“Thổi hồn” cho dưa lưới

10/01/2020 - 03:19

 - Là trái cây “công nghệ cao”, dưa lưới được thị trường rất ưa chuộng, bởi chất lượng trái dưa lưới thơm ngon và giá trị dinh dưỡng tốt. Tuy nhiên, ý tưởng vẽ chữ lên trái dưa lưới và biến thành vật phẩm chưng Tết là mang đến cho loại quả này giá trị nghệ thuật với góc nhìn mới mẻ.

Nói về tục chưng Tết, hẳn nhiều người sẽ nhắc ngay đến mâm ngũ quả truyền thống miền Nam với ý nghĩa “cầu - sung - vừa (dừa) - đủ - xài (xoài)”, với mong muốn sự thịnh vượng, sung túc, đủ đầy trong năm mới. Theo sự phát triển của xã hội, người ta còn bày lên bàn thờ những quả dưa hấu hoặc quả dừa có viết chữ “phúc - lộc” hay “tài - lộc” với mong ước những điều trên sẽ ứng nghiệm trong gia đạo vào năm mới.

Cùng ý tưởng đó, ông Nguyễn Minh Bửu (cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện An Phú, An Giang) đã quyết định thử nghiệm lối viết chữ thư pháp lên dưa lưới để “thổi hồn” nghệ thuật cho loại quả công nghệ này.

Ông Bửu “trang điểm” cho dưa lưới

Ông Bửu cho biết, bản thân là người gắn bó với mô hình canh tác dưa lưới nhiều năm, nên mong muốn nâng cao giá trị kinh tế cho loại quả này. Dừa hay dưa hấu dân dã là thế nhưng khi được khoác lên mình “bộ cánh” mới đã trở nên rất đẹp, góp phần tôn thêm vẻ trang trọng, thiêng liêng trên bàn thờ ông bà trong những ngày đầu năm thì dưa lưới cũng có thể đáp ứng điều đó.

Nghĩ sao làm vậy, với sự khéo léo và niềm đam mê viết chữ sẵn có, ông Bửu bắt tay thực hiện thí điểm 100 cặp dưa lưới vẽ chữ trong dịp Tết Nguyên đán năm 2019 và được thị trường đón nhận tích cực. Do đó, ông dự định sẽ tăng số lượng lên 300 cặp trong dịp Xuân Canh Tý 2020 này.

Cũng theo ông Bửu, mỗi cặp dưa lưới được vẽ chữ nghệ thuật và “trang điểm” đẹp mắt có giá 300.000 đồng. Những trái dưa lưới bán đại trà đã có giá 200.000 đồng/cặp, nên rất nhiều người sẵn sàng bỏ thêm ít tiền để sở hữu vật phẩm chưng Tết đẹp mắt, ý nghĩa mà chất lượng thơm ngon.

Ngoài ra, những cặp dưa lưới này hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu “trước cúng - sau ăn” của người Việt, bởi thời gian chưng Tết kéo dài đến 15 ngày. Đã gắn bó với cây dưa lưới hơn 5 năm, ông Bửu hiểu rất rõ đặc tính, chất lượng của loại quả công nghệ này nên sản phẩm đã “cháy hàng” trong dịp Tết năm rồi.

Cặp sản phẩm hoàn chỉnh của ông Bửu

Để cho ra đời sản phẩm hoàn chỉnh, ông Bửu phải chọn lựa những quả dưa đẹp, cân đối và kích cỡ đều nhau. Sau đó, ông tỉ mỉ ngồi vẽ những nét chữ thư pháp lên quả dưa với đủ màu sắc, nhưng chủ đạo vẫn là màu đỏ đại diện cho sự may mắn, sung túc trong năm mới.

Với mỗi cặp sản phẩm, ông mất khoảng 1 giờ đồng hồ để hoàn thành. Mỗi sản phẩm làm ra là sự kết tinh của kỹ năng lao động khéo léo, tỉ mẫn, không được phép sai sót nên mức giá có chênh lệch so với dưa lưới bán đại trà nhưng người mua vẫn thấy xứng đáng.

Sản phẩm của ông Bửu thường là các cặp “tài - lộc”, “phúc - lộc” mang ý nghĩa tượng trưng cho một mong ước của người Việt trong năm mới. Thời điểm này, ông Bửu đã nhận “đơn hàng” của khách để chuẩn bị phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Tuy nhiên, ông Bửu cho biết phải đến ngày 25 tháng Chạp mới bắt tay thực hiện sản phẩm, nhằm đảm bảo thời gian chưng Tết cho khách hàng. Việc có một cặp quả trang trí đẹp mắt bày lên bàn thờ tổ tiên trong dịp Tết đến, xuân về luôn mang ý nghĩa tâm linh rất thiêng liêng với người Việt, do đó những sản phẩm dưa lưới vẽ chữ mang một giá trị nghệ thuật nhất định.

Năm nay, ông Bửu đã phối hợp Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao thực hiện mô hình 1.000m2 dưa lưới tại huyện An Phú. Ngoài ra, ông còn cùng nông dân địa phương thực hiện mô hình này với diện tích canh tác 5.000m2, nên luôn có sẵn nguồn cung dưa lưới trong dịp Tết. Tuy nhiên, do phải chọn lọc những quả đẹp để vẽ chữ và thực hiện bằng thủ công nên nguồn cung vật phẩm chưng Tết có số lượng hạn chế.

Vì vậy, ông Bửu đang tìm cách tăng số lượng sản phẩm cũng như cải tiến mẫu mã trong thời gian tới để tô điểm thêm mùa xuân trên bàn thờ gia tiên của khách hàng trong dịp đầu năm mới.

THANH TIẾN