55 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: Bước ngoặt quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

31/01/2023 - 16:06

Đêm 30 rạng ngày 31/1/1968, quân và dân miền Nam đồng loạt tiến công và nổi dậy tại các thành phố, thị xã, nhất là tại các hang ổ của địch ở Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã tạo bước ngoặt chiến lược, có ý nghĩa quyết định trong toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc: làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, bước vào hội nghị đàm phán hòa bình 4 bên tại Paris, mở ra điều kiện và thời cơ cho những đòn tấn công tiếp theo mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

Chú thích ảnh

Nét đặc sắc của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân là Đảng ta chọn thời điểm mở cuộc Tổng tiến công vào dịp Tết Nguyên đán - đúng vào đêm Giao thừa, bởi đây là lúc địch dễ sơ hở, chủ quan, giúp quân ta thuận lợi khi đánh chiếm các mục tiêu. Trong ảnh: Quân Giải phóng tiến công tiêu diệt địch tại Sài Gòn, đêm 30, rạng ngày 31/1/1968 (đêm 1, rạng ngày 2 Tết). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chú thích ảnh

Đêm 30, rạng 31/1/1968 (đêm mùng 1, rạng 2 Tết), 12 chiến sĩ Đội biệt động số 3 đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn. Địch dùng cả xe tăng, bộ binh, máy bay đánh giải tỏa liên tục. Đội biệt động đã chiến đấu quả cảm, đến 6h ngày 31/1, 10 người hy sinh, 2 chiến sĩ biệt động cuối cùng buộc phải dùng bộc phá đánh hỏng các thiết bị phát thanh của địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chú thích ảnh

Sau đợt 1 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, ngày 31/3/1968, Mỹ phải đơn phương tuyên bố hạn chế ném bom phá hoại miền Bắc và chính thức gợi ý về một giải pháp ngoại giao, đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH). Ngày 13/5/1968, phiên họp đầu tiên của cuộc nói chuyện chính thức giữa VNDCCH và Mỹ ở cấp Bộ trưởng đã khai mạc tại Paris (ảnh), mở đầu cuộc đàm phán lịch sử kéo dài hơn 4 năm. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chú thích ảnh

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân đã gây sốc lớn cho mọi giới trên nước Mỹ và thúc đẩy nhiều người đứng lên chống chiến tranh. Nhiều cuộc biểu tình xảy ra liên tiếp ở nhiều bang đòi chính phủ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN phát

Chú thích ảnh

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cho thấy ý chí quyết tâm chống xâm lược của nhân dân Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết trong chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chú thích ảnh

Sau khi rút kinh nghiệm đợt tấn công lần 1, Bộ Chính trị quyết định mở tiếp các đợt tấn công vào tháng 5 (đợt 2) và tháng 8 (đợt 3) năm 1968 với hướng chính vẫn nhằm vào khu vực đô thị. Trong ảnh: Quân Giải phóng tập kích sân bay Tân Sơn Nhất trong đợt 2, đêm 6/5/1968. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chú thích ảnh

Trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, hàng vạn người đã ngã xuống. Những hy sinh, tổn thất vô giá ấy đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử trong chiến tranh, giúp cho ngày chiến thắng đến gần hơn với người dân Việt Nam. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Chú thích ảnh

Trong những trận đánh của chiến dịch Xuân Mậu Thân, hàng vạn người đã ngã xuống, sự hy sinh ấy là vô giá để sự kiện Mậu Thân tạo ra một bước ngoặt trong chiến tranh, đặt Mỹ vào thế bị động trên con đường dần rút lui khỏi cuộc chiến và phải xuống thang chấp nhận ngồi vào đàm phán, hạn chế ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Trong ảnh: Lễ truy điệu các liệt sĩ VNTTX và TTXGP hy sinh. Trong chiến dịch lịch sử này, gần 40 cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật của VNTTX và TTXGP đã ngã xuống. Ảnh: Tư liệu TTXGP

Chú thích ảnh

Lực lượng biệt động Sài Gòn lập nên nhiều chiến công xuất sắc, tuy nhiên, hy sinh cũng hết sức to lớn. Trong ảnh: Bức ảnh của phóng viên Hãng AP (Mỹ) Eddie Adams chụp khoảnh khắc tướng ngụy Nguyễn Ngọc Loan thản nhiên giơ súng hành quyết chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Lem trên đường phố Sài Gòn ngày 1/2/1968. Bức ảnh đoạt giải Pulitzer này ghi lại sự tàn khốc của chiến tranh Việt Nam mà Mỹ ngụy đã gây ra. Ảnh: Eddie Adams (AP)/TTXVN phát

Chú thích ảnh

Trận Mậu Thân 1968 đã tạo hiệu ứng mang tính chiến lược, làm thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Trong ảnh: Quân Giải phóng tiến vào quận lỵ Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chú thích ảnh

Bức ảnh “Cầu người” của phóng viên TTXVN Phạm Văn Thính ghi lại sinh động hình ảnh những thanh niên xung phong ngâm mình dưới nước làm trụ để đỡ các tấm ván, tạo thành chiếc cầu để chuyển thương binh qua suối Nhum, thuộc Chiến khu D, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: Phạm Văn Thính/TTXVN

Chú thích ảnh

Từ tháng 3/1968, đợt 1 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân về cơ bản kết thúc. Trong gần 2 tháng, quân và dân miền Nam đã tiến công vào 4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ. Trong ảnh: Khói bốc lên trên bầu trời Sài Gòn trong đợt 1 cuộc Tổng tiến công, rạng sáng 8/2/1968. Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN phát

