Nhóm ‘Tôi và những người bạn’ là các Mạnh Thường Quân cùng những người quen, người bạn, người thân của mình đã, đang cùng nhau đóng góp, lặng lẽ lan tỏa tình yêu thương và lòng tử tế, để san sẻ phần nào khó khăn với ngành y tế và những người dân đang gặp khó khăn.
Những thùng hàng liên tục chuyển đến các bệnh viện dã chiến tại TP.HCM từ tấm lòng của các mạnh thường quân trên khắp cả nước (Ảnh: Quốc Trung)
Giữa tháng 9/2001, chị Nguyễn Thị Ngọc Hân (Bình Thạnh, TP.HCM) và những người bạn của mình tất bật đi đến các bệnh viện dã chiến để trao tặng những chiếc bánh trung thu vàng ươm, thơm phức “hand-made” mà nhóm của chị đã miệt mài thực hiện.
Dù dịch bệnh khiến việc mua nguyên liệu trở nên khó khăn, nhưng cuối cùng chị và bạn bè đã hoàn thành nhiệm vụ và mang những chiếc bánh gửi đến lực lượng tuyến đầu và những bệnh nhi đang điều trị trong các bệnh viện dã chiến, không chỉ mang niềm vui tới người nhận mà người trao cũng cảm thấy hạnh phúc vô ngần.
Chị Trần Thị Nghĩa (quận 3, TP.HCM) và nhóm bạn của mình cũng có một cách đóng góp thiết thực. Biết được các bệnh viện dã chiến trong mùa dịch không thể mở máy lạnh ở các phòng bệnh nên cần một số lượng quạt đáng kể, chị và nhóm bạn của mình đã gom góp tiền và liên hệ các công ty sản xuất quạt để mua.
Tuy nhiên, quạt mua xong nhưng nhà cung cấp không thể chở đi vì không có giấy đi đường, chị phải nhờ bệnh viện lấy xe cứu thương đến tận kho ở Bình Chánh để lấy quạt về.
Hành trình của những chiếc quạt tuy khó khăn nhưng khi biết rằng các y bác sĩ trực ở các buồng bệnh trong những bộ đồ bảo hộ nóng bức có được những ngọn gió mát lành khi vất vả điều trị bệnh nhân COVID-19 khiến chị và bạn bè hạnh phúc vì đã “làm được điều tốt”.
Khu vực rửa tay sát khuẩn dành cho lực lượng y tế tuyến đầu ở một bệnh viện dã chiến tại TP.HCM đã được các mạnh thường quân chăm chút chu đáo, góp phần xây dựng môi trường bệnh viện an toàn trong dịch Covid-19 (Ảnh: Hoàng Vân)
Anh Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại của Reckitt Benckiser Việt Nam cũng tiết lộ: “Mấy tháng nay lương tôi bay vèo vèo”. Không phải vì anh tiêu xài hoang phí mùa dịch, mà vì mang đi chia sẻ với những mảnh đời còn khốn khó khi đại dịch làm họ bỗng chốc rơi vào cảnh thất nghiệp, khó khăn.
“Thấy xung quanh mình nhiều người lao đao quá mà mình còn khả năng, còn giúp được gì thì cứ mở lòng chia sẻ”, anh Bình bày tỏ.
Ngoài những giúp đỡ bằng tiền cá nhân, anh Bình còn đứng ra kêu gọi bạn bè, người thân ủng hộ mua thiết bị y tế cho các bác sĩ chữa trị bệnh nhân Covid-19. Qua vài ngày kêu gọi, anh huy động được gần 140 triệu đồng, đủ để mua 5 máy bơm tiêm điện hiệu Terumo của Nhật Bản và các trang vật tư thiết bị đi kèm. Đây là những thiết bị y tế cần thiết tại các khoa, trung tâm hồi sức tích cực ICU. Các thiết bị này đã được anh và nhóm bạn gửi tới Trung tâm Hồi sức Covid-19 Trung ương Huế tại TP.HCM
Anh Nguyễn Thanh Bình (giữa) cùng với ông Soren Bech, Tổng giám đốc Reckitt Benckiser Việt Nam và đồng nghiệp của mình. Ảnh: Hoa Hạ
Điểm chung của những cá nhân, nhóm bạn làm công tác thiện nguyện này là họ không chỉ xem đây là trách nhiệm công dân của mình khi đất nước cần đến, mà còn là niềm vui, niềm hạnh phúc khi có cơ hội giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, tìm thấy những người bạn tận tâm, thấu hiểu và có cùng mục đích khi tham gia các hoạt động đóng góp cho cộng đồng.
Anh Nguyễn Thanh Bình chia sẻ: “Một phần vì con người tôi luôn có sự thương cảm dành cho người khác, thôi thúc tôi hành động. Phần khác, tôi cảm thấy may mắn và tự hào khi được làm các công tác giúp đỡ cộng đồng và được đồng hành cùng những người bạn có cùng chí hướng”.
Theo GIANG CHÂU (Vietnamnet)