết kế ban đầu đủ khả năng bơm tưới khoảng 1.500ha đất mùa trên, đến nay vẫn phát huy tác dụng”.

Theo ông Trương Minh Thức, đặc thù chất đất pha cát của vùng “sa mạc trắng” là không giữ được nước lâu, Ban Quản lý các trạm bơm điện TX. Tịnh Biên phải thực hiện khá nhiều biện pháp điều tiết nguồn nước đến ruộng của nông dân. Thực tế, việc mang nước từ kênh Vĩnh Tế dẫn đến ruộng mùa trên chưa bao giờ đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực của người làm nhiệm vụ điều tiết, phải quản lý nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả nhất. Ngoài ra, còn phải kể đến việc duy tu, bảo dưỡng máy móc hoạt động ổn định, bởi đa số các tổ máy đã phục vụ 20 năm và dần xuống cấp. 

“Cao điểm mùa khô, chúng tôi cho máy chạy hết công suất và liên tục, nhằm đảm bảo nông dân có đủ nước phục vụ sản xuất. Nếu ngưng chạy 1 ngày, sẽ phải mất 3 ngày để cung cấp đủ lượng nước bị mất. Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của Thị ủy, UBND thị xã, sự hỗ trợ của các địa phương và ngành chuyên môn, hệ thống thủy lợi vùng cao tại Tịnh Biên vẫn hoạt động hiệu quả, làm tròn sứ mệnh phủ xanh vùng “sa mạc trắng”, để đồng bào DTTS Khmer yên tâm canh tác, nâng cao đời sống” - ông Trương Minh Thức nhấn mạnh.

Thời điểm này, các trạm bơm tích cực hoạt động để hỗ trợ nông dân. Đơn vị quản lý đang cố gắng tiếp nối thành quả của các thế hệ đi trước, để dòng nước kênh Vĩnh Tế vượt qua độ cao hàng chục mét lên đến ruộng trên. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, đời sống của đồng bào DTTS Khmer tại TX. Tịnh Biên dần khởi sắc, với hệ thống thủy lợi vùng cao đang ngày ngày tắm mát vùng “sa mạc trắng”, cùng nhiều chính sách hỗ trợ việc làm, chính sách an sinh xã hội giúp bà con vươn lên, góp phần xây dựng quê hương Tịnh Biên ngày càng phát triển.

THANH TIẾN