Chú thích ảnh

Chiến sĩ thông tin quân Giải phóng mặt trận Trị Thiên-Huế chuyển mệnh lệnh chiến đấu (1968). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chú thích ảnh

Cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường suốt 26 ngày đêm của quân và dân TP Huế là một trong những trọng điểm nổi bật của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong ảnh: Nữ du kích canh gác bên dòng sông Ô Lâu, Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chú thích ảnh

Đêm 29, rạng ngày 30/1/1968, quân, dân các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung và Tây Nguyên đồng loạt tiến công vào các thành phố, thị xã, thị trấn, căn cứ quân sự, kho tàng, sân bay, sở chỉ huy của địch, mở màn cho cuộc Tống tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Chú thích ảnh

Cùng với các mũi tiến công của những đơn vị chủ lực, dân quân du kích địa phương đã kết hợp với bộ đội các phân khu tiến công vào hệ thống đồn, bốt của địch. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Chú thích ảnh

24 giờ sau khi quân và dân các tỉnh ven biển miền Trung và Tây Nguyên nổ súng (đêm 29, rạng ngày 30/1/1968), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt nổ ra ở khắp miền Nam. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Chú thích ảnh

Cùng với việc khẩn trương chuẩn bị lực lượng cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, công tác bảo đảm hậu cần cho lực lượng tác chiến cũng được đặc biệt chú trọng và đến cuối tháng 12/1967, công tác này về cơ bản đã hoàn tất. Trong ảnh: Đồng bào huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh tải đạn và lương thực ra mặt trận (1968). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chú thích ảnh

Đêm 6/2/1968, đơn vị đặc công K14 nhận nhiệm vụ đánh sập cầu Trường Tiền ở TP Huế để chặn đường của xe tăng Mỹ ngụy từ bờ Nam tấn công vào Thành Nội, nơi quân Giải phóng đang làm chủ. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Chú thích ảnh

TP Huế là một trong những trọng điểm nổi bật của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Bộ đội ta đã chiếm giữ và làm chủ thành phố Huế cho đến ngày thứ 26, đạt được các yêu cầu của nhiệm vụ chiến dịch, chiến lược đề ra. Trong ảnh: Lính Mỹ nguỵ bị quân Giải phóng bắt trong trận tiến công giải phóng TP Huế. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chú thích ảnh

Tại thành phố Đà Nẵng, đêm 29, rạng ngày 30/1/1968, quân Giải phóng đồng loạt đánh phá các sân bay, trận địa pháo, kho tàng; chiếm một số mục tiêu trong thành phố để hỗ trợ cho quần chúng từ bên ngoài kéo vào phối hợp với quần chúng bên trong nổi dậy giành chính quyền. Trong ảnh: Căn cứ hậu cần lớn của Mỹ ở Đà Nẵng sau trận tấn công bằng súng lớn của quân Giải phóng, đêm 7 rạng ngày 8 tết (đêm 5, rạng sáng 6/2/1968). Ảnh: Tư liệu TTXGP

Chú thích ảnh

Sau gần 2 tháng tiến công và nổi dậy, quân và dân miền Nam đã tiêu diệt và làm tan rã khoảng 15 vạn tên địch (có hàng nghìn lính Mỹ), phá huỷ 1/3 vật tư chiến tranh của Mỹ-ngụy; phá 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã mới với hơn một triệu dân. Trong ảnh: Xe tăng Mỹ bị quân Giải phóng đánh chiếm. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chú thích ảnh

Quân Giải phóng tấn công địch ở mặt trận Tây Ninh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chú thích ảnh

Phụ nữ miền Nam là lực lượng quan trọng trong trận Mậu Thân 1968 khi vừa làm công tác hậu phương quân đội, phục vụ chiến trường, vừa trực tiếp tham gia nổi dậy diệt ác, phá kìm, tiến công vào thị xã, thị trấn. Trong ảnh: Nữ du kích Dầu Tiếng (Tây Ninh) trong những ngày Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chú thích ảnh

Bằng đòn đánh chủ yếu là vào các thành thị, trọng tâm là Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng, Huế - nơi tập trung bộ máy quân sự và hành chính của Mỹ ngụy, ta đã phơi bày đầy đủ sự thất bại về quân sự và sự yếu kém trong tiến hành chiến tranh của địch. Trong ảnh: Máy bay vận tải C.119 của Mỹ bị quân Giải phóng phá hủy trong trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, đêm 30/1 rạng ngày 31/1. Ảnh: Tư liệu TTXGP

Chú thích ảnh

Đêm 30 rạng sáng 31/1/1968 (mồng 1 rạng sáng mồng 2 Tết), quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long đồng loạt tiến công và nổi dậy ở hầu hết các thành phố, thị xã, thị trấn... đưa chiến tranh vào tận hang ổ và cơ quan đầu não của Mỹ nguỵ. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Chú thích ảnh

Vào lúc 6 giờ 15 phút ngày 31/1/1968, lá cờ của Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt Nam được kéo lên cột cờ Tòa Tỉnh trưởng Thừa Thiên-Huế. Rạng sáng 1/2/1968, quân Giải phóng làm chủ phần lớn cố đô Huế. Đến sáng 3/2/1968, quần chúng bắt đầu nổi dậy truy quét ác ôn và tàn binh địch, phá bỏ ách kìm kẹp, thiết lập chính quyền cách mạng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Theo TTXVN/Báo Tin tức