“Tiếp sức” phát triển vùng đồng bào dân tộc

22/11/2023 - 07:15

 - Khi triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, sẽ tạo động lực lớn cho những vùng còn khó khăn của An Giang. Tuy nhiên, cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc trên cơ sở phát huy vai trò chủ động của đơn vị quản lý và các địa phương.

Khó khăn do thiếu hướng dẫn

Là địa phương vừa có miền núi, vừa có đồng bào DTTS cùng sinh sống, nguồn vốn phân bổ thực hiện giai đoạn I (2021 - 2025) của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn An Giang tương đối khá. Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang Nguyễn Phú cho biết, đối với vốn đầu tư phát triển, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của chương trình trên 188,75 tỷ đồng (nguồn ngân sách Trung ương hơn 167,9 tỷ đồng, nguồn ngân sách địa phương gần 20,85 tỷ đồng). Đối với vốn sự nghiệp giai đoạn 2021 - 2023, gần 84,13 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương gần 76,33 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 7,8 tỷ đồng).

Việc triển khai chương trình là chủ trương đúng đắn, nhằm giải quyết những vấn đề phát triển KTXH địa phương, tập trung nguồn lực, khắc phục được sự dàn trải trước đây. Thống kê đầu năm 2022, toàn tỉnh có 4.026 hộ nghèo là người DTTS, chiếm tỷ lệ 14,85% so tổng số hộ DTTS. Đến cuối năm 2022, còn 3.161 hộ, chiếm tỷ lệ 11,7% so tổng số hộ DTTS, giảm 3,15%.

Với nguồn lực tập trung lớn hơn từ năm 2023, chương trình được kỳ vọng sẽ “tiếp sức” đáng kể để vùng đồng bào DTTS và miền núi vươn lên phát triển. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân nguồn vốn phân bổ năm 2023 còn khá chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Nguyên nhân, do chương trình gồm 10 dự án và 12 tiểu dự án, với nhiều nội dung được giao vốn do nhiều bộ, ngành Trung ương hướng dẫn (theo Quyết định 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Theo thống kê, hiện có 93 văn bản do cấp bộ, ngành Trung ương hướng dẫn thực hiện chương trình, trong đó có các văn bản điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế của từng địa phương. Số lượng văn bản hướng dẫn quá nhiều nên tỉnh còn khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện.

Lựa chọn các mô hình hỗ trợ phù hợp cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ngoài ra, còn nguyên nhân chủ quan là các sở, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ chủ dự án, chủ tiểu dự án, với nhiều nội dung được giao vốn nhưng chưa chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, còn lúng túng trong xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

Linh hoạt xử lý

Một trong những địa phương hưởng lợi nhiều từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi là huyện Tri Tôn, nơi có đông đồng bào DTTS Khmer sinh sống. Trong đó, vốn đầu tư công trung hạn thực hiện chương trình giai đoạn 2021 - 2025 gần 95,22 tỷ đồng, riêng vốn được giao năm 2023 hơn 29,11 tỷ đồng.

“Đây là chương trình mới, nguồn vốn lớn, đòi hỏi giải ngân nhanh nhưng hướng dẫn thì chậm. Tuy nhiên, không vì áp lực giải ngân mà sử dụng vốn sai mục đích, vừa không tạo động lực phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi, vừa dễ dẫn đến những sai phạm. Do vậy, các xã, thị trấn cần nghiên cứu đặt nguồn vốn đúng chỗ, đáp ứng yêu cầu của người dân. Thường trực Đảng ủy xã, thị trấn phải có sự thống nhất, cái gì cần ưu tiên làm trước thì đề xuất, nội dung nào chưa thật sự cần thiết thì để sau; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận tham gia. Các ngành huyện chủ động phối hợp, hỗ trợ các xã, thị trấn tháo gỡ khó khăn để phát huy hiệu quả của chương trình” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm yêu cầu.

Qua thực tế triển khai, dự án hỗ trợ đất ở khó thực hiện được vì định mức quá thấp (44 triệu đồng/nền), hầu hết các xã được thụ hưởng không có nhu cầu tham gia. Do vậy, HĐND huyện Tri Tôn vừa tổ chức kỳ họp chuyên đề thông qua Nghị quyết về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung vốn và danh mục chi tiết công trình sử dụng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Tri Tôn, điều chỉnh giảm trên 2,5 tỷ đồng của dự án hỗ trợ đất ở; chuyển nguồn vốn này sang hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung (bổ sung mới 11 công trình và điều chỉnh tăng giảm nội bộ 14 công trình). Như vậy, tổng nguồn vốn năm 2023 và cả giai đoạn 2021 - 2025 không thay đổi, nhưng được điều chỉnh nội dung thực hiện phù hợp nhu cầu thực tế và đúng luật, tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện. “Việc điều chỉnh nhằm đảm bảo giải ngân đạt 100% vốn kéo dài năm 2022 và đạt mục tiêu giải ngân ít nhất 90% nguồn vốn năm 2023” - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tri Tôn Nguyễn Thị Phương Lan thông tin.

Chủ động gỡ khó

Tại buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho rằng, chương trình có ý nghĩa rất lớn, thúc đẩy phát triển các vùng còn khó khăn. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân của tỉnh còn chậm hơn cả nước. Bên cạnh nguyên nhân khách quan (chương trình mới, hướng dẫn chưa đồng bộ, rải rác nhiều dự án) thì nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Trong đó, có nguyên nhân bố trí kế hoạch vốn không sát yêu cầu; một số chủ đầu tư chưa sâu sát, thiếu quyết liệt trong thực hiện; công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa tốt, không kịp thời báo cáo vướng mắc để xử lý sớm…

Ông Lê Văn Phước đề nghị các chủ đầu tư bám sát mục tiêu giải ngân 100% vốn kéo dài từ năm 2022 sang; giải ngân tối thiểu 90% nguồn vốn bố trí năm 2023. Các địa phương rà soát kỹ lại kế hoạch vốn, đề xuất điều chỉnh phù hợp thực tế để triển khai thực hiện hiệu quả.

“Từng sở, ngành, UBND cấp huyện căn cứ mục tiêu đề ra, xây dựng kế hoạch chi tiết hàng tuần, hàng tháng, các tháng cuối năm, tăng cường kiểm tra cơ sở để đẩy nhanh tiến độ giải ngân; họp giao ban thường xuyên giữa Ban Dân tộc tỉnh, các sở, ngành và địa phương để kịp thời hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phối hợp thực hiện hiệu quả. Trong đó có công tác rà soát kế hoạch vốn để điều chỉnh phù hợp” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu.

NGÔ CHUẨN