Nông dân Thạnh Đông tăng thu nhập từ mô hình mới

15/07/2025 - 08:09

 - Những năm gần đây, cùng với sản xuất lúa truyền thống, nông dân xã Thạnh Đông thực hiện thêm nhiều mô hình nông nghiệp mới như nuôi lươn không bùn, nuôi ốc lác, trồng nấm rơm trong nhà... mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, từng bước nâng cao thu nhập.

Thu nhập khá từ nuôi lươn, ốc

Xã Thạnh Đông được thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã Tân Hiệp A, Thạnh Trị và Thạnh Đông A. Cây lúa vẫn giữ vai trò chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của xã, với sản lượng gần 162.000 tấn trong 6 tháng đầu năm 2025. Ngoài cây lúa, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và các tổ chức đoàn thể, nhiều hộ dân đã tích cực tìm hướng đi mới trong sản xuất, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đa dạng và bền vững.

Mô hình nuôi lươn không bùn hiện là một trong những lựa chọn phổ biến của nhiều hộ dân. Tận dụng chuồng heo cũ, bà Trần Thị Đào, ngụ ấp Kênh 7A cải tạo thành bồn nuôi lươn với lứa đầu tiên khoảng 5.000 con giống. Sau 4 năm kiên trì học hỏi và mở rộng quy mô, hiện bà nuôi ổn định khoảng 30.000 con lươn, mỗi năm lợi nhuận khoảng 140 triệu đồng. Bà Đào vẫn duy trì sản xuất lúa với lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/năm. “Lươn là loài ăn tạp nhưng sống sạch, nên nước trong bồn phải đảm bảo vệ sinh, thay thường xuyên, quan trọng nhất là kỹ thuật chăm sóc và giữ môi trường nuôi ổn định”, bà Đào chia sẻ. Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ lo ngại khi giá lươn hiện giảm còn khoảng 85.000 đồng/kg, khiến đầu ra trở thành vấn đề chung của nhiều hộ chăn nuôi.

Anh Trương Trung Quốc, ngụ ấp Kênh 8B, xã Thạnh Đông tận dụng vườn nhỏ để trồng cây ăn trái, nuôi ốc lác

Anh Trần Cao, ngụ ấp Kênh 8A đang nuôi 30.000 con lươn không bùn. Mỗi vụ nuôi kéo dài khoảng 10 tháng, lợi nhuận từ 150 - 200 triệu đồng, tùy theo giá thị trường. Ngoài ra, anh còn nuôi heo và canh tác 10 công ruộng, đảm bảo thu nhập ổn định cho gia đình.

Một mô hình khác đang được người dân quan tâm là nuôi ốc lác. Anh Trương Trung Quốc, ngụ ấp Kênh 8B tận dụng diện tích vườn để nuôi ốc, kết hợp trồng lúa và cây ăn trái. Gần đây, anh bắt đầu thử nghiệm ươm trứng ốc giống, bước đầu đem lại kết quả tích cực. Với giá bán hiện tại khoảng 70.000 đồng/kg, mô hình nuôi ốc lác đang mở ra cơ hội phát triển mới cho hộ dân nông thôn.

Tận dụng rơm trồng nấm

Không để rơm rạ sau thu hoạch trở thành phế phẩm, nhiều hộ dân ở ấp Kênh 8A đã tận dụng để trồng nấm rơm trong nhà, góp phần tăng thêm thu nhập sau mỗi vụ lúa. 7 năm qua, sau mỗi vụ mùa, chị Nguyễn Thị Hân, ngụ ấp Kênh 8A đều gom rơm để ủ nấm. Chị đầu tư khoảng 100m2 diện tích trồng nấm rơm, thu hoạch trung bình 150kg/tháng, lợi nhuận 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Theo một số người dân, thành công của mô hình trồng nấm rơm phụ thuộc lớn vào nguồn rơm sạch, không hóa chất, cùng với kỹ thuật ủ đúng quy trình, giữ độ ẩm ổn định. Nhờ kỹ thuật đơn giản, nguyên liệu sẵn có, mô hình trồng nấm rơm trong nhà ngày càng được nhiều hộ dân học hỏi và nhân rộng. Phế phẩm sau khi thu hoạch nấm còn được tận dụng bán cho người trồng rau màu, hoa kiểng, góp phần tăng hiệu quả kinh tế từ mô hình khép kín.

Thực tế cho thấy, quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở Thạnh Đông đang mở ra nhiều triển vọng cho người dân. Các mô hình mới không chỉ tận dụng tốt tài nguyên sẵn có, mà còn góp phần đa dạng hóa sinh kế, giúp người dân cải thiện thu nhập, từng bước xây dựng nông thôn mới hiệu quả.

Tuy nhiên, bài toán đầu ra vẫn là thách thức lớn. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạnh Đông Trần Trường Giang, địa phương đang hướng đến việc quy hoạch vùng sản xuất gắn với tổ hợp tác, hợp tác xã, nhằm hỗ trợ người dân về kỹ thuật, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo phát triển bền vững và nâng cao đời sống cho người dân.

Bài và ảnh: THU OANH