89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 -3-2-2019):

3 giềng mối phải giữ để Đảng luôn xứng đáng là đứa con nòi của nhân dân

02/02/2019 - 08:28

Chưa bao giờ như bây giờ, đạo lý phải được nêu cao, cổ vũ, pháp lý phải được toàn dụng, lòng dân phải được nâng niu và chăm bẵm, vun đắp vô bờ thì mới có thể nói về một Đảng văn minh, Nhà nước vững mạnh.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới đây đã đề nghị cần nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên; sàng lọc, rà soát, kiên quyết đưa ra khỏi đảng những đảng viên không còn đủ tư cách, động cơ mục đích không trong sáng - Ảnh Nhật Bắc

Không giữ đạo đức khó giữ được tư cách là người lãnh đạo, dẫn dắt dân tộc

Tròn 89 năm qua, kể từ khi ra đời, Đảng ta luôn coi trọng vấn đề xây dựng đạo đức của Đảng. Bởi đó là hạt nhân, là nền móng, là một trong những giềng mối căn bản để xây dựng đạo đức xã hội, bản lĩnh và sức mạnh Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng. Và, ngược lại.

Tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam (1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Đảng ta là đạo đức, là văn minh". Đảng ta với tư cách người lãnh đạo, dẫn dắt dân tộc thì trước hết phải là người có đạo đức. Đó là cái gốc để làm người lãnh đạo, cái gốc để lãnh đạo và cũng là cái gốc để làm người đầy tớ trung thành của nhân dân. Chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Đảng ta là “đạo đức” rồi mới đến “văn minh”. Nói như vậy để thấy ý nghĩa nền tảng và tầm vóc quan trọng của đạo đức và vấn đề đạo đức đối với Đảng ta và trực tiếp đối với mỗi con người đảng viên của Đảng.

Từ vài nhiệm kỳ gần đây, nhất là nhiệm kỳ XI, XII, Đảng ta dành nhiều tâm sức hành động để chỉnh đốn, làm trong sạch đạo đức và đời sống đạo đức trong Đảng. Đặc biệt, Đại hội XII của Đảng ra một quyết sách rất căn bản và to lớn là, xây dựng Đảng về mặt đạo đức cùng với xây dựng Đảng về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Bởi lẽ, chưa bao giờ như bây giờ, sau 32 năm đổi mới, vấn đề đạo đức đang nổi lên như một vấn đề quan thiết nhất trong toàn bộ công việc cầm quyền, để Đảng giữ vai trò là người cầm quyền, giữ vị thế là người lãnh đạo, giữ trọng trách là người dẫn dắt dân tộc phát triển cùng thế giới.

Có thể nói, tình trạng xuống cấp về đạo đức, thậm chí là sự thoái hóa, băng hoại về đạo đức ở một bộ phận đảng viên giữ trọng trách các cấp trong Đảng, trong bộ máy nhà nước… đã đến mức báo động, không thể xem thường.

Nhị Lê

Kinh nghiệm và thực tiễn nóng bỏng cho thấy, mọi sự tha hóa, thoái hóa về quyền lực thường được bắt đầu từ sự xuống cấp, băng hoại đạo đức; và ngược lại, mọi sự tha hóa, suy thoái về đạo đức nhất định dẫn tới sự thoái hóa, băng hoại về quyền lực.

Nhìn lại, có thể nói, tình trạng xuống cấp về đạo đức, thậm chí là sự thoái hóa, băng hoại về đạo đức ở một bộ phận đảng viên giữ trọng trách các cấp trong Đảng, trong bộ máy nhà nước… đã đến mức báo động, không thể xem thường.

