“Về sông ăn cá, về đồng ăn cua”...

10/12/2021 - 06:27

 - Chẳng biết từ bao giờ, câu ca “Gió đưa gió đẩy/ về rẫy ăn còng/ về sông ăn cá/ về đồng ăn cua” đã thấm vào suy nghĩ của thế hệ chúng tôi. Có lẽ, những ai sinh ra và lớn lên ở chốn quê nghèo, đều gắn tuổi thơ với con cá, con cua và ký ức đó vẫn còn vẹn nguyên cho đến bây giờ.

Ký ức tuổi thơ

Là thế hệ 8X, tôi may mắn được sinh ra trong thời điểm cá cua còn nhiều và tuổi thơ ngập chìm trong cái mùi rơm rạ hăng hăng. Nhớ nhất, có lẽ là tiếng ru của mẹ bên nhịp võng đu đưa, qua câu ca miên man của miền ký ức: “Ầu ơ… gió đưa gió đẩy/ về rẫy ăn còng/ về sông ăn cá/… ầu ơ… về sông ăn cá/ về đồng ăn cua…”. Cho tới bây giờ, mẹ tôi vẫn còn hát câu ca ấy cho đứa cháu nội đang tuổi ấu thơ, dù làn hơi đã khàn đặc theo những tháng năm bươn chải của cuộc đời.

Với tôi, ký ức về tuổi thơ vẫn còn nguyên vẹn. Đó là những ngày mưa, nước chảy cuồn cuộn dưới từng liếp rẫy. Khi ấy, anh em tôi xách thùng đi bắt cua. Ở quê hồi ấy nghèo vật chất nhưng đầy sản vật tự nhiên, mà cua đồng thì nhiều vô số. Ngày nắng, muốn ăn cua thì đi theo hầm, theo mương để mò hang. Ngày mưa, chúng tự tìm lên bờ, men theo dòng nước mát đi kiếm nơi ở mới. Chẳng biết loài vật “tám cẳng, hai càng” này ở đâu ra mà cứ bò lổm ngổm trên bờ hầm, dưới rẫy để đám con nít tranh nhau “lượm”.

Cá đồng nướng rơm, món ngon dân dã

Thích nhất là cá lóc, cá rô cũng theo nước mát mà trườn lên, khiến cho đám con nít có khi phải "động tay, động chân" để giành chiến lợi phẩm. Tuy nhiên, việc này ít xảy ra, bởi với con nít thì “chiến tranh” và “hòa bình” chỉ cách nhau ít phút! Lúc mới đi bắt thì hăng say lắm, chứ dầm mưa lát là môi mắt tái nhợt nhưng vì ham cá, ham cua mà có khi tàn cơn mưa cả đám mới bì bõm kéo về nhà.

Mẹ tôi khi đó lại lựa cá ra để riêng, dành cho bữa cơm tiếp theo. Có khi, mẹ chọn những con cua tơ, vỏ mềm rộng lại để hôm sau đâm ra nấu canh rau dền hoặc trộn với hột vịt đem kho. Với số cua còn lại, mẹ đem luộc hết. Những món đó, bây giờ tôi vẫn còn được ăn, nhưng đều là cua bán chợ.

Những con cua chín đỏ, bốc mùi thơm lừng. Chén muối ớt cay xé, nồng nồng khiến cho người lớn, con nít đều chảy mồ hôi giữa những ngày mưa giá buốt. Thời ấy, con nít quê chúng tôi chẳng có quà vặt phong phú như bây giờ, nên con cua đồng dân dã, bình dị mà ngon đáo để. Bây giờ, thỉnh thoảng gặp lại con cua đồng luộc chín đỏ, tôi vẫn nhớ như in ký ức của những ngày mưa xa vắng ấy!

Về với ruộng đồng

Cũng là điều may mắn, bởi công việc của tôi luôn gắn liền với những chuyến đi nên dịp trở về với ruộng đồng cũng không quá hiếm. Dù thời gian có làm sản vật đồng quê giảm sút, nhưng những người bạn vẫn có thể đãi tôi bữa cá đồng đậm tình dân dã.

Hiện giờ, muốn có cá đồng thì phải siêng lặn lội, chứ không phải như ngày tôi còn nhỏ dầm mưa đi “lượm”. Có lần, những nông dân chất phác nơi xứ rẫy Khánh Hòa (huyện Châu Phú) rủ tôi đi kiếm cá đồng để thưởng thức thú tiêu dao. Họ nhảy ùm xuống mương gạn chà bắt cá. Những con cá rô phi, cá mè vinh, cá lóc lần lượt được ném lên bờ, giãy đành đạch trông khá thích mắt.

Khi đã có cá ăn, anh em dưới nước lần lượt lên bờ với cái mùi ngai ngái của sình non còn đọng trên đôi bàn tay, cùng nụ cười thích thú với chiến lợi phẩm vừa kiếm được. Trong khi người dưới nước đang bắt cá, người trên bờ đã đi kiếm mớ rơm. Với dân quê, rơm bây giờ cũng “có giá” lắm, vài chục ngàn đồng một cuộn. Nhưng đãi khách thì… “nhiêu đó nhằm nhò gì!” - một anh nông dân thiệt tình.

Giữa đồng trưa vi vu những cơn bấc sắt se, khói rơm bốc lên trắng xóa, sưởi ấm không gian tĩnh lặng. Mùi cá nướng thơm thơm đưa tôi trở về với ký ức tuổi thơ. Cái vỗ vai của anh nông dân ngồi nướng cá làm tôi giật mình. “Anh em mình ăn như vậy mới sướng! Cá lóc đồng nướng rơm ăn bá cháy luôn! Giờ vô nhà hàng muốn ăn cũng khó lắm nghen!” - anh hào sảng nói.

Thật vậy! Người sành ăn đều thích cá nướng rơm chấm với nước mắm đồng.  Cái vị ngọt của thịt cá còn thơm mùi rơm, cái mặn chan chát của nước mắm đồng “rặt ri” và khung cảnh đồng quê xung quanh khiến người ta thích thú đến không ngờ. Cá chín. Bữa tiệc đồng quê dọn ra. Bên chiếc mâm làm bằng lá chuối, tiếng cười, tiếng nói của tôi và mấy anh bạn càng lúc càng hào sảng. Tiêu dao là thế, bình dị mà rất nên thơ! Bởi thế, chả trách nhiều người sau bao năm lặn lội ở chốn thị thành lại thích trở về với ruộng rẫy của quê hương.

Có lẽ, sự phát triển của xã hội sẽ kéo theo những thay đổi trong cách sống và nếp nghĩ của nhiều người, nhưng ký ức của “về sông ăn cá, về đồng ăn cua” vẫn cứ sống trong lòng những ai yêu mến, gắn bó với quê hương. Nó nhắc nhở người ta về những sản vật của quê nghèo, về những tình cảm tuy giản dị, đơn sơ mà rất đỗi thiêng liêng, để mỗi người dù có đi đâu cũng sẽ quay về.

THANH TIẾN