Mở cửa trường học sau COVID-19
Năm 2022, ngành giáo dục phải đối diện với khó khăn lớn nhất là mở cửa trường học trở lại sau 7 tháng liên tục bị đóng băng do dịch COVID-19. Khi ấy, cả học sinh và giáo viên đều mong dịch bệnh giảm nhẹ để được trở lại trường học trong trạng thái bình thường mới.
Ngày 10/1/2022, Bộ trưởng nhấn mạnh, tỷ lệ tiêm vaccine rất cao, các điều kiện về thuốc chữa được cải thiện, điều kiện phòng chống dịch và hiểu biết của người dân về phòng chống dịch được nâng cao. "Đây là lúc chúng ta cần những điều chỉnh trong việc mở cửa trường học an toàn”, Bộ trưởng Sơn nói và đề nghị các địa phương "mạnh dạn triển khai mở cửa trường học trong trạng thái bình thường mới", tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh an tâm lao động, góp phần phục hồi kinh tế và ổn định xã hội.
Học sinh đi học trở lại sau dịch COVID-19.
Hơn 40 địa phương và hàng chục trường đại học cả nước lên kế hoạch mở cửa trước dịp Tết Nguyên đán 2022. Nhờ vào sự quyết tâm của toàn ngành giáo dục và sự hướng dẫn các biện pháp mở cửa trường học của Bộ Y tế, đến ngày 30/3/2022, 63/63 địa phương mở cửa trường học trở lại trong trạng thái bình thường mới, vừa dạy học, vừa kiểm soát tốt dịch COVID-19.
Thiếu trường, thiếu giáo viên
Trường học mở cửa trở lại, ngành giáo dục tiếp tục đối diện với thách thức mới, thiếu trầm trọng cơ sở mầm non cho trẻ.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, từ tháng 5/2021 đến tháng 3/2022, cả nước có khoảng hơn 1.000 cơ sở mầm non tư thục phải đóng cửa hoặc rao bán do không đủ kinh phí duy trì hoạt động. Các cơ sở tập trung ở Hà Nội, TP.HCM và một số khu công nghiệp lớn. Do đó, sau khi mở cửa trường học trở lại hơn 1 tháng, nhiều trẻ vẫn chưa thể đến trường vì không có nơi để học.
Giải quyết khó khăn trên, Bộ GD&ĐT tham mưu cho Thủ tướng và Chính phủ ban hành Quyết định số 11, mức vốn cho vay tối đa là 80 triệu đồng cho cơ sở giáo dục mầm non tư thục và tối đa 200 triệu đồng với trường tiểu học tư thục (lãi suất 3,3%/năm)
Các chuyên gia, cơ sở đánh giá, nguồn vốn này chính là động lực để “hồi sinh” trường lớp khi bình thường mới sau dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, ngành cũng đối diện vấn đề thiếu giáo viên bậc phổ thông khi triển khai chương trình giáo dục mới ở lớp 2, 3, 6, 7 và 10. Cụ thể, bậc THCS thiếu 14.653 giáo viên và THPT thiếu 11.133 giáo viên. Các tỉnh thiếu nhiều nhất là Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Hải Dương, Hà Nam, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Bạc Liêu... Riêng giáo viên để dạy môn nghệ thuật (mỹ thuật, âm nhạc) thiếu 5.367 giáo viên.
Năm học 2022 - 2023, nhiều địa phương không triển khai được môn nghệ thuật ở lớp 10 dù học sinh lựa chọn môn học này, do không có giáo viên cơ hữu dạy.
Theo phân tích của Bộ GD&ĐT, tình trạng thiếu giáo viên bởi hai lý do chính: Không có biên chế; có biên chế nhưng không có nguồn tuyển.
Mặt khác, đây cũng là năm học đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục mới vào bậc THPT từ lớp 10. Những thuật ngữ về tổ hợp, định hướng nghề, môn tự chọn... lần đầu được nhắc đến và áp dụng khiến cả giáo viên và học sinh các trường đều bỡ ngỡ và lúng túng khi triển khai.
Trẻ mầm non trở lại trường học.
Mùa tuyển sinh đột phá
Tháng 7/2022, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 được Bộ GD&ĐT và các tỉnh thành tổ chức ổn định như các năm trước, không nhiều thay đổi. Đề thi các môn được giáo viên, chuyên gia đánh giá độ phân hoá cao hơn, đảm bảo chất lượng cho các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh đầu vào.