Chính vì không giữ được lòng mình có đạo đức cho nên không ít cán bộ, đảng viên hành động và sống xa rời đạo đức, thậm chí trái đạo đức và vô đạo đức. Liêm sỉ bị coi nhẹ. Phẩm hạnh bị lãng quên. Đạo lý bị xâm hại… Thế là đẻ ra nạn tham nhũng, quan liêu, làm nảy nòi lợi ích nhóm, hình thành càng nhóm lợi ích, tệ chạy chức, chạy quyền lan rộng, sự thờ ơ trước nỗi đau của dân tộc, thậm chí không ít người ngoảnh mặt trước nỗi đau của nhân dân. Đó là không có liêm sỉ. Mà không có liêm sỉ thì dứt khoát không thể thành người được, nói như cổ nhân.

Cần nhấn mạnh rằng, tham nhũng hay nói cách khác là nạn ăn cắp, đó chính là sự phi đạo đức khủng khiếp. Bé thì ăn cắp vặt, to thì đục khoét quốc khố; táng tận lương tâm hơn thì “đạo danh”, “đạo vị”, tức ăn cắp chức vụ, ăn cắp “ghế ngồi”, danh vị; nhưng nguy hiểm nhất là “đạo tâm” - ăn cắp lòng tin.

Trong một đảng mà các đảng viên sống và hành động với nhau không có đạo đức thì sớm muộn tất cả những người đó sẽ không có chỗ đứng trong Đảng, trong Nhân dân nữa. Một tổ chức Đảng bị chi phối bởi những người không có đạo đức hoặc đạo đức kém thì không thể nói tổ chức Đảng đó vững mạnh được, nếu không muốn nói là nguy cơ hủ bại, tan vỡ của tổ chức sẽ cận kề.

Nói rộng ra toàn Đảng cũng như vậy; không có đạo đức, dân không tin Đảng nữa; sống không thủy chung, nhân ái, chan hòa tức là không có đạo đức, bầu bạn quốc tế cũng không tin cậy nữa.

Nói như vậy để thấy được sự cấp bách của việc gìn giữ và phát triển đạo đức trước hết từ và ở trong Đảng và rộng ra trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nói như vậy để thấy được rằng, không sửa và xây đạo đức thì nguy cơ Đảng của chúng ta không cầm quyền được nữa, nhưng quan trọng và đáng sợ nhất là Đảng sẽ không xứng đáng là đứa con nòi của nhân dân được nữa.

Đảng cương, Quốc pháp, Dân quyền

Kinh nghiệm thực tiễn đã chứng tỏ rằng, sẽ không thể sửa chữa được những lỗi lầm cũ của chúng ta hiện nay, nếu chỉ bằng những tư duy đã đẻ ra những thứ bệnh hoạn đạo đức ấy. Có rất nhiều việc lớn phải làm một cách chiến lược, đồng bộ và kiên quyết, nhưng ở đây, cấp bách phải bắt đầu từ thể chế và bằng thể chế.

Thể chế ở đây có 3 vấn đề quan trọng, có tính giềng mối và chỉnh thể: Đảng cương, Quốc pháp và Dân quyền.

Thứ nhất, về đảng cương, tức là giềng mối thể chế trong Đảng. Từ điều lệ cho đến các quyết sách chính trị khác của Đảng như các nghị quyết, các quy định trong Đảng phải cấp bách được sửa đổi, chỉnh đốn một cách dân chủ và thực thi một cách nghiêm khắc với kỷ luật công bằng và nghiêm minh. Tức là không sa vào đạo lý chung chung, không hô hào, cổ động suông.

Đảng cương, quốc pháp, dân quyền là 3 vấn đề có tính giềng mối để xây dựng và phát triển đạo đức trong Đảng - Ảnh Nhật Bắc

Qua thực tiễn cho thấy, đạo đức trên nhiều phương diện do việc thực thi kỷ luật tạo ra. Cho nên muốn chỉnh đốn về đạo đức không thể không chỉnh đốn các thể chế trong Đảng, tức là kỷ luật Đảng. Bất kỳ một biểu hiện nào phi đạo đức đều phải bị xử lý. Dối trá, không trung thực, không trong sáng, đi ngược lại các quyết định của Đảng đều phải xử lý nghiêm khắc dù đó là ai. Chưa kể tới tham nhũng mà nói đúng ra là tệ ăn cắp, phải bị trừng trị nghiêm khắc. Phải dùng tới kỷ luật một cách dân chủ và tự giác. Nói gọn trong 2 chữ kỷ cương của Đảng.

