“Viên đá” ném đi và viên đá vá đường

16/07/2019 - 07:58

 - “Hình như trong xã hội đang tiềm ẩn tâm lý phản đối tất cả. Dù là các đề xuất cá nhân, nghe chưa tường hay chưa xem xét thấu đáo... đã bùng lên làn sóng phẫn nộ, chỉ trích. Đây là hiện tượng đáng buồn, cần có chiến lược giải quyết tầm quốc gia về truyền thông và quyết sách kinh tế - xã hội”. Đó là ý kiến nhận định từ một người thầy của tôi, nhìn ở góc độ báo chí và truyền thông.

Ngày trước, khi nghe đến từ “ném đá”, người ta thường hiểu đó là một hình thức xử tử ở một số quốc gia. Nhiều người sẽ ném đá vào kẻ bị chịu hình phạt, cho đến lúc kẻ đó chết. Kẻ xấu số chỉ biết đón nhận cái chết tàn nhẫn một cách từ từ, không hề biết chính xác mình chết bởi hòn đá của người nào. Ông bà ta thì có câu “ném đá giấu tay”, ám chỉ hành động không minh bạch, hãm hại người khác nhưng lại không để lộ danh tính bản thân. Những năm gần đây, từ “ném đá” lại được sử dụng rộng rãi trên mạng xã hội, chỉ thái độ phản ứng, chỉ trích của dư luận đối với người hoặc sự việc làm họ cảm thấy “chướng tai gai mắt”.

Những nghĩa cử nhân văn của chú Tư được mọi người ghi nhận

Mỗi ngày, cứ dạo một vòng mạng xã hội, thế nào cũng tìm được ít nhất một “từ khóa” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, từ những tài khoản của cán bộ nhà nước, người kinh doanh, văn nghệ sĩ, người lao động chân tay… Có người trình bày ý kiến về vụ việc bằng cảm nhận và kiến thức của bản thân một cách rõ ràng, mạch lạc, phân tích nhiều chiều. Có người chỉ đơn thuần thốt lên cảm xúc cá nhân rất ngắn gọn, hoặc làm thơ hài hước bày tỏ thái độ khen - chê. Cũng có người dùng rất nhiều từ ngữ không hay, miệt thị người trong cuộc, thẳng thừng chê ông A, bà B là “dốt nát”, thậm chí đem cả ngoại hình, lý lịch cá nhân của họ ra để chỉ trích. Hiệu ứng xã hội của việc “ném đá tập thể” ấy ngày càng lan rộng. Lúc đầu, chưa hiểu gì về “từ khóa” được nhắc đến, người ta sẽ tìm đọc các thông tin trên phương tiện truyền thông. Khi biết được phần nào, họ sẽ bày tỏ “chính kiến” của cá nhân lên trang mạng xã hội, dần dần tạo thành luồng dư luận rất phức tạp, kéo sự việc đi ngày càng xa. Đủ mọi sắc thái trong quá trình “ném đá” ấy: buồn cười, tức giận, mỉa mai, nhục mạ, bênh vực… Mạng xã hội trở thành nơi “trưng cầu dân ý” khá hiệu quả. Dư luận trong không gian ảo này nhiều lần biến thành sức ép ở ngoài đời thật.

“Chín người mười ý”, ông cha ta đã đúc kết từ lâu. Mỗi người đều có quyền bày tỏ ý kiến của bản thân đối với mọi sự việc trong xã hội. Chẳng ai thích nghe lời chửi mắng, nhưng tâm lý của số đông vẫn thích mang người khác ra mắng chửi, để phần nào thỏa mãn cái tôi. Nhưng “lời nói chẳng mất tiền mua”, chỉ trích và nhục mạ người khác sẽ làm tổn thương họ, làm vấy bẩn chính tính cách mình. Tôi nghĩ rằng, tất cả những ý kiến đóng góp, dù lớn dù nhỏ, đều rất hữu ích, bởi chúng thể hiện quan điểm cá nhân, góc nhìn đa chiều, góp phần làm sáng tỏ vấn đề. Nếu ai cũng im lặng trước cái xấu và quay lưng thờ ơ trước điều tốt đẹp, lúc ấy xã hội đáng sợ lắm. Tuy nhiên, điều cần thiết trong đóng góp, phản hồi, phản biện là phải mang tính xây dựng, có tình có lý, lập luận thuyết phục. Những lời chửi bới hay phỉ báng chẳng giúp ích gì cho quá trình tranh luận, chỉ làm tổn thương nhau thêm mà thôi. Cuộc sống đã quá nhiều vất vả, lo toan, áp lực, sao không mở lòng ra để thương yêu nhau hơn?

Tôi nhớ viên đá nén đường của ông Cao Văn Long (sinh năm 1943, ngụ khóm Đông An 4, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên). Người dân An Giang quá quen thuộc với hình ảnh chú Tư (tên thường gọi của ông Cao Văn Long- PV) ngày ngày cặm cụi vá đường. Bằng những lớp nhựa đường phế thải, dầu lửa, đôi bàn tay chai sần và sức nặng của viên đá to bằng bàn tay, ông làm biến mất những "ổ gà" to nhỏ trên đường. Người khen rất nhiều, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng ông “làm chuyện vô ích”, “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, rồi quay sang tỏ thái độ bất mãn với chính quyền địa phương khi không thể hoàn thành trách nhiệm cải tạo, nâng cấp đường phục vụ người dân, lại để một cụ già phải ra tay... Nghe vậy, có thời điểm ông cảm thấy đau lòng, tổn thương. Nhưng nhờ rất nhiều lời động viên, những nghĩa cử tri ân, quý trọng của lãnh đạo các cấp, của người dân xung quanh, ông tìm lại được niềm vui, động lực để tiếp tục làm việc nghĩa. 

Mới vừa rồi, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tặng 2 bằng khen cho ông Long, vì thành tích xuất sắc trong việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2018; đã có nghĩa cử cao đẹp, đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội, giúp người dân đi lại thuận tiện, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh An Giang. Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Đào Văn Ngọc khẳng định: “Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cấp và mở rộng đô thị, chắc chắn có những giai đoạn hạn hẹp về kinh phí, khó khăn khách quan ảnh hưởng, cần nhiều sự đóng góp của mọi người dân, doanh nghiệp. Chú Tư  đã có việc làm hết sức thiết thực, nhân văn, được mọi người ghi nhận, trân quý. Nếu xuất hiện ngày càng nhiều người như chú Tư, cuộc sống sẽ càng tốt đẹp”.

Nhân rộng tấm gương bình dị của chú Tư, không có nghĩa là chúng ta phải đi vá đường, dùng từng viên đá để nén lớp nhựa đường. Nhưng cũng không nên duy trì thói xấu “ném đá” vào người khác. Sống vui, sống tích cực với chính mình và gia đình, với công việc đã là việc làm rất tử tế, ý nghĩa cho xã hội rồi.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG