Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, chủ trương tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh và không tổ chức cấp huyện là quyết định mang tính bước ngoặt trong lộ trình đổi mới hệ thống chính trị và quản trị quốc gia, hướng tới một nền hành chính tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Làm việc với các địa phương về vận hành mô hình chính quyền 2 cấp, Tổng Bí thư nhiều lần yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải quán triệt ngay tinh thần: Bộ máy có thay đổi nhưng tinh thần phục vụ nhân dân thì không được phép gián đoạn, nhân dân phải được phục vụ nhanh hơn, tốt hơn; đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân phải được cải thiện hơn.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, những ngày đầu vận hành mô hình chính quyền 2 cấp, cấp ủy, chính quyền tại nhiều địa phương đã mạnh dạn đổi mới tư duy, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, triển khai nhiều sáng kiến, giải pháp đột phá, nâng cao chất lượng phục vụ, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Xã Thuận Mỹ (mới), tỉnh Tây Ninh được sáp nhập từ 3 xã: Thanh Phú Long, Thanh Vĩnh Đông và Thuận Mỹ (thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long An cũ). Tại Thuận Mỹ, Đảng ủy xã đã trực tiếp đối thoại với người dân, thông qua các chi bộ để nhanh chóng nắm bắt tình hình cơ sở, phản ánh, nguyện vọng của đảng viên và nhân dân từ thực tiễn triển khai mô hình chính quyền mới.
Bí thư Đảng ủy xã trực tiếp giám sát, đôn đốc công tác tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã; kiểm tra hoạt động của các công trình xây dựng, giao thông trên địa bàn… với mục tiêu “chỉ đạo điều hành sát thực tế, phục vụ nhân dân tốt nhất”.
Với quyết tâm chính trị cao, cấp ủy cùng chính quyền xã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thay đổi phương pháp hoạt động; thực hiện đa dạng hình thức tuyên truyền để người dân nắm rõ thông tin về chủ trương sáp nhập, cơ cấu tổ chức bộ máy hệ thống chính trị mới, đơn vị tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân... tạo thuận lợi tối đa cho dân.
Với mô hình chính quyền 2 cấp, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, chuyển đổi số chính là cầu nối sống còn giữa tỉnh và xã bởi khi không tổ chức cấp huyện, lãnh đạo cấp tỉnh sẽ quản lý trực tiếp đầu mối cấp xã. Nếu không có công nghệ, không quản trị dựa trên dữ liệu thì không thể nào truyền đạt, chỉ đạo, nắm bắt tình hình hay điều hành công việc kịp thời.
Bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư, cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương đã linh hoạt, sáng tạo trong ứng dụng công nghệ số, bảo đảm phục vụ người dân hiệu quả hơn.
Từ ngày đầu thực hiện chính quyền 2 cấp, người dân 3 xã Hòa Vang, Hòa Tiến và Bà Nà (thành phố Đà Nẵng) đã có thể quét mã QR để sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) khi cần giải đáp những câu hỏi về thủ tục hành chính.
Theo đó, ứng dụng AI có bộ công cụ hỗ trợ trực tuyến 24/7, chỉ cần quét mã QR bằng điện thoại, gõ câu hỏi hoặc sử dụng giọng nói để được giải đáp kịp thời các thông tin liên quan, nhất là các vấn đề người dân đặc biệt quan tâm như: hồ sơ đất đai, bảo hiểm y tế, cư trú, chính sách xã hội, mô hình chính quyền địa phương hai cấp...
Tại phường Tân Phong (tỉnh Lai Châu), Đảng ủy phường chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn nhanh chóng thực hiện giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, không để gián đoạn, chậm trễ, tạo thuận lợi cho người dân.