325 năm Biên Hòa - Đồng Nai: Giá trị di sản hang động núi lửa Tân Phú - Định Quán

11/11/2023 - 18:16

Giá trị di sản của hang động gắn liền với các giá trị di sản địa chất và di sản phi địa chất (gồm di sản văn hóa và đa dạng sinh học) trong hang. Nhiều hang động ở Việt Nam cũng như trên thế giới đã được công nhận giá trị cảnh quan nổi bật toàn cầu, hoặc từng là nơi cư trú của người tiền sử, căn cứ địa của cách mạng chống giặc ngoại xâm...

Sơ đồ phân bố hang động núi lửa ở Tân Phú - Định Quán, tỉnh Đồng Nai

Hang động luôn là điểm nhấn quan trọng trong các bộ hồ sơ khoa học trình UNESCO thẩm định và công nhận các danh hiệu về di sản như: Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh có hang Sửng Sốt, hang Luồn, động Mê Cung, động Tiên Ông…; di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình có hang Sơn Đoòng, động Thiên Đường, động Phong Nha…; quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình có hang Bụt, hang Bói, động Thủy Cung, động Thiên Hà…; Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang có hang Nà Luông, hang Lũng Khúy, động Én…; Công viên địa chất toàn cầu Non Nước, tỉnh Cao Bằng có hang Dơi, hang Ngườm Bốc, hang Ngườm Slưa… Cũng như hang động đá vôi, hang động núi lửa là tài nguyên di sản có giá trị rất lớn về khoa học, giáo dục và thực tiễn, đóng vai trò quyết định về mặt khoa học làm nên danh hiệu công viên địa chất toàn cầu. Đó cũng là điểm nhấn đặc biệt cho công viên địa chất Đắk Nông và khu vực Tân Phú, Định Quán (tỉnh Đồng Nai) để khai thác du lịch, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Theo nguồn gốc thành tạo, hang động trong đá basalt được chia thành 2 loại: hang thứ sinh và hang nguyên sinh. Hang thứ sinh trong đá basalt ở Việt Nam chủ yếu là các hang có dạng hàm ếch (được hình thành do bào mòn, xâm thực) thường xuất hiện trong các thác nước như: Đray Sap, Đray Nur, Liêng Nung, Trinh Nữ, Thác 50 ở Tây nguyên; thứ yếu là hang mái che (được hình thành do các khối tảng đá basalt đổ lở/trôi trượt, xếp chồng lên nhau ở các địa hình có khe rãnh với vách/rãnh có độ dốc lớn), điển hình có hang Thoát Y ở Vườn quốc gia Cát Tiên; giá trị cảnh quan của hang được gắn liền với giá trị của thác nước, của quy mô vách kiến tạo. Hang động nguyên sinh là hang được thành tạo đồng thời với quá trình hình thành đá basalt, tiêu biểu có hệ thống hang động núi lửa ở khu vực các huyện Tân Phú và Định Quán (tỉnh Đồng Nai) và Krông Nô (tỉnh Đắk Nông).

Để hang động núi lửa chính thức mở cửa đón khách cần phải nghiên cứu xử lý độ an toàn hang động đối với di sản trong hang và với khách tham quan, tính toán được ngưỡng chịu tải của di sản hang động khi khai thác du lịch và đầu tư nguồn lực thỏa đáng để nghiên cứu loại hình di sản đặc biệt này.

Hang động núi lửa ở Đồng Nai được nghiên cứu từ những năm 1990, trong đó có nhà sinh vật học Louis Deharveng trong chuyến khảo sát hợp tác nghiên cứu giữa Viện Sinh học nhiệt đới và Bảo tàng Thiên nhiên Paris năm 1995: “Khoảng kỷ Đệ tứ, các hang động này được hình thành khi dòng dung nham chảy từ rất nhiều núi lửa hình nón nhỏ ở các huyện Tân Phú và Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Quá trình này tạo ra các đoạn hang động hình ống điển hình gần bề mặt, mà chỉ được biết đến khi miệng hang sụp đổ”. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát tổng cộng 11 ống/hang dung nham với tổng chiều dài 1,8 km cho tất cả các hang. Hang động dài nhất ở đây là “Hang dơi Km 122” dài 549m.

Một đoạn hang hình ống ở hang động núi lửa Định Quán

Tháng 2-2013, các nhà khảo sát Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam và Hội Hang động Berlin Cộng hòa Liên bang Đức đã tiến hành khảo sát sơ bộ sinh vật trong hang và đo đạc một số hang tại khu vực Tân Phú - Định Quán, dọc theo quốc lộ 20. Kết quả cho thấy sinh vật trong hang có biểu hiện khá phong phú. Dơi là loài hiện diện khá nhiều với quần thể lên đến hàng ngàn cá thể trong một số hang động. Nhiều loài động vật khác thuộc các nhóm nhện, rết, bọ cạp, dế hang, ruồi, động vật có vú giống như chồn… đã được ghi nhận. Ngoài ra còn có nhiều loài khác nhau của nhóm ếch nhái ở các hang động ẩm ướt và chứa nước. Năm 2016, Phân viện Khoa học địa chất và khoáng sản đã tiến hành đo vẽ bổ sung các hang trong khuôn khổ dự án Điều tra di sản địa chất Đồng Nai. Năm 2017, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và Viện Khoa học xã hội vùng Tây nguyên đã khảo sát hang động ở Tân Phú và phát hiện chiếc rìu đá có vai (mài toàn thân) gần cửa của một Hang Dơi. Tháng 10-2020, Bảo tàng Đồng Nai điều tra khảo cổ học hệ thống hang dung nham bazan (hang dơi) trên địa bàn các huyện Tân Phú và Định Quán (tỉnh Đồng Nai), thống nhất đánh số hang theo dãy số tự nhiên. Kết quả khảo sát sơ bộ chưa phát hiện được những tàn tích văn hóa vật chất thời tiền sử. Đến nay, hệ thống hang động núi lửa Tân Phú - Đồng Nai vẫn chưa có các nghiên cứu chuyên môn sâu/chi tiết, liên ngành về di sản (di sản địa chất, đa dạng sinh học, di sản văn hóa) và bảo tồn di sản trong hang.

Khảo sát di sản văn hóa tiền sử trong lòng hang động núi lửa Tân Phú

Những kết quả nghiên cứu về hang động núi lửa ở Công viên địa chất Đắk Nông đã chỉ ra những giá trị nổi bật toàn cầu, rất có giá trị khoa học và thực tiễn, đặc biệt là khai thác du lịch phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đến nay hang động vẫn chưa mở cửa đón khách vào hang và ở hai huyện Tân Phú, Định Quán (tỉnh Đồng Nai) loại hình di sản hỗn hợp, độc đáo rất có giá trị khoa học và thực tiễn này đang rất cần được tiếp tục điều tra, nghiên cứu tổng thể, liên ngành và chuyên ngành để làm sáng tỏ những giá trị khoa học phục vụ công cuộc bảo tồn và khai thác các giá trị di sản để phát triển du lịch bền vững.

Hang động núi lửa được hình thành theo cơ chế tụ khí và co rút thể tích, quá trình đông cứng dòng dung nham tạo hang động được xảy ra trong trạng thái động, vì thế hang có kết cấu yếu, bị nứt nẻ nhiều và rất dễ sập trần, gây mất an toàn cho di sản và người vào hang.

Theo Báo Đồng Nai