Để làm tốt điều đó, Đảng phải tiếp tục làm rất nhiều việc, nhưng ở đây, nói gọn về phương thức cầm quyền, đạo đức phải là giá trị hành động và kiểm soát chặt chẽ trên 5 phương diện, dù là cá nhân hay tổ chức đảng. Tôi gọi là: Năm cầm.

Một là cầm thời, nhìn thời thế để ra quyết sách đúng. Hai là cầm đạo, giữ lấy con đường, con đường được lựa chọn, rõ ràng, minh bạch, phù hợp với điều kiện quốc tế, phù hợp với sự phát triển của dân tộc. Ba là cầm cương, phải đảm bảo toàn bộ thể chế trong Đảng để bảo đảm tổ chức và vận hành xứng đáng là một tổ chức chính trị, dẫn dắt xã hội, kỷ cương trong Đảng phải được bảo vệ vô điều kiện.

Bốn là cầm tướng, là nắm lấy đội ngũ cốt cán trong Đảng phải thực sự là tiêu biểu toàn diện để thực hiện việc cầm đạo. 610 cán bộ chiến lược, trong đó gần 200 ủy viên T.Ư Đảng phải trở thành đội ngũ tinh hoa bậc nhất. Cuối cùng, Đảng phải cầm tâm, phải giữ được lòng tin, sự ủng hộ của nhân dân.

Thứ hai, nói về quốc pháp. Đảng cương chính là linh hồn của quốc pháp. Nói cách khác, hệ thống pháp luật của nhà nước chính là sự khế ước hóa đường lối chính trị của Đảng, nói rộng ra là Đảng cương.

Nền móng dân quyền đó có được củng cố, có được bảo vệ thì Quốc pháp mới vững, Đảng cương mới bền, đạo đức trong Đảng nói riêng, trong xã hội nói chung, mới có thể được giữ vững, mới có thể được phát triển, Đảng ta mới ngày càng xứng đáng là đứa con nòi của nhân dân, Nhà nước ta mới thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Nhị Lê

Truyền thống xã hội, văn hóa làm nên đạo đức nhưng nhà nước pháp quyền cũng góp phần tạo nên đạo đức và làm phong phú đạo đức. Pháp luật góp phần kiến tạo đạo đức và bảo vệ đạo đức. Thượng tôn pháp luật là nền tảng, động lực, khuôn khổ để xây dựng đạo đức. Và, không gì đạo đức hơn là tuân thủ pháp luật. Không có sự vận hành của pháp luật thì không nói chuyện gì đến việc nâng niu, phát triển ngay những giá trị đạo đức truyền thống, chưa nói tới xây dựng và hành xử đạo đức mới. Tôi cho đây là vấn đề gắn chặt Đảng cương với Quốc pháp trong một thể thống nhất.

Đảng viên vừa là đảng viên của Đảng đồng thời là công dân thì chấp hành vô điều kiện pháp luật của nhà nước. Đó là điều hợp lý và chính là pháp lý. Đảng là tổ chức chính trị, phải lấy pháp luật là thượng tôn. Mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng thực sự phải là một tấm gương thực thi và tuân thủ vô điều kiện pháp luật.

Chính vì thế Quy định số 08 mà Hội nghị T.Ư 8 khóa XII vừa xác quyết đặt vấn đề rất rõ ràng, minh bạch về Đảng cương cũng đồng thời chính là Quốc pháp. Pháp luật không có vùng cấm với bất kỳ ai. Cũng như kỷ luật của Đảng không có vùng cấm với bất kỳ đảng viên nào. Bình đẳng là tiêu chí trước hết và tiêu chí cuối cùng của Đảng cương và Quốc pháp. Không có sự bình đẳng thì không nói chuyện về bất kỳ điều gì về dân chủ hay văn minh, chứ chưa nói tới vấn đề đạo đức, rộng hơn là văn hóa.

