Những “người thợ” cần mẫn của tổ đổ cột cất nhà cho người nghèo
Dù “sinh sau đẻ muộn” so với những mô hình khác đã được hình thành và phát triển từ trước như: Hội Mái ấm tình thương huyện Thoại Sơn hay Hội Mái ấm tình thương huyện Châu Thành… nhưng mô hình nhỏ ấy vẫn đủ sức kêu gọi cộng đồng chung tay “xây mơ ước” cho người nghèo. Gần 3 năm hoạt động, tổ đổ cột của Ban Trị sự PGHH phường Mỹ Hòa đã huy động được hơn 20 thành viên cùng nhau góp công, góp sức giúp cho người nghèo có được những mái nhà lành lặn. Tuy không quá nhiều nhưng nhờ sự chung lòng, biết san sẻ công việc nên mô hình đổ cột cất nhà cho người nghèo ngày càng tạo được sự lan tỏa, chạm đến trái tim nhiều nhà hảo tâm. Cứ thế, mỗi sáng chủ nhật mọi người tập trung đông đủ để đổ cột bằng tất cả sự nhiệt huyết. Người vác đá, cát, người bẻ sắt, người khiêng cây đổ cột bê-tông… rất thuần thục. Còn gì đáng ghi nhận bằng tấm lòng thiện nguyện, việc cần mẫn chăm lo mái ấm cho người nghèo thật sự rất đáng được trân quý, thể hiện tấm lòng “Thương người như thể thương thân”.
Trưởng ban Trị sự PGHH phường Mỹ Hòa Võ Ngọc Thảnh chia sẻ: “Nhiều năm liền, Ban Trị sự PGHH phường Mỹ Hòa đã sửa chữa, xây dựng hàng trăm căn nhà cho hộ nghèo trong và ngoài địa phương. Ở đây, mỗi việc từ thiện đều có tổ phụ trách riêng. Nào là tổ cất nhà, tổ đổ cột… những đồng đạo góp sức cùng chúng tôi xây mái ấm cho người nghèo không quản mưa nắng, nặng nhọc. Riêng mô hình đổ cột cất nhà, để thực hiện có hiệu quả, chúng tôi phải học hỏi kinh nghiệm của Hội Mái ấm tình thương huyện Châu Thành vì ý tưởng này cũng từ đó mà ra. Sau khi được sự chấp thuận của Đảng ủy, UBND phường Mỹ Hòa, chúng tôi đã mạnh dạn tiến hành. Chủ nhật hàng tuần là thời gian tổ đổ cột tập trung, dốc sức làm việc chăm chỉ để tạo nên những bộ cột vững chắc cho người nghèo. Mỗi hoàn cảnh được tặng cột đều được chúng tôi đến tận nơi khảo sát và được sự xác nhận của chính quyền địa phương để tránh trường hợp “nhầm đối tượng”. Giá trị của mỗi bộ cột khoảng 1,6 triệu đồng, chưa kể ngày công góp sức hoàn thành. Trung bình 1 năm chúng tôi đổ được khoảng 100 bộ cột”.
“Tận mắt “mục sở thị” ngày “chủ nhật thiện nguyện” của các chú mới thấm hết những giọt mồ hôi vất vả của các thành viên. Đổ cột, công việc nghe tưởng chừng đơn giản nhưng lại tốn khá nhiều công đoạn và nặng nhọc. Nhìn các chú, anh lấm tấm giọt mồ hôi, chúng tôi càng quý hơn công việc ý nghĩa và tấm lòng dành cho những hoàn cảnh khó khăn. Chú Ngô Văn Thiện (sinh năm 1968, ngụ khóm Tây Huề 1, phường Mỹ Hòa) bày tỏ: “Ở đây, các thành viên đa phần đều là người… có tuổi. Người trẻ hầu như không có bởi họ còn bận công việc. Còn chúng tôi, không lo việc đồng áng thì góp chút công sức cùng anh em đổ cột xây mái ấm cho người nghèo. Công việc vừa vui, vừa thiết thực và ý nghĩa nên ai cũng sẵn lòng. Tuy mỗi thành viên có hoàn cảnh gia đình khác nhau, có người cuộc sống còn rất khó khăn nhưng khi tổ tập trung đổ cột là có mặt và làm việc rất nhiệt tình. Có người tuy sức khỏe yếu, nhưng tinh thần và thái độ đối với công việc lúc nào cũng nhiệt huyết. Chính vì vậy, công việc có khó khăn đến đâu chúng tôi nguyện cùng nhau vượt qua”.
Là một trong số những người trẻ hiếm hoi của tổ, anh Phạm Văn Dũng (sinh năm 1971, ngụ khóm Tây Huề 2, phường Mỹ Hòa) chính là người hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật đổ cột cho các thành viên trong tổ. Với công việc là thợ hồ, anh Dũng ít nhiều có kinh nghiệm nên từ ngày tổ đổ cột thành lập đến nay, anh Dũng luôn tích cực tham gia. “Cuộc sống của tôi không khá giả, chúng tôi cũng không ngại ai đó nói mình “lo việc bao đồng”, miễn sao góp sức xây được mái ấm vững chãi cho người nghèo là tôi vui lắm rồi. May mắn hơn là vợ tôi rất ủng hộ công việc này nên không cảm thấy phiền hà mỗi khi tôi dốc toàn sức dành cho việc đổ cột từ thiện” - anh Dũng bộc bạch. Hơn 20 thành viên, dù có hỏi hết từng người câu trả lời cũng chỉ có một - “cực mà vui”, với việc làm có ích cho xã hội. Đó cũng chính là điều chúng tôi cảm phục, quý mến dành cho tổ đổ cột của Ban Trị sự PGHH phường Mỹ Hòa.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN