“Tim bỗng hóa mặt trời…”

02/09/2022 - 07:23

 - Một ngày thu trong vắt, Chủ tịch Hồ Chí Minh dõng dạc khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. Đó là ngày ra đời của một đất nước kiên cường “ngực lép bốn nghìn năm”, tràn đầy sức sống mới nhờ “trưa nay cơn gió mạnh/Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời...” (Tố Hữu).

An Giang tổ chức nhiều sự kiện chào mừng Quốc khánh 2/9. Ảnh: T.H - N.C

“Cả dân tộc một lời đáp có”

Ngày 16/8/1945, Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang). Hơn 60 đại biểu đại diện cho hơn 20 triệu người dân Việt Nam nhất trí chủ trương tổng khởi nghĩa, xác định chính sách đối nội, đối ngoại, quốc kỳ, quốc ca, cử ra Chính phủ cách mạng lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Bác Hồ kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến 18/8, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam... Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế, Bắc Kạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu...

Ngày 25/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre... Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.

Ngày 2/9/1945 đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi, đánh dấu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á – được khai sinh. Tại Quảng trường Ba Đình, khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, đến đoạn tố cáo tội ác thực dân Pháp và phát xít Nhật, cả biển người im phăng phắc.

Bất chợt, Bác ngừng đọc, cất tiếng hỏi rất thân mật: “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”. Bác – một Chủ tịch nước, đang trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập – lo lắng đồng bào có thể nghe không rõ giọng nói của mình, người con đất Việt đi xa Tổ quốc đằng đẵng 30 năm. Bác e rằng, gió mùa thu nhấn chìm giọng đọc mình vào quảng trường rộng lớn, vào biển người mênh mông, đồng bào không thể nghe rõ từng lời, từng chữ đầy hạnh phúc của ngày độc lập. Tố Hữu đã ghi lại khoảnh khắc ấy: “Ôi câu hỏi hơn một lời kêu gọi/ Rất đơn sơ mà ấm áp bao lòng/ Cả dân tộc một lời đáp có/ Như trường sơn say gió biển đông”. Giống như lúc Bác hiệu triệu mọi người tổng khởi nghĩa, toàn dân đã một lòng “đáp có”, bằng niềm tin yêu mãnh liệt đối với Người!

Trang trí cờ hoa mừng ngày Quốc khánh 2/9

Tiếng vọng ngàn đời

Ngày 2/9/1945 đánh dấu cột mốc Bác Hồ cứu nhân dân khỏi kiếp khổ nạn, mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Cũng ngày này, 24 năm sau, Bác về với “thế giới người hiền”. Nhà cách mạng vĩ đại của Cuba -  Fidel Castro, người bạn lớn thân thiết của Việt Nam đánh giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc về một lớp người đặc biệt mà cái chết lại gieo mầm cho sự sống, đời đời bất diệt”.

Thấm thoắt, đất nước Việt Nam 77 tuổi “trong giấy khai sinh”. Mỗi năm, đến ngày Quốc khánh 2/9, trong trái tim chúng ta chan chứa tình yêu, niềm kiêu hãnh, lòng biết ơn vô bờ đối với tiền nhân, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ đơn thuần là dịp toàn dân được hưởng kỳ nghỉ vui tươi, phấn khởi trước khi “chạy nước rút” hoàn thành nhiệm vụ cuối năm, Quốc khánh 2/9 còn là thời điểm nhắc nhở thế hệ sau biết quý trọng hòa bình hiện có, nền hòa bình được dựng xây bằng máu và nước mắt của ông cha.

Lòng quý trọng, biết ơn không phải chỉ nói suông, mà phải bằng hành động cụ thể. Đó là quyết tâm xây dựng quê hương “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong mỏi của Bác Hồ. Ở địa đầu biên giới Tây Nam Tổ quốc, đầu nguồn của dòng Cửu Long, An Giang chưa hề ngơi nghỉ trong quá trình dựng nước và giữ nước cùng toàn dân tộc. Vùng đất “địa linh - nhân kiệt”, quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn hun đúc các thế hệ ghi tiếp trang sử vàng chói lọi.

Ảnh: THANH HÙNG

Đặc biệt, An Giang đang rộn rã tổ chức hàng loạt sự kiện, hoạt động chào mừng trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, thể thao… ở mọi cấp, ngành, nhằm kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước, gắn với 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888-20/8/2022), 190 năm thành lập tỉnh (1832-2022).

Chuỗi sự kiện này được tổ chức vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: Giai đoạn bình thường mới sau đại dịch COVID-19. Nhiều thời cơ, cùng không ít khó khăn, thách thức đan xen, đòi hỏi chúng ta trui rèn bản lĩnh, dám đối mặt và vượt qua, xứng đáng công lao người mở cõi, gắn kết hòa bình, tiếp nối tiếng vọng ngàn đời của Tổ quốc.

“Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh cần đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; noi theo phẩm chất cao quý của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, suốt đời cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân; chung tay xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp hơn, văn minh hơn, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn” - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình kêu gọi.

GIA KHÁNH