16 cây cầu nối trọn nghĩa tình

24/02/2020 - 05:14

 - Dự kiến chiều nay (24-2), nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ đến dự lễ khánh thành 16 cây cầu thuộc Chương trình cầu nông thôn của Tạp chí Nông Thôn Việt trên địa bàn huyện Tri Tôn (An Giang). Đây không chỉ là những công trình nối nhịp bờ vui, mà còn chứa bao quyết tâm, nghĩa tình, tạo động lực thúc đẩy Tri Tôn phát triển.

Cầu nông thôn đã hoàn thành trên địa bàn xã Cô Tô

Niềm vui khôn tả

Dù nằm đối mặt ngay trung tâm xã Cô Tô (Tri Tôn) nhưng đối với hơn 200 hộ dân sống bên bờ Bắc kênh Huệ Đức, việc kết nối với Tỉnh lộ 943 là một hành trình rất gian nan. Do không có cầu bắc qua sông nên để sang bờ đi học, đi làm, mua bán, cách duy nhất là… bơi xuồng.

“Người dân có sắm được xe cũng phải gửi bên trung tâm xã bởi nếu để ở nhà, chỉ chạy lòng vòng được vài đoạn đường đê. Vào mùa mưa, việc qua sông bằng xuồng rất khó khăn, nguy hiểm” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cô Tô Nguyễn Văn Thái thông tin.

16 cây cầu thuộc Chương trình cầu nông thôn của Tạp chí Nông Thôn Việt mà nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động cho huyện Tri Tôn như món quà vô giá đối với người dân bên kia sông của xã Cô Tô nói riêng và những xã còn khó khăn khác của huyện Tri Tôn nói chung.

Nhận được sự quan tâm này, Huyện ủy, UBND huyện Tri Tôn đã nhanh chóng thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cầu nông thôn, tiến hành triển khai ngay các công việc để sớm đưa những cây cầu mong ước về với huyện.

Sáng 21-9-2019, lễ khởi công xây dựng 16 cây cầu thuộc Chương trình cầu nông thôn của Tạp chí Nông Thôn Việt được tổ chức ngay tại bờ Nam kênh Huệ Đức (thuộc ấp Sóc Triết, xã Cô Tô), vị trí đặt nền móng cho chiếc cầu nông thôn bắc qua kênh Huệ Đức, nối bờ Tỉnh lộ 943 với phía bên kia sông. Đây là công trình lớn nhất trong số 16 cây cầu được xây dựng trên địa bàn 8 xã của huyện Tri Tôn (gồm: Núi Tô, Cô Tô, Ô Lâm, An Tức, Lương An Trà, Châu Lăng, Lương Phi và Lê Trì).

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, trong số 16 cây cầu thuộc Chương trình cầu nông thôn, huyện ưu tiên 50% để kết nối tuyến đường mới cặp kênh Tri Tôn, thông tuyến đường 10km giữa Tỉnh lộ 941 (đầu cầu 13, xã Núi Tô) đến Tỉnh lộ 943 (qua cầu Huệ Đức, xã Cô Tô).

“Huyện đã vận động xây dựng được thêm 8 cây cầu cho tuyến đường này, trong đó có 2 cây cầu bắc ngang qua kênh 13 nối xã Núi Tô với Tà Đảnh. Mục đích hoàn thiện hệ thống cầu, đường khu vực này là để bật dậy vùng trũng của xã Núi Tô và một phần xã Cô Tô” - ông Cao Quang Liêm nhấn mạnh.

Chạy đua với thời gian

Việc xây dựng cùng lúc 16 cây cầu bê-tông cốt thép dự ứng lực với chiều dài từ 27-63m/cây đòi hỏi nguồn nhân lực, vật lực rất lớn. Cùng với nguồn kinh phí tài trợ, các công ty xây dựng, các đội thi công cầu từ thiện đảm nhận thi công theo phương thức từ thiện, kết hợp huy động người dân địa phương tham gia ngày công lao động, tiết giảm tối đa những chi phí không cần thiết mà vẫn đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

Trong thời gian thi công, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cùng thường trực UBND và lãnh đạo các ban, ngành huyện thường xuyên đi kiểm tra công trình. Các địa phương cũng phát huy tối đa vai trò trách nhiệm.

