Lễ thượng cờ ở Quảng trường Ba Đình diễn ra vào lúc 6 giờ (mùa hè) và 6 giờ 30 phút (mùa đông). Nghi lễ này được diễn ra hàng ngày, kể cả ngày nắng, gió hay mưa bão. Những lần bỏ lỡ trước, thường do tôi đến Hà Nội vào dịp lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo dưỡng, tu bổ định kỳ; hoặc chạy theo lịch trình vội vã. Kể cả khi tham dự lễ báo công, tham quan lăng Bác, tôi vẫn chưa một lần dự lễ thượng cờ. Điều ấy gây nên nỗi niềm tiếc nuối cho vị khách miền Nam xa xôi, như còn nợ Bác lời hứa chưa tròn.
Tài xế taxi nhiệt tình kể cho tôi nghe, cứ tầm 5 giờ 30 phút hàng sáng, anh thường nhận được chuyến xe đến lăng Bác. Y như rằng, vị khách ấy muốn dự lễ thượng cờ, và tôi không phải ngoại lệ. Người quen thuộc với quang cảnh ấy như anh, sau khi chở khách đến nơi, vẫn nán lại bên đường, dõi theo lá cờ dần tung bay trên bầu trời, rồi mới tiếp tục hành trình mưu sinh ngày mới.
Câu chuyện của anh tài xế càng minh chứng cho ước mong “cháu con trở về sum vầy” ở lăng Bác, ở trái tim thủ đô. Chỉ ít phút ngắn ngủi thôi, nhưng lễ thượng cờ được xem là nghi lễ trang nghiêm vô cùng, diễn ra bằng tất cả lòng thành kính dâng lên Người, dưới sự chứng kiến của đông đảo người dân Việt Nam và khách du lịch quốc tế.
Sáng sớm, không gian vẫn còn tĩnh lặng. Nhưng mọi thứ trở lên tĩnh lặng hơn nữa, khi loa phát thanh từ quảng trường thông báo: “Đã đến giờ cử hành lễ chào cờ, đề nghị đồng bào ở khu vực quảng trường dừng mọi hoạt động, hướng về lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để lễ chào cờ trang trọng”.
Khi lực lượng tiêu binh chuẩn bị làm lễ là lúc cửa lăng Bác được mở ra. Bên trong nổi bật dòng chữ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đến lúc đoàn thượng cờ xuất hiện từ phía sau lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, không ai hẹn ai, tất cả giữ trật tự, nén hơi thở nhẹ nhàng hơn, chân đứng thẳng hơn, một lòng hướng về đội nghi lễ.
Dẫn đầu đoàn là quân kỳ Quyết thắng. Theo sau đội tiêu binh gồm 34 người, tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Giữa tiếng nhạc hùng hồn của ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ”, đoàn thượng cờ dần di chuyển đến chân cột cờ, chuẩn bị thực hiện nghi lễ. Khi ấy, kim đồng hồ vừa điểm 6 giờ.
Sau khi có hiệu lệnh, quốc kỳ bắt đầu kiêu hãnh tung bay theo từng câu hát Quốc ca. Suốt hành trình 29m đến đỉnh cột cờ, lá cờ vẫn phấp phới, đỏ rực, vươn mình đón gió, đón mặt trời vừa lên. Khi lá cờ yên vị trên đỉnh cột, cũng là lúc nghi thức chào cờ bắt đầu. Mọi người ghi khắc lời hát trong tim, gửi đến Bác, gửi đến chính mình, nghe dâng lên niềm tự hào khó tả: Tự hào vì mình là người Việt Nam, là con cháu Bác Hồ.
Trước khi lễ thượng cờ kết thúc, đội tiêu binh diễu hành một vòng qua cửa lăng, trở về vị trí cũ. Được phép chụp ảnh thoải mái, nên mọi người vừa tranh thủ ghi lại kỷ niệm khó quên, vừa lưu giữ khoảnh khắc thiêng liêng vào tâm khảm khi đến với Hà Nội. Bên cạnh tôi, anh đồng nghiệp cứ nhìn mãi những tấm ảnh vừa chụp, lòng chưa hết bồi hồi vì trải nghiệm quý anh nhận được.
Ngày 2/9/1945, trước quốc dân, đồng bào tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Nhiều năm sau, cũng tại quảng trường ấy, Người nằm yên trong giấc ngủ vĩnh hằng. Con cháu tiếp nối xây dựng, phát triển quê hương, khởi đầu bằng lễ thượng cờ thắm tình non nước, một lòng tưởng nhớ Người cha kính yêu…
Lễ thượng cờ trở thành nghi lễ cấp quốc gia, do Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng đề xuất Chính phủ, diễn ra lần đầu tiên vào ngày 19/5/2001 - kỷ niệm 111 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong 22 năm, hơn 8.000 ngày, nghi lễ được thực hiện đều đặn. Thế nhưng, mỗi lần diễn ra, nghi lễ đều đem đến trọn vẹn cảm xúc tự hào, lòng thành kính và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho màu cờ thắm tươi hôm nay.
|
GIA KHÁNH