“Văn hóa soi đường quốc dân đi”

05/08/2024 - 06:52

 - Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Sinh thời, nhấn mạnh lại những quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

“Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”

Để định hướng kịp thời con đường phát triển của nền văn hóa dân tộc trên cơ sở tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, những năm qua, Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận quan trọng. Tiêu biểu, như: Nghị quyết 05-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VI (1987) về “Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật (VHNT) và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa VHNT và văn hóa phát triển lên một bước mới”; Nghị quyết 04-NQ/HNTW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (1993) về “Một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt”; Nghị quyết 03-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (1998) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X (2008) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”; Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (2014) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với các đại biểu tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021). Ảnh: Internet

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Nghĩa là văn hóa có liên quan mật thiết sự tồn vong, thịnh suy, phát triển, trường tồn của dân tộc, đất nước. Vì thế, trong quá trình phát triển phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”.

Điều này được Tổng Bí thư khẳng định nhiều lần trong suốt bài phát biểu. Tổng Bí thư dẫn ra nhiều khái niệm văn hóa mang tính học thuật của các nhà nghiên cứu và cũng chia sẻ quan niệm giản dị của mình về văn hóa. Theo đó, văn hóa rất gần gũi với đời sống, khi người dân được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ công bằng… ấy chính là văn hóa. Ngược lại, những xấu xa, bỉ ổi chính là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa.

Là người giữ cương vị cao nhất lãnh đạo thực hiện đường lối của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh trong bài viết lý luận, thực tiễn và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam…

Chúng ta xác định con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh”.

Gìn giữ, phát triển nền văn hóa dân tộc

Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”.

Đồng thời, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo...

Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ. Nâng cao đời sống văn hóa của Nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền của đất nước.

Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là Nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền; phát triển các phong trào văn hóa sâu rộng, thực chất. Cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của Nhân dân, bảo đảm sự công bằng. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa.

Đặc biệt, chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam…

Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.

MINH THƯ