Nhờ quyết tâm cao độ, đến nay, tất cả 16 cây cầu đều đã xây dựng hoàn thành. Đối với xã Cô Tô, trong số 5 cây cầu được phân bổ, có 4 cây cầu mang tên Cô Tô 1, 2, 3, 4 đã giúp hoàn thiện tuyến đường mới cặp kênh Tri Tôn. Mỗi cây cầu dài 30m, kinh phí xây dựng 875 triệu đồng/cây cầu. Riêng cầu ngang kênh Huệ Đức có chiều dài đến 63m, chi phí xây dựng gần 3 tỷ đồng.

Đối với xã Núi Tô, có 3 cây cầu được xây dựng gồm: cầu Kênh 1 (dài 30m, kinh phí xây dựng 875 triệu đồng), cầu kênh Soài So (dài 32m, gần 942 triệu đồng) và cầu bắc ngang kênh 13 (dài 63m, gần 1,5 tỷ đồng).

Hầu hết các cây cầu trên địa bàn xã Cô Tô và Núi Tô đều do Ngân hàng VPBank tài trợ và Công ty TNHH MTV Quốc Thiện thi công; riêng cầu bắc qua kênh 13 do Công ty Cổ phần nhựa Tân Đại Hưng tài trợ và đội xây cầu từ thiện Nguyễn Văn Được thi công.

Đối với xã Lương An Trà, 3 cây cũng đã hoàn thành là: cầu Vĩnh Thành 3 (dài 39m, kinh phí 699 triệu đồng, do Ngân hàng VPBank tài trợ và Công ty TNHH Ngọc Thành Tân thi công); cầu H7 (dài 39m, 757 triệu đồng, do Ngân hàng VPBank, chùa Văn Thánh TP. Hồ Chí Minh, Hội từ thiện cà phê Suối Mơ tỉnh Vĩnh Long, Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang tài trợ và Công ty TNHH xây dựng Thanh Khiết thi công); nâng cấp, cải tạo cầu T6 (kinh phí 79,2 triệu đồng từ ngân sách huyện, Công ty TNHH MTV xây dựng Hòa Phát thi công).

Tại xã An Tức, có cầu H7 được xây dựng (dài 39m, 584 triệu đồng, do Ngân hàng VPBank tài trợ và Công ty TNHH Ngọc Thành Tân  thi công). Tại xã Lương Phi, cầu kênh Đòn Dong cũng đã hoàn thành với chiều dài 30m, kinh phí 701 triệu đồng, do Công ty Cổ phần Bamboo Capital tài trợ 500 triệu đồng, đội xây cầu từ thiện Nguyễn Văn Ngợi thi công. Đối với xã Lê Trì, được xây dựng cầu Kênh 24 (dài 45m, trên 755 triệu đồng); xã Ô Lâm xây dựng cầu Đòn Dong (dài 39m, trên 702 triệu đồng), đều do Công ty Prowtech International Vina tài trợ và đội xây cầu từ thiện Nguyễn Văn Năm thi công.

Trong khi đó, xã Châu Lăng đã đưa vào sử dụng cầu Châu Lăng 3 với chiều dài 36m, kinh phí trên 597 triệu đồng, do Công ty Prowtech International Vina tài trợ và đội thi công Nguyễn Văn Ngợi thi công.

Trong quá trình xây dựng 16 cây cầu thuộc Chương trình cầu nông thôn, huyện Tri Tôn đã huy động nguồn kinh phí xã hội hóa 680 triệu đồng cùng hơn 10.000 ngày công lao động trực tiếp và gián tiếp. Từ lan tỏa của chương trình, huyện đã vận động xây mới thêm 2 cây cầu bê-tông, tận dụng lại 6 cầu sắt cũ với kinh phí thực hiện gần 1,1 tỷ đồng. Cùng với đó là làm mới hơn 14km đường bê-tông, trải đá cấp phối nâng cấp để đấu nối thông trục, liên tuyến với các công trình cầu, tổng kinh phí thực hiện gần 20,4 tỷ đồng.


NGÔ CHUẨN