Mặc dù virus SARS-CoV-2 chủ yếu được xem là một bệnh gây nhiễm trùng phổi, các nhà khoa học Anh phát hiện virus này cũng đang nhắm mục tiêu vào tim - cơ quan quan trọng nhất của cơ thể.
Kết quả ban đầu từ các nghiên cứu quốc gia quy mô lớn cho thấy hàng nghìn người điều trị COVID-19 đã bị tổn thương ở tim. Giới chuyên gia lo ngại những phát hiện này có thể báo trước sự gia tăng về nhu cầu sử dụng dịch vụ tim mạch mà Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) vốn đang chịu sức ép.
Người dân Anh đeo khẩu trang khi đi ra đường trước tình hình số ca nhiễm biến thể Omicon ở nước này tăng lên. Ảnh: Anadolu
Giáo sư về tim mạch tại Đại học Glasgow Colin Berry - người tham gia vào một nghiên cứu như vậy - phát hiện rằng 1/8 bệnh nhân đang hồi phục sau nhiễm virus có dấu hiệu bị viêm tim.
Nhóm của ông đã phân tích ngẫu nhiên 161 bệnh nhân COVID-19 đang hồi phục. 90% trong số đó đã phải nhập viện và 1/5 cần được điều trị cấp độ cao hoặc chăm sóc đặc biệt.
Tỷ lệ mắc bệnh viêm cơ tim cao
Khoảng một và hai tháng sau khi xuất viện, tim, phổi và thận của họ đã được kiểm tra. Nhấn mạnh về nghiên cứu chưa được bình duyệt bởi hội đồng chuyên môn, Giáo sư Berry tiết lộ với The Telegraph rằng khoảng 1/8 bệnh nhân có dấu hiệu viêm tim và đó là tỷ lệ mắc cao.
Nghiên cứu của Giáo sư Berry và các các đồng nghiệp cho thấy tình trạng viêm cơ liên quan đến COVID-19, cụ thể là viêm cơ tim, làm giảm khả năng bơm máu của cơ và gây ra rối loạn nhịp tim, gây chóng mặt, đau ngực và khó thở. Họ tin rằng chứng viêm cơ tim có thể gây sẹo làm tổn thương các van tin, ảnh hưởng đến khả năng bơm máu.
Giáo sư Berry nói thêm: “Viêm tim gây hậu quả lớn về sức khỏe. Chúng tôi nhận thấy rằng chất lượng cuộc sống về thể chất và tinh thần ở những bệnh nhân bị viêm tim bị suy giảm. Chúng tôi cũng thấy chức năng thận của họ bị tổn thương”.
Tiến sĩ Betty Raman, một nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Tim mạch Anh tại Đại học Oxford, cho hay một nghiên cứu trên 500 bệnh nhân COVID-19 phát hiện những người bị thể nặng phải nhập viện điều trị gặp phải chứng viêm tại nhiều cơ quan cơ thể khác nhau.
Bà đã sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ để nghiên cứu não, tim, gan và thận của những người tham gia các nghiên cứu sau khi nhập viện.
Nhiều người cho rằng các phần virus không được tiêu diệt trong giai đoạn nhiễm trùng cấp tính sau đó vẫn tồn tại trong tim bệnh nhân. Ảnh minh họa - Scientific American
Viêm đa cơ quan
Mặc dù nghiên cứu chưa hoàn thành, Tiến sĩ Raman cho hay đánh giá sơ bộ đối với 58 bệnh nhân cho thấy tình trạng viêm đa cơ quan, đặc biệt là tim và hệ thống mạch máu.
Nữ chuyên gia nói thêm: “Mức độ nghiêm trọng sau nhiễm virus trong giai đoạn cấp tính của bệnh là một yếu tố quyết định mạnh mẽ đến việc mọi người có mắc các vấn đề về tim hay không. Nhiễm thể nhẹ dường như không để lại tổn thương. Nhưng khoảng 10 - 15% những người bị nhiễm thể nặng có thể phát triển các biến chứng”.
Nhiều người cho rằng các phần virus không được tiêu diệt trong giai đoạn nhiễm trùng cấp tính sau đó vẫn tồn tại trong tim bệnh nhân. Theo bà Raman, điều này có thể là do hệ thống miễn dịch của bệnh nhân không đủ mạnh để loại bỏ hoàn toàn virus.
Một khả năng khác là do hệ miễn dịch của bệnh nhân xác định nhầm các protein trong tế bào của cơ thể là tế bào virus.
Tiến sĩ Raman nói thêm rằng nghiên cứu của bà cho thấy một số bệnh nhân bị tổn thương mạch máu hoặc viêm tim, hoặc bị cả hai. Tình trạng này lý giải về sự khác biệt trong cách virus SARS-CoV-2 ảnh hưởng đến từng người mắc chứng “COVID-19 kéo dài”. Hàng loạt triệu chứng khác nhau là bằng chứng tồn tại của nhiều cơ chế khác nhau.
Văn phòng Thống kế Quốc gia Anh ước tính gần 1,2 triệu người ở nước này bị các triệu chứng của “COVID-19 kéo dài”, trong đó bao gồm rối loạn chức năng tim.
Tháng 11, Quỹ Tim mạch Anh cảnh báo hơn 275.000 người đang chờ đợi để được khám và điều trị tim ở Anh. Tiến sĩ Sonya Babu-Narayan, Phó Giám đốc y tế của quỹ, lưu ý: “Giờ đây, áp lực lên NHS ngày càng lớn và quy mô của cuộc khủng hoảng tim mạch hiện nay là không ổn định”.
Theo XUÂN CHI (Báo Tin Tức)