Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng năm 2024 đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, cán cân thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam đạt thặng dư 16,46 tỷ USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo nhóm hàng, lâm sản, thủy sản và nông sản là 3 nhóm hàng có cán cân thương mại ở trạng thái thặng dư. Cụ thể, nhóm lâm sản ước đạt thặng dư 13,05 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2023; nhóm thủy sản thặng dư 6,88 tỷ USD, tăng 17,5% và nhóm nông sản thặng dư 4,72 tỷ USD, tăng 3,1 lần.
Xét theo mặt hàng, Việt Nam có 7 mặt hàng nông lâm thủy sản có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ thặng dư 12,11 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước; rau quả 4,56 tỷ USD, tăng 33,9%; cà phê 4,53 tỷ USD, tăng 30,5%; gạo 4,07 tỷ USD, tăng 14,6%; tôm 3,19 tỷ USD, tăng 20,5%; cá tra 1,72 tỷ USD, tăng 10,1%; và hạt tiêu thặng dư 1,07 tỷ USD, tăng 43,5%.
Trong 11 tháng, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 29,78 tỷ USD, tăng 23,2%; sản phẩm chăn nuôi đạt 475,5 triệu USD, tăng 4,4%; thủy sản đạt 9,2 tỷ USD, tăng 11,8%; lâm sản đạt 15,59 tỷ USD, tăng 19,6%...
Đánh giá về thành tựu ngành đạt được trong xuất khẩu đến thời điểm này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, kết quả đó đến từ các mặt hàng nông sản như: gạo, rau quả, cà phê, hạt tiêu…
Khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo tháng 11 ước đạt 700.000 tấn với 444,9 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng đạt gần 8,5 triệu tấn với 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Đây là sản lượng và giá trị lúa gạo xuất khẩu lần đầu tiên ngành nông nghiệp có được.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 46,1%. Indonesia và Malaysia là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,5% và 8,2%. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Malaysia với mức tăng 2,2 lần; thị trường có giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất là Trung Quốc với mức giảm 71,3%.
Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 11 ước đạt 500 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng đạt 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với 66,5% thị phần, đạt 4,1 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2023. Hai thị trường xuất khẩu rau quả lớn tiếp theo là Hoa Kỳ và Hàn Quốc có thị phần lần lượt là 4,7% và 4,3%.
Giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng ở 14 trong tổng số 15 thị trường xuất khẩu chính, với mức tăng mạnh nhất tại thị trường Đức với mức tăng 73,6%. Hà Lan là thị trường quan trọng duy nhất có giá trị xuất khẩu giảm với mức giảm là 26%.
Mặt hàng cà phê xuất khẩu đến nay đã đạt gần 1,2 triệu tấn với 4,84 tỷ USD; tuy giảm 15,4% về khối lượng nhưng tăng 32,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Có được điều này bởi, giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 4.037 USD/tấn, tăng 56,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Đức, Italy và Tây Ban Nha là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 11%, 8,1%, và 8%. Xuất khẩu cà phê tăng trưởng ở tất cả các thị trường trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, trong đó tăng mạnh nhất ở 2 thị trường Malaysia (tăng 2,2 lần) và Philippines (tăng 2,1 lần) và tăng thấp nhất ở thị trường Bỉ với mức tăng 8,6%.
Về thị trường xuất khẩu, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam với thị phần chiếm 48,2%. Hai thị trường lớn tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu với thị phần lần lượt là 23,7% và 11,3%. Thị phần của 2 khu vực châu Phi và châu Đại Dương nhỏ, chiếm lần lượt 1,8% và 1,4%. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam 11 sang khu vực châu Á tăng 16,1%; châu Mỹ tăng 23,6%; châu Âu tăng 30,4%; châu Phi tăng 4,4%; và châu Đại Dương tăng 13,9%.
Xét theo thị trường xuất khẩu chi tiết, Hoa Kỳ với thị phần 21,7%, Trung Quốc 21,6% và Nhật Bản 6,6% là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ tăng 24,6%, Trung Quốc tăng 11%, và Nhật Bản tăng 5,5%.
Theo TTXVN