Thứ ba, về dân quyền. Đảng với tư cách là đứa con nòi của Nhân dân nên quyền của Nhân dân đối với Đảng, pháp luật phải hiến định, Đảng cương phải thể hiện và thực thi trong Đảng. Trực tiếp vấn đề đạo đức là, Nhân dân có quyền tham gia xây dựng Đảng, trực tiếp là giám sát, cảnh giới cán bộ, đảng viên của Đảng. Đó không chỉ là vấn đề pháp lý mà sâu hơn về văn hóa là đạo lý của Đảng và Nhà nước ta đối với Nhân dân.

Vẫn còn đầy rẫy nhưng chuyện rất buồn lòng về lĩnh vực này. Tiếng nói của dân có được các tổ chức Đảng lắng nghe không? Nghiêm túc tiếp thu không, trả lời và nghiêm chính thực hiện không? Ngay tiếp thu thôi, liệu có lắng nghe, chân thành hay thờ ơ, nghểnh ngãng cho phải phép? Không gì tệ hại hơn những kẻ giả điếc vì gian dối không muốn nghe!

Cho nên, tôi cho dân quyền là một trong những điểm căn bản và là trọng sự của Đảng cương và Quốc pháp. Không được lòng dân thì không có gì cả. Đất nước này, dù sông phía Bắc, dù biển phía Đông, nếu không dân cũng là không có gì. Cổ nhân cũng đã nói nhiều lần: Dân là dân nước, nước là nước dân, Phúc chu thủy tín dân do thủy (Làm lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước). Khi lòng dân nổi giận thì ấy chính là lòng giời nổi giận vậy.

Cho nên quyền của nhân dân, tối thiểu những quyền ấy, phải được Hiến định toàn vẹn, phải được Đảng và Nhà nước bảo vệ vô điều kiện. Đó là thước đo Tự do của Nhân dân trong quốc gia Việt Nam Độc lập!

Nền móng dân quyền đó có được củng cố như thế, có được bảo vệ như thế thì Quốc pháp mới vững, Đảng cương mới bền, đạo đức trong Đảng nói riêng, trong xã hội nói chung, mới có thể được giữ vững, mới có thể được phát triển, Đảng ta mới ngày càng xứng đáng là đứa con nòi của nhân dân, Nhà nước ta mới thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Nói khái lược, hơn hết bao giờ, hiện nay đạo lý phải được nêu cao, đạo đức phải được cổ vũ, pháp lý phải được toàn dụng và bảo vệ vô điều kiện, lòng dân phải được nâng niu và chăm bẵm, vun đắp vô bờ thì lúc bấy giờ mới có thể nói về một Đảng là văn minh, trí tuệ, danh dự xuất thân là đứa con nòi của dân tộc; mới nói về một nhà nước vững mạnh, dân chủ, liêm chính từ Nhân dân; mới nói về một xã hội Việt Nam đạo đức; mới nói về thế nước mới; mới nói về sự trường tồn của dân tộc; mới nói về mục tiêu văn hóa – chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị, tức chủ nghĩa xã hội - như K.Marx nói, mà chúng ta kiên định xây dựng và phát triển tất yếu suốt gần một thế kỷ qua, dưới ngọn cờ của Đảng ta mà không gì thay đổi được, không lực lượng nào phá vỡ được.

Đó là con đường phát triển của dân tộc, là bản sắc, là danh dự, là trí tuệ và là sức mạnh Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện hữu, đặng không hổ thẹn với các bậc tiên hiền, ngang tầm thời đại của chúng ta.

Theo NHỊ LÊ (Thanh Niên)