10 sự kiện nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2023

25/12/2023 - 19:22

Trân trọng giới thiệu 10 sự kiện nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2023, do Ban biên tập Tin kinh tế - Thông tấn xã Việt Nam bình chọn.

1. Việt Nam là điểm sáng nỗ lực phục hồi kinh tế

Kho bãi chứa container tại cảng Tân Vũ (Hải Phòng). Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Việt Nam đạt tăng trưởng GDP trên 5%. Mức tăng này tuy thấp hơn chỉ tiêu đề ra là 6,5%, nhưng được các định chế tài chính quốc tế đánh giá là khá cao và tích cực so với nhiều nền kinh tế khác, xét trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn ảm đạm. Các yếu tố giúp nền kinh tế có khả năng phục hồi bao gồm kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục, nỗ lực giải ngân đầu tư công, vốn FDI cao nhất kể từ năm 2020, dịch vụ trong nước được phục hồi. Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đạt 431 tỷ USD, lên mức 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Các hãng truyền thông lớn nhận định với nỗ lực tăng trưởng, Việt Nam đang nổi lên như một đối tác thương mại và điểm đến đầu tư hấp dẫn.

2. Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện doanh nhân Việt Nam, ngày 11/10/2023. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây là nghị quyết thứ hai của Bộ Chính trị về doanh nhân sau 12 năm kể từ nghị quyết đầu tiên (Nghị quyết 09/NQ-TW ngày 9/12/2011). Nghị quyết chỉ rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp chính, nhằm phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển; xây dựng một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

3. Giải ngân vốn đầu tư công đạt giá trị lớn nhất từ trước đến nay

Đoạn tuyến cao tốc Mai Sơn-QL 45 qua nút giao thông QL 217 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Giá trị giải ngân vốn đầu tư công của cả nước ước đạt hơn 461.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Kết quả này đạt được là nhờ sự vào cuộc quyết liệt từ Chính phủ tới các bộ, ngành trung ương và địa phương nhằm tháo gỡ vướng mắc cơ chế, thủ tục...Việc giải ngân nhanh và hiệu quả nguồn vốn đầu tư công đã trở thành động lực quan trọng, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.

4. Xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp

Cảng logistics bốc dỡ, vận chuyển gạo xuất khẩu của Công ty TNHH Dương Vũ. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Xuất siêu ước đạt 26 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022 và là năm thứ 8 xuất siêu liên tiếp. Nhiều nhóm hàng nông sản tận dụng được cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt, xuất khẩu gạo vượt 8 triệu tấn, đạt kim ngạch hơn 4,4 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 2009. Cơ cấu xuất khẩu tiếp tục theo hướng khả quan, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Xuất siêu đang góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá.

5. Lập kỷ lục đưa vào sử dụng 475 km đường cao tốc trong một năm

Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Việc hoàn thành 14 dự án giao thông trọng điểm, trong đó có các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, đã nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc của cả nước lên 1.892 km. Kết quả này góp phần hiện thực hóa một trong ba đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Lễ khởi công 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 ngay ngày đầu tiên của năm đã mở màn cho việc khởi công hàng loạt dự án giao thông trọng điểm khác.

6. Lần đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp giảm lãi suất điều hành trong thời gian ngắn

Khách hàng giao dịch tại Vietcombank chi nhánh Vĩnh Phúc. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Từ tháng 3 đến tháng 6, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm. Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước liên tiếp giảm lãi suất điều hành trong thời gian ngắn. Việc điều chỉnh này là giải pháp linh hoạt, tạo nền tảng cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

7. Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII 

Dự án điện gió và điện mặt trời tại xã Lợi Hải và Bắc Phong (Thuận Bắc, Ninh Thuận). Ảnh minh họa: Minh Hưng/TTXVN

Sau nhiều năm chuẩn bị, trình và sửa đổi, hoàn thiện, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Bản quy hoạch này mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, công bằng, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực tế của đất nước.

8. Ban hành nhiều chính sách chưa từng có trợ lực thị trường bất động sản

Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành, thực hiện nhiều cơ chế, chính sách chưa từng có để tháo gỡ khó khăn về pháp lý và tài chính, khôi phục thị trường bất động sản. Điển hình là Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Nghị định số 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chủ trì 2 hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Những trợ lực quan trọng này đã giúp thị trường bất động sản giảm bớt khó khăn.

9. Phối hợp chấn chỉnh hoạt động đăng kiểm

Một trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại Hà Nội. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN

Những sai phạm liên quan đến hành vi tham nhũng của một số cán bộ, đăng kiểm viên được phát hiện với quy mô rộng, khiến lúc cao điểm, cả nước có tới 106/281 trung tâm đăng kiểm phương tiện xe cơ giới ngừng hoạt động. Lần đầu tiên xảy ra hiện tượng ùn tắc phương tiện đăng kiểm kéo dài, ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp vận tải và hoạt động logistics. Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các lực lượng chức năng phải đồng bộ vào cuộc xử lý. Bộ Giao thông Vận tải đề xuất lực lượng công an, quân đội tham gia hỗ trợ kiểm định xe cơ giới dân sự. Ngày 08/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

10. Siết chặt quản lý xây dựng 'chung cư mini' 

Chung cư mini - nơi xảy ra đám cháy nằm giữa khu dân cư đông đúc tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Vụ cháy “chung cư mini” xảy ra đêm 12/9 tại phố Khương Hạ, Hà Nội đã làm 56 người chết, 37 người bị thương. Thảm họa này rung lên hồi chuông báo động về tình trạng buông lỏng quản lý xây dựng ở các khu đô thị, khu dân cư. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành chức năng đã tổng rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý xây dựng, triển khai các giải pháp cấp bách để phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ thuê trọ…, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Theo TTXVN