Bài công bố trên tạp chí khoa học Science Immunology cho biết những sinh vật kỳ lạ được tìm thấy ở độ sâu 4.000 mét dưới bề mặt Thái Bình Dương có thể "thổi bay" một trong những giả thuyết lâu đời nhất của ngành miễn dịch học.
Theo Science Alert, trước đây ngành miễn dịch học có một nguyên lý cổ điển cho rằng hệ thống miễn dịch của con người đã phát triển đủ để cảm nhận được từng vi khuẩn đơn lẻ, không cần quan tâm đến cái gì đó có phải mối đe dọa hay không, chỉ đơn giản loại bỏ tất cả, dù khả năng loại bỏ đó có thể mạnh hay yếu: có bệnh tự khỏi, có bệnh thì cần sự hỗ trợ của y học để chữa khỏi.
Tàu nghiên cứu đang đi qua vùng biển gần đảo Phoenix - Ảnh: Viện Hải dương Schmidt
Nhà miễn dịch học Jonathan Kagan từ Bệnh viện Nhi Đồng Boston (Mỹ) cho biết không ai kiểm tra giả thuyết đó cho đến nay, mà chấp nhận nó như một nguyên lý cơ bản. Tuy nhiên những sinh vật dị thường họ tìm được ở nơi sâu thẳm gần quần đảo Phoenix, cách 2.655 km từ Hawaii, đã chứng minh điều ngược lại.
Theo Sputnik News, các nhà khoa học đã tìm kiếm một hệ sinh thái hoàn toàn biệt lập, không có khả năng tiếp xúc trước đó với hệ thống miễn dịch của động vật có vú. "Đó không chỉ là đại dương sâu, mà còn là phần sâu, cổ đại, xa xôi và được bảo vệ kỹ càng nhất của đại dương" – tiến sĩ Randi Rotjan, nhà sinh thái biển từ Đại học Boston (Mỹ), đồng tác giả, cho biết.
Tàu ngầm điều khiển từ xa đã thu về nhiều mẫu vi khuẩn biển từ các mẫu nước, bọt biển, sao biển và trầm tích, rồi phát triển thành 117 loài có thể nuôi cấy. 50 loài được chọn ra để đưa vào tế bào miễn dịch của chuột và người. 80% trong số đó, tức khoảng 40 loài, hoàn toàn "vô hình" trước hệ miễn dịch của con người và chuột: không những chúng ta không thể nhìn thấy chúng, mà nếu chúng tấn công ta, không một thứ gì trên cơ thể có thể nhận biết.
Theo các nhà khoa học, có 2 lý do có thể đưa đến sự "vô hình" này: một là chúng không tiến hóa để trốn tránh hệ thống miễn dịch của con người; thứ 2 là vì nhiệt độ, áp suất, môi trường hóa học nơi cơ thể con người quá khác biệt với hệ sinh thái của chúng.
Theo THU ANH (Người lao động)