Đại sứ Marc Knapper: Mỹ muốn đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình phát triển
08/07/2025 - 20:07
Đại sứ khẳng định Mỹ mong muốn đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình trở thành một nền kinh tế dựa trên công nghệ cao, năng lượng sạch như lãnh đạo cấp cao đã đề ra.
AA
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper chia sẻ với báo chí về quan hệ song phương giữa hai nước. (Ảnh: Thành Đạt/Vietnam+)
Trong 30 năm qua quan hệ song phương Việt-Mỹ đã mở rộng rất mạnh mẽ, trong đó kinh tế là một trụ cột quan trọng.
Đó là nhận định của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 8/7, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ (12/7/1995-12/7/2025).
Mối quan hệ được ‘xây’ bằng nhiều trụ cột
Theo Đại sứ Marc Knapper, quan hệ song phương Việt-Mỹ được vun đắp nhờ nhiều trụ cột hợp tác, không ngừng được củng cố trong suốt 30 năm qua.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, còn Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các doanh nghiệp Mỹ đầu tư rất nhiều vào Việt Nam và ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt đầu tư sang Mỹ.
Tháng Năm vừa qua, Hội nghị thượng đỉnh đầu tư SelectUSA diễn ra tại Maryland đã đón hơn 100 nhà đầu tư Việt Nam tới tìm hiểu cơ hội kinh doanh tại Mỹ - là đoàn doanh nghiệp Việt Nam đông nhất từ trước đến nay tham dự sự kiện.
Theo Đại sứ, điều này thể hiện Việt Nam đang coi trọng việc đầu tư vào Mỹ, cho thấy quan hệ kinh tế giữa hai nước đang ngày càng sâu sắc và mạnh mẽ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden, ngày 25/9/2024). (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Một trụ cột quan trọng khác chính là hợp tác về giáo dục. Việt Nam là nước có du học sinh theo học tại Mỹ cao thứ 6 trên thế giới, ước tính khoảng 30.000 người. Nếu tính cả số du học sinh Việt Nam tham gia các hình thức học tập khác nhau trong hệ thống giáo dục Mỹ thì con số đó có thể lên đến 300.000.
Các trường đại học Mỹ cũng đang quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam. Tháng 4/2025, phái đoàn 21 trường đại học Mỹ đã sang tìm hiểu cơ hội hợp tác với các trường đại học Việt Nam. Đại sứ cho rằng hoạt động hợp tác giáo dục giữa các cơ sở đào tạo Mỹ và Việt Nam sẽ giúp hai bên trao đổi, đưa thêm các nhà nghiên cứu, học giả và giáo sư Việt Nam sang Mỹ và ngược lại.
Mỹ cũng cam kết ủng hộ Việt Nam thực hiện chủ trương từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, xem đây là một bước đi quan trọng mở ra nhiều cơ hội về công nghệ cao và giáo dục.
Trụ cột thứ ba - một bệ đỡ rất chắc chắn và quan trọng trong quan hệ Việt-Mỹ là sự hợp tác về y tế.
Lễ tiếp nhận gần 1,5 triệu liều vaccine Pfizer của Hoa Kỳ qua cơ chế COVAX, hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch COVID-19 (Hà Nội, 4/10/2021). (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Theo Đại sứ, trụ cột hợp tác này bắt đầu từ các dự án hợp tác chung về phòng, chống HIV/AIDS thông qua Kế hoạch Cứu trợ AIDS khẩn cấp của Tổng thống Mỹ (PEPFAR) hỗ trợ ứng phó HIV/AIDS của Việt Nam từ năm 2005 và mở rộng sang phòng, chống bệnh lao và COVID-19.
Nhắc lại việc Việt Nam đã cung cấp thiết bị bảo hộ cho Mỹ khi “xứ sở cờ hoa” đang cần nhất, sau đó Mỹ đã cung cấp 44 triệu liều vaccine Pfizer (phòng COVID-19) cho Việt Nam, Đại sứ cho rằng hợp tác trong giám sát y tế cũng sẽ là một khía cạnh quan trọng để đối phó với các đại dịch trong tương lai.
Về thúc đẩy hợp tác công nghệ cao và bán dẫn, theo Đại sứ Knapper, Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện tháng 9/2023 giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Biden là một “thành tựu lịch sử”, trong đó hai bên nhấn mạnh hợp tác công nghệ cao và đặc biệt là ngành bán dẫn.
Hiện có nhiều doanh nghiệp “đại bàng” của Mỹ như Marvel, Nvidia… đang muốn tăng cường hợp tác về lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như đầu tư, hợp tác nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự toạ đàm doanh nghiệp do Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN (USABC), Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC) và Hội đồng Doanh nghiệp vì vì sự hiểu biết quốc tế (BCIU) đồng tổ chức (Hoa Kỳ 23/9/2024). (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Đại sứ đánh giá rằng Việt Nam hoàn toàn có năng lực và đã sẵn sàng để vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu về sản xuất công nghệ cao. Đây là điều không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà cũng mang lại lợi ích cho Mỹ.
