30.000 giáo viên tư thục được hỗ trợ gói 62.000 tỉ đồng

19/07/2020 - 09:14

Với việc mở rộng đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng, dự kiến có 30.000 giáo viên tư thục được hỗ trợ gói 62.000 tỉ đồng với mức 1,8 triệu đồng/tháng

Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), cho biết Bộ LĐ-TB-XH đang lấy ý kiến các bộ - ngành để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 42 của Chính phủ và dự thảo Quyết định Sửa đổi, bổ sung Quyết định 15 của Thủ tướng về các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Việc sửa đổi chính sách này được triển khai trên cơ sở đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH về giảm điều kiện vay vốn cho doanh nghiệp (DN) để trả lương, mở rộng đối tượng hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ đồng, trong đó có đối tượng giáo viên tư thục, được Thủ tướng đồng ý tại cuộc họp Chính phủ vào ngày 15-7.

Theo đó, đối với việc sửa đổi Nghị quyết 42, tại khoản 1 mục II, bổ sung cụm từ "cơ sở giáo dục dân lập, tư thục" sau cụm từ "DN" để có thể mở rộng đối tượng thụ hưởng tới các chủ thể khác ngoài DN.

Chi trả tiền hỗ trợ cho người có công trong dịch Covid-19 tại TP Hà Nội

Còn tại khoản 2 mục II, đề nghị bỏ nội dung cụm từ "Có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động (NLĐ) theo khoản 3 điều 98 Bộ Luật Lao động". Đáng chú ý là tại khoản này còn sửa cụm từ "Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6-2020" thành "trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12-2020", để tiếp tục hỗ trợ cho người sử dụng lao động đến hết năm 2020 bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, các quy định hiện hành làm phát sinh thủ tục trong quá trình giải ngân của ngân hàng, chưa tạo thuận lợi cho DN trong việc linh hoạt các nguồn kinh phí để trả lương ngừng việc cho NLĐ nên phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn.

Đối với Quyết định 15, nhiều điều khoản sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo điều kiện để DN, NLĐ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ. Theo đó, tại khoản 1 điều 13 sửa đổi, bổ sung như sau: "NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 1-4-2020 đến hết ngày 31-12-2020"; bãi bỏ quy định "đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho NLĐ, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho NLĐ ngừng việc".

Bên cạnh đó là giãn thời hạn giải ngân quy định tại khoản 2 điều 15. Cụ thể, sửa đổi: "Việc giải ngân của Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện đến hết ngày 31-1-2021", thay vì chỉ đến ngày 31-7-2020 như trước đây.

Liên quan đến đối tượng được điều chỉnh theo dự thảo sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết 42 và Quyết định 15 là giáo viên tư thục, ông Lê Quân thông tin ngay sau khi có sự chấp thuận của Thủ tướng tại cuộc họp Chính phủ như nói trên, Bộ LĐ-TB-XH đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề nghị cung cấp số liệu giáo viên cần hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dựa trên kết quả khảo sát ban đầu, Bộ LĐ-TB-XH ước tính sẽ có khoảng 30.000 giáo viên tư thục bị ảnh hưởng việc làm thuộc đối tượng được mở rộng hỗ trợ, trong đó chủ yếu là giáo viên mầm non.

Với đối tượng này, mức hỗ trợ đề xuất là 1,8 triệu đồng/người/tháng; tùy mức độ ảnh hưởng, có thể được hỗ trợ từ 1 - 3 tháng. 

Mới giải ngân trên 11.593 tỉ đồng

Tính đến ngày 13-7, các địa phương đã phê duyệt danh sách gần 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí trên 17.500 tỉ đồng. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Việt Nam, đến nay đã giải ngân 11.593 tỉ đồng để thực hiện hỗ trợ cho trên 11,53 triệu người là người có công, hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội; gần 300.000 lao động và gần 9.500 hộ kinh doanh.

 

Theo VĂN DUẨN (Người lao động)