Với xét tuyển đại học, 2022 được coi là năm đột phá. Lần đầu tiên, hơn 940.000 thí sinh được đăng ký xét tuyển đại học sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, khi đã biết điểm. Mọi công đoạn được thực hiện hoàn toàn trực tuyến, từ việc nộp lệ phí, đăng ký hay sửa đổi nguyện vọng, xác nhận nhập học.
Đây cũng là lần đầu Bộ thực hiện lọc ảo chung trên cùng hệ thống cho hơn 200 trường đại học, áp dụng với mọi phương thức xét tuyển. Nhờ đó, tỷ lệ thí sinh ảo năm qua thấp nhất trong lịch sử, hơn 460.000 thí sinh nhập học trên tổng số gần 500.000 em trúng tuyển. Nhờ lọc ảo, mỗi thí sinh chỉ đỗ một nguyện vọng, đồng thời tạo được sự cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các trường.
Mùa tuyển sinh đại học năm 2022 cũng chứng kiến việc bùng nổ phương thức xét tuyển với hơn 20 phương thức, thay đổi rõ nét nhất của tuyển sinh đại học sau khi kỳ thi "2 trong 1" chấm dứt kể từ năm 2020. Chỉ tiêu dành cho kết quả thi tốt nghiệp THPT - vốn là phương thức chủ đạo - giảm mạnh từ 10 đến 50%. Thế nhưng do quá nhiều phương thức khiến thí sinh lúng túng, điều này đã được Bộ GD&ĐT yêu cầu khắc phục ở năm 2023.
Hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc
Tính đến tháng 11, cả nước có trên 16.000 giáo viên nghỉ việc. Lý do áp lực công việc lớn, lương quá thấp. Đây là tình trạng báo động, nhiều lần được đưa lên bàn ở nghị trường Quốc hội, các phiên họp của Chính phủ.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn xót xa chia sẻ trước Quốc hội, nhiều giáo viên mầm non đi làm 5 - 6 năm thu nhập bình quân chỉ đạt 4,5 đến 4,7 triệu đồng, gồm phụ cấp và thâm niên. Còn giáo viên mới chỉ nhận khoảng 3 triệu đồng trong 2 - 3 năm đầu.
Để giữ chân 1,6 triệu giáo viên hiện có, đồng thời thu hút thêm, Bộ GD&ĐT đã đề xuất Chính phủ tăng mức phụ cấp lên 100% với giáo viên mầm non làm việc tại xã khu vực III, thuộc các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, biên giới; còn lại hưởng 70% - gấp đôi mức 50 và 35% hiện hành. Theo đề xuất, mức phụ cấp mới sẽ được áp dụng từ 1/7/2023, cùng thời điểm tăng lương cơ sở.
Hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc.
Học phí tăng cao
Đầu năm học 2022 - 2023, các địa phương, trường đại học đồng loạt công bố phương án tăng học phí theo Nghị định 86 mới.
Điển hình TP.HCM dự kiến tăng học phí cao gấp 5 lần (từ 60.000 lên 300.000/tháng) so với năm học trước với học sinh nhóm 1 (thành thị) các quận và TP Thủ Đức. Các trường đại học cũng công bố mức trần học phí tất cả khối ngành tăng từ 300.000 đồng đến 10,2 triệu đồng/năm khối Y, Dược tăng mạnh nhất. Với trường công lập tự chủ, tùy mức độ, học phí tối đa bằng 2 - 2,5 lần mức trần trên. Với chương trình đạt chuẩn kiểm định trong và ngoài nước, các trường được tự xác định học phí.
Mức mới này vấp phải nhiều phản ứng của xã hội rằng, học phí tăng quá cao, nhiều học sinh, sinh viên khó khăn sẽ mất cơ hội tới trường.
Ngày 20/12, sau những đề xuất của Bộ GD&ĐT, Chính phủ quyết định chưa tăng học phí năm học 2022 - 2023. Các địa phương, trường đại học tiếp tục duy trì mức thu học phí bằng năm học trước 2021 - 2022.
Từ đó, nhiều tỉnh, thành quyết định cấp bù chênh lệch giữa học phí mới và cũ ở bậc phổ thông, tức số tiền thực nộp của phụ huynh như năm 2021. TP.HCM dự chi 1.541 tỷ đồng, Hà Nội 1.330 tỷ, Đà Nẵng 450 tỷ, Quảng Ninh 458 tỷ, Hải Phòng 400 tỷ.
Theo HÀ CƯỜNG (VTC News)