5 nhóm chính sách trong kế hoạch phục hồi kinh tế

03/12/2021 - 16:58

Kinh tế Việt nam có thể đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2022 và cao hơn trong năm 2023 nếu các chính sách phục hồi kinh tế-xã hội sớm được thực hiện. Quốc hội sẽ họp bất thường để xem xét quyết định gói chính sách tài khóa và tiền tệ đối với chương trình phục hồi kinh tế.


Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11 tăng 42,4% so tháng trước do nước ta bắt đầu thực hiện lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. (Ảnh: Ngọc Hằng)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã hoàn thành dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2023, trình Chính phủ. Nội dung của Chương trình phục hồi kinh tế gồm 5 nhóm chính sách liên quan đến lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và cải cách hành chính.

Huy động mọi nguồn lực

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, nhóm chính sách đầu tiên của chương trình phục hồi kinh tế trong 2 năm tới là về phòng, chống dịch bệnh và y tế với nội dung thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Nhóm chính sách này được đặt ra trong cả tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn. Về ngắn hạn, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện loạt giải pháp về tiêm chủng vaccine, xét nghiệm, điều trị với nguồn lực được thiết kế trong chính sách về tài khoá, tiền tệ.

Về dài hạn, Chính phủ sẽ tập trung nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở. Theo đó, mạng lưới y tế cơ sở sẽ hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực phát hiện người nhiễm bệnh và ứng xử ban đầu với bệnh nhân. Các cơ sở y tế tuyến trên sẽ tập trung điều trị các bệnh nhân nặng để giảm tối đa số tử vong do Covid-19.

Nhóm chính sách an sinh xã hội mở rộng đến đội ngũ lao động với các giải pháp tạo điều kiện về chỗ ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế để thu hút người lao động trở lại làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Trong đó có vấn đề tài chính cho cả doanh nghiệp đầu tư xây dựng quỹ nhà thu nhập thấp và người công nhân có nhu cầu thuê, mua nhà. Đồng thời có giải pháp tiền tệ cho vay ưu đãi tập trung cho học sinh, sinh viên cơ sở giáo dục mầm non đại học bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong chương trình phục hồi kinh tế 2 năm tới sẽ tập trung vào các giải pháp tài khoá như giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí. Ngoài ra, các chính chính sách tiền tệ như cho vay ưu đãi thông qua công cụ hỗ trợ lãi suất cũng được triển khai để có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Đối với kích thích đầu tư công, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh đây là chính sách kép, vừa kích thích chi tiêu đầu tư công để kích thích tăng trưởng trong ngắn hạn, vừa có tác động hỗ trợ tăng trưởng cho cả giai đoạn 2026-2030 thông qua việc tập trung phát triển các dự án hạ tầng trọng điểm của đất nước như dự án xây dựng đường bộ cao tốc bắc-nam giai đoạn 2, các dự án liên quan đến thích ứng về biến đổi khí hậu, tập trung ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Cuối cùng, nhóm giải pháp không tốn nhiều nguồn lực để triển khai nhưng đem lại tác dụng lớn cho phục hồi và phát triển kinh tế là công tác quản lý, điều hành bảo đảm bảo các cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định và kiểm soát rủi ro. Trong đó có nội hàm cải cách thủ tục hành chính cần phải thúc đẩy triển khai mạnh mẽ, hiệu quả hơn.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, thiết kế chương trình phục hồi kinh tế có thời gian đủ dài và quy mô đủ lớn để lấy lại đà tăng trưởng cho nền kinh tế từ năm 2022. Nguồn lực của chương trình chủ yếu tập trung vào công cụ tài khóa và tiền tệ, kết hợp với các công cụ khác như huy động các quỹ ngoài ngân sách, quỹ của doanh nghiệp và huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân…

Cần thể chế vượt trội

Dự kiến trong tháng 12-2022 hoặc tháng 1-2023, Quốc hội sẽ họp bất thường để xem xét quyết định một số vấn đề cấp bách liên quan đến quốc kế dân sinh. Trong đó có gói chính sách tài khóa và tiền tệ đối với chương trình phục hồi kinh tế.

Nếu các chính sách phục hồi kinh tế sớm được thực hiện, nền kinh tế Việt nam có thể đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2022 và cao hơn trong năm 2023.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, nền kinh tế đang ở trong giai đoạn đặc biệt khó khăn vì tác động của đại dịch Covid-19.

Do đó, thiết kế chương trình phục hồi kinh tế phải rất cụ thể cho từng nhóm giải pháp, đặc biệt là bảo đảm tính khả thi để đem lại hiệu quả cao. Yêu cầu của chính sách gói gọn trong 3 chữ: đột phá, quyết liệt và tốc độ.

Tình thế đòi hỏi phải có sự đột phá về tư duy, thể chế để đưa ra những quyết định chưa từng có tiền lệ nhưng đáp ứng được yêu cầu của thực tế cuộc sống. Khi đã thống nhất về mục tiêu chính sách, cần quyết liệt thực hiện và thực hiện nhanh để không bỏ lỡ cơ hội. Nếu không bảo đảm các tiêu chí này, chi phí cơ hội mất sẽ ở mức không thể tính toán được.

“Rủi ro phía trước còn rất nhiều nhưng cơ hội phục hồi của Việt Nam khá tích cực vì nhiều lý do: Thế giới đang có nhiều sự quan tâm đến Việt Nam, nhất là các đối tác lớn. Về mặt kinh tế, thị trường Việt Nam có quy mô thị trường nội địa lớn 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh. Đồng thời Việt Nam là cửa ngõ của khu vực và lợi thế về múi giờ để hấp dẫn dòng đầu tư tài chính. Vì vậy, các chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các đối tác nước ngoài gần đây đều thu hút được nhiều cam kết đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, tận dụng sự dịch chuyển chuỗi công nghệ... Nhưng nhà đầu tư sẽ không chờ đến 3 năm theo thủ tục của chúng ta để hiện thực hoá các cơ hội đó”, Tiến sĩ Võ Trí Thành nói.

Theo TÔ HÀ (Nhân dân)