.jpg)
Cán bộ, chiến sĩ tham quan trưng bày
Bác Tôn thường xuyên viết thư, bởi “Trong tình thế chiến tranh, chiến tranh với Mỹ, việc đi lại trên đường là khó khăn nguy hiểm, vì thế để theo dõi cuộc sống của nhau, ta nên dùng thư đi lại càng đều càng tốt tạm thay cho những cuộc hành trình nguy hiểm đó” (trích thư ngày 8-11-1967). Mỗi khi gửi thư trễ hẹn, Bác Tôn lại áy náy: “Theo hứa hẹn thì mỗi tháng phải có 1 bức thư để biết tin nhà của nhau. Nhưng thư này viết cho 2 con quá trễ so với hứa hẹn ấy chắc 2 con đã quá đợi chờ. Do bây giờ quá chú tâm về cục diện chiến tranh đang trong tình thế có thể đổi thay. Ba quên nhiệm vụ đối với sự hứa hẹn ấy. 2 con hãy miễn trách ba” (trích thư ngày 3-8-1968).
Trong những bức thư ấy, nét chữ nghiêng nghiêng của người ông nặng gánh lo toan cho con cháu, người cha nghiêm khắc mà bao dung, dạy dỗ con từ những việc nhỏ nhất: “Các cháu cần lao động tốt, lao động là luyện tập cho thân thể khỏe mạnh, đồng thời cho được dẻo dai, lanh lẹ, thông thạo trong sản xuất. Sản xuất tốt giúp tăng sự dinh dưỡng cho bản thân, tăng sức cung cấp cho nhà nước, cho tiền tuyến chống Mỹ cứu nước” (trích thư ngày 18-2-1966).
Một lần, bà Dung bị ngã trong quá trình di chuyển với tập thể. Nhận được tin, Bác Tôn hồi âm ngay: “Trong điều kiện chiến tranh với cố gắng đặc biệt hơn là tốt. Nếu rủi xảy ra tai nạn mà phải bị thương hoặc chết cũng là việc thường vì tự mình đã quyết định cuộc đi tức là ta thực hiện quyền tự chủ của mình… Nhưng riêng về tai nạn thương tật của Dung, theo ba là không gì quan trọng lắm, trong chiến tranh còn có nhiều cái còn đau đớn hơn cái ấy nhiều. Chúng ta nên xem thường nó, sau khi thương tật được chữa rồi ta nên coi nó là 1 thử thách nhỏ thôi” (trích thư ngày 15-11-1966).
Nguyễn Thái Vinh (sinh viên năm nhất, Trường Đại học An Giang) bày tỏ: “Tôi rất ấn tượng với bức thư này, thể hiện sự tôn trọng của Bác Tôn với quyết định của con mình, đồng thời động viên, giúp con có định hướng rộng mở, cách giải quyết thỏa đáng hơn trong thời điểm ấy. Khi được tiếp xúc với các lá thư, bút tích của Bác Tôn, tôi cảm nhận được tình yêu thương gia đình mà Bác dành cho con cháu. Đó là bài học Bác dành cho thế hệ sau như chúng tôi: Phải biết trân quý và yêu thương gia đình nhiều hơn nữa”.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Diệu (Giám đốc Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng) chia sẻ: “Hướng tới lễ tưởng niệm 42 năm ngày mất của Bác Tôn, chúng tôi phối hợp Bảo tàng Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh) hoàn thành bộ ảnh trong vòng 2 tháng, với trên 34 hình ảnh, 10 tài liệu, hiện vật… liên quan đến những lá thư của Bác gửi cho con cháu vào những thập niên 60, 70 của thế kỷ XX - khi đất nước còn chia cắt và cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc đang diễn ra ác liệt.
Sau đó, chúng tôi tổ chức trưng bày chuyên đề “Bác Tôn - Câu chuyện giáo dục gia đình qua những lá thư”. Trong khuôn khổ trưng bày, Bác Tôn được nhớ đến là một người ông, người cha với tấm lòng yêu thương, dạy dỗ con cháu tính tự lập, cách sống kiên cường, khắc phục khó khăn, gian khổ, có trách nhiệm với gia đình và nghĩa vụ công dân với đất nước”.
Gắn bó với xã Mỹ Hòa Hưng và Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng suốt mấy mươi năm nay, ông Nguyễn Văn Tri không giấu được niềm vui khi tham dự trưng bày. “Trước đây, khi tôi còn công tác ở khu lưu niệm, dù liên hệ nhiều nơi, thu thập nhưng chưa đủ nội dung, hình ảnh, hiện vật thế này. Đến hôm nay, số lượng thu thập được, đảm bảo cho quá trình trưng bày, là điều đáng mừng. Nội dung về những lá thư của Bác Tôn mang tính giáo dục rất cao, là thông điệp quý cho thế hệ trẻ về nền tảng đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình, tính nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống… Dù là con nuôi hay con đẻ, Bác Tôn đều thương yêu như nhau, dạy dỗ chu đáo” - ông Tri bày tỏ.
Điều tiếc nuối lớn nhất là hầu như không có bức thư nào Bác Tôn gửi về người thân quê hương An Giang. Theo ông Tri, khi Bác Tôn làm việc tại Hà Nội, miền Nam đang trong giai đoạn chia cắt nặng nề, không thể liên lạc thư từ. Chỉ có một lần, Bác gửi tấm ảnh về từ chiến khu Việt Bắc, phía sau ghi mấy chữ “Kính biếu mẹ già và mấy em”. Nhưng, không có thư, không đồng nghĩa với việc Bác “quên” quê mình.
Theo lời kể của ông Nguyễn Thanh Bình (cháu ngoại nuôi của Bác Tôn), Bác Tôn luôn dành tình cảm đặc biệt cho miền Nam. “Ông ngồi trầm ngâm rất lâu và nhìn chăm chăm vào cuốn lịch bàn… Ông nói: “Ông đang nghĩ về miền Nam con à”. Tôi thấy tờ lịch có ghi 2 chữ “miền Nam”, từ đó tôi hiểu miền Nam đối với ông có ý nghĩa vô cùng sâu sắc” (trích lời kể của ông Bình).
Bác Tôn - một người bình dị mà dạt dào tình cảm - đã về “thế giới người hiền”, vẫn vẹn nguyên thương nhớ trong lòng con cháu trong gia đình và con cháu quê hương An Giang, như cách Bác đau đáu thương về miền Nam xưa kia. Lòng thương nhớ Bác được thế hệ sau bày tỏ bằng nhiều hoạt động tri ân, lưu giữ; bằng việc học tập và làm theo Bác; bằng nỗ lực xây dựng quê hương An Giang xứng đáng với tiền nhân.
GIA KHÁNH