“Mỹ mong muốn đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình trở thành một nền kinh tế dựa trên công nghệ cao, năng lượng sạch như lãnh đạo cấp cao đã đề ra. Hai bên càng hợp tác nhiều trong các lĩnh vực công nghệ cao thì người dân và nền kinh tế hai nước càng được hưởng lợi nhiều hơn,” Đại sứ Marc Knapper khẳng định.
Cựu Tổng thống Joe Biden từng nói rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam mang lại hy vọng cho mọi quốc gia khác. Nếu Mỹ và Việt Nam có thể trở thành bạn bè thì ai cũng có thể trở thành bạn bè.
Thực tế là suốt 30 năm qua, hai nước không ngừng hợp tác giải quyết các vấn đề còn tồn tại sau chiến tranh. Phía Việt Nam giúp Mỹ tìm kiếm quân nhân mất tích. Ngược lại, Mỹ cũng giúp Việt Nam rà phá bom mìn và giải quyết hậu quả của chất độc da cam.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt (phải) và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper ấn nút hủy nổ bom mìn tại xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (2/4/2025). (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)
Trong buổi gặp gỡ báo chí, Đại sứ Knapper khẳng định rằng tuy các hoạt động viện trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã ngừng lại nhưng nhiều dự án nhân đạo tại Việt Nam đã được chuyển sang Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ và các cơ quan liên quan. Việc rà phá vật liệu nổ, hỗ trợ người khuyết tật do phơi nhiễm chất độc da cam tại Việt Nam vẫn được tiếp tục.
Việt Nam là đối tác chủ động, tích cực
Về vấn đề thuế quan đối ứng, Đại sứ Knapper nhấn mạnh Việt Nam đã vào cuộc rất nhanh. Tổng Bí thư Tô Lâm là một trong nhà lãnh đạo đầu tiên có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump sau khi nhà lãnh đạo Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng. Chỉ một tuần sau đó, đoàn của Việt Nam đã đến Washington làm việc với các đối tác Mỹ.
Theo Đại sứ Marc Knapper, điều này cho thấy Việt Nam rất chủ động, tích cực, thuộc nhóm quốc gia đối thoại sớm nhất với phía chính quyền Mỹ về vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Nguyễn Hồng Diên làm việc với Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Howard Lutnick về tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại đối ứng giữa hai nước (Hoa Kỳ, 22/5/2025). (Ảnh: TTXVN phát)
“Mục tiêu của Tổng thống Mỹ Donald Trump chính là đảm bảo được mối quan hệ thương mại cân bằng, có lợi cho cả nước Mỹ và các nước đối tác, từ đó đóng góp cho sự thịnh vượng chung của tất cả các quốc gia. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng các doanh nghiệp Mỹ được đối xử bình đẳng và doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Mỹ cũng có thể thành công. Nhờ đó, những người nông dân, nhà sản xuất, ngư dân Mỹ và Việt Nam đều được hưởng lợi,” Đại sứ nhấn mạnh.
Đại sứ Knapper khẳng định việc lãnh đạo của hai nước trao đổi liên tục và ở cấp cao như vậy phản ánh chất lượng của mối quan hệ Việt-Mỹ, cho thấy sự tôn trọng của Mỹ đối với Việt Nam, cũng như mong muốn mạnh mẽ của Mỹ nhằm đảm bảo mối quan hệ này sẽ tiếp tục phát triển và đi lên.
Thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam có một số thay đổi chính sách rất lớn, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Mới đây nhất là việc vận hành chính quyền địa phương hai cấp và sáp nhập các tỉnh, thành.
Đại sứ Mỹ cho rằng hàng loạt các chính sách mới này sẽ giúp nhiều thủ tục hành chính được xử lý nhanh gọn hơn, tiết kiệm thời gian công sức cho nhà đầu tư nước ngoài.
Với các chính sách giúp tăng cường phát triển đầu tư tư nhân, đẩy mạnh trọng tâm vào các ngành công nghệ cao và hạ tầng số, Đại sứ Mỹ bày tỏ sự tin tưởng rằng tất cả những chính sách này sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn./.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Mỹ hợp tác với Việt Nam sẽ mang lại lợi ích chiến lược trong dài hạn, góp phần cải thiện cán cân thương mại công bằng, hài hòa, bền vững giữa hai nước.
Đêm 11/7/1995 (giờ Washington), Kênh truyền hình BBC đã phát chương trình đặc biệt truyền đi hình ảnh Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đọc Tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. (Ảnh: TTXVN phát)
Theo Vietnam+
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: