Phường Dương Đông chợt chìm trong cơn mưa dày hạt, vào giờ cao điểm ăn uống buổi tối. Khách đang tận hưởng không khí mát mẻ, tưng bừng bữa tiệc hải sản ngoài mé biển, phải chạy vội, tìm nơi trú ẩn. Vì thế, khi chúng tôi đến, chỉ có thể tận hưởng không gian… tum húm ở khu vực có mái che của quán ăn, mùi thức ăn và tiếng nói cười ngột ngạt.
Khách thỏa lòng thưởng thức hải sản tươi ngon của xứ biển, rổn rảng cười nói. Bên này, chúng tôi tay bắt mặt mừng với anh Tài, một đồng hương An Giang. Số phận đẩy đưa anh rời quê, sang Phú Quốc làm thuê cho quán ăn. Mà quản lý quán ăn thì cực cỡ nào, tưởng tượng cũng biết. Anh loay hoay, "tay bằng miệng, miệng bằng tay" chiều ý khách hàng, phục vụ xởi lởi. Quán nhiều thêm một bàn khách, anh đỡ lo mình thất nghiệp. Mà cũng do khách đông, anh chần chừ trò chuyện với chúng tôi ít câu, rồi tất tả phục vụ các bàn còn lại. Anh áy náy xin lỗi, bù lại bằng cách giới thiệu món ăn ngon, tính giá "người nhà".
Giống như anh Tài, anh Minh rời An Giang khi thăng trầm nếm trải đủ. Và anh chọn Phú Quốc làm điểm dừng chân mấy năm nay, theo lời giới thiệu của một người anh giàu có, thân thiết ở quê mình. Từ quản lý bất động sản, làm đủ việc không tên… anh quyết trụ lại xứ sở phồn hoa bằng cách tạo dựng căn cơ cho mình. Các đoàn khách quen ở An Giang qua chơi, anh sẵn lòng kết nối, hỗ trợ với tư cách "thổ địa Phú Quốc": Mua dùm đặc sản, hải sản; hướng dẫn đường đi nước bước… Anh không nói quá nhiều về vất vả đã qua, mà chờ mong "quả ngọt" sắp đến.
Và tôi còn được nghe kể về những người khác, khi "chớp lấy" thời cơ từ sốt đất, tậu cơ ngơi nhỏ, lớn ở Phú Quốc. Đầu tiên, nhà, đất chỉ làm nơi ở mỗi khi sang đó DL. Rồi họ đổi đời, trở nên giàu có khi được bồi thường dự án. Người ta nói với nhau về đất, về các dự án hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Đi kèm với đó là tiếng xuýt xoa tiếc nuối "biết vậy đầu tư", "uổng quá", "thời tới cản không nổi"… Dĩ nhiên, ai cũng ngầm hiểu, nào có dễ vậy đâu. Phải "có gan" mới mong làm giàu, có đủ tiềm lực để duy trì "cái gan" ấy. Hành trình thành công chất thất bại, đắng đót chua cay, mà chỉ có người trong cuộc mới thấm thía!
Trong chuyến đi ngắn ngày, chúng tôi trải nghiệm nét biển nao lòng của Phú Quốc, từ vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng, đến cảnh trí hào nhoáng do bàn tay sáng tạo của con người đắp nên. Phú Quốc luôn lạ lẫm, dẫu khách đến thăm bao nhiêu lần cũng thế. Một người bạn vong niên của tôi thốt lên: "Nói thiệt chớ tui đi Phú Quốc như "đi chợ", vậy mà lần nào qua cũng thấy khác. Đường này mới phóng, nhà kia mới xây, biết đâu mà lần, chạy xe phải hỏi đường, hỏi "chị Gu-gồ" (Google)… Hầu như luôn có công trình đang xây mới. Lần sau qua là công trình ấy hoàn thiện, lại có công trình khác tiến hành. Đẹp thì đẹp quá xá, nhưng không biết vài năm nữa, Phú Quốc sẽ thế nào?".
Nguồn thu của Phú Quốc phần lớn đến từ dịch vụ, DL. Mà dịch vụ, DL thì luôn luôn tạo ra công ăn việc làm cho lao động đủ độ tuổi, kể cả người nước ngoài, với danh xưng mỹ miều "nghệ sĩ quốc tế". Chỉ sợ không nghĩ ra, chứ có muôn hình vạn trạng cách thức khiến du khách "mở hầu bao", từ khu tham quan check-in, trò chơi, nghỉ dưỡng, mua sắm, ẩm thực, nghệ thuật… Nói chi xa xôi, cô bé trông coi quầy nước nhỏ xíu trên chuyến phà xuôi ngược Phú Quốc - Hà Tiên, lương tháng tròm trèm 13 triệu đồng. Bữa nào có việc hoặc… làm biếng, cô bé bỏ quầy, lên bờ, lương vẫn nhận đủ. Suy ra, nguồn thu phía sau quầy nước ấy, còn khủng khiếp đến mức nào!
Theo quyết định của UBND tỉnh Kiên Giang, phấn đấu đến năm 2025, Phú Quốc là đô thị loại I; xây dựng thành phố đảo Phú Quốc trở thành thành phố DL biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Thành phố đẩy mạnh phát triển DL theo chiều sâu, chất lượng cao và bền vững, đến năm 2025 DL thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố; xây dựng thương hiệu DL Phú Quốc với nhiều sản phẩm DL chất lượng cao, độc đáo riêng của Phú Quốc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đến năm 2025, khách DL đến Phú Quốc đạt 10 triệu lượt, lượng khách tăng bình quân 27,2%/năm, trong đó khách nước ngoài đạt 4 triệu lượt.
Những con số này chắc chắn nằm trong tầm tay, nếu Phú Quốc giữ vững nhịp độ phát triển và thu hút đầu tư mạnh mẽ. Và rất lâu nữa, nơi đây vẫn là "thiên đường" cho mọi người, dẫu họ đến với Phú Quốc bằng tâm thế nào, với mục đích gì: Vượt biển mưu sinh như anh Tài, anh Minh; hay lữ khách "cưỡi ngựa xem… biển" như chúng tôi. Dĩ nhiên, đằng sau "thiên đường" luôn có mặt trái, có cái gọi là "bên cạnh thiên đường", tùy theo cảm nhận của từng người. Chỉ mong, cho dù phát triển đến mức nào, con người vẫn biết gìn giữ, nâng niu, quý trọng thiên nhiên trời ban. Đừng để lòng tham che mờ lý trí, đừng để "thiên đường" về sau ngổn ngang những nỗi niềm trăn trở…
VẠN LỘC