6 dấu hiệu cảnh báo đột quỵ sắp xảy ra trước 1 tuần

21/11/2023 - 09:18

Khó nói đột ngột, đau đầu dữ dội... là những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ trước một tuần hoặc cả tháng.

Phát hiện sớm, sơ cứu đúng cách, chữa trị kịp thời sẽ giúp người bệnh tránh được nguy cơ tử vong và tai biến (liệt người, bại não...).

Đột quỵ là gì?

Báo điện tử VTV News dẫn lời bác sĩ CKI Bùi Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) xảy ra khi dòng máu cung cấp cho một phần của não, nuôi các cơ quan đặc biệt là não đột nhiên bị chặn lại, hoặc khi mạch máu trong não bộ bị vỡ khiến máu tràn ra ngoài đè ép vào các tế bào não.

Khi các thành phần mỡ máu như cholesterol, LDL bị rối loạn sẽ lắng đọng trên thành mạch và thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa. Những mảng xơ vữa này làm lòng mạch hẹp dần và tắc nghẽn, ngăn cản dòng máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả não bộ, gây ra biến chứng đột quỵ não cực kỳ nguy hiểm.

Phát hiện sớm, sơ cứu đúng cách, chữa trị kịp thời sẽ giúp người bệnh tránh được nguy cơ tử vong và tai biến.

Nhiệt độ thay đổi đột ngột đòi hỏi hệ thống mạch máu phải có các phản xạ để thích nghi với sự thay đổi đó. Khi mạch máu co lại, tuyến thượng thận sẽ tăng tiết catecholamine trong máu dẫn đến co mạch ngoại vi. Bên cạnh đó, đường trong gan sẽ được huy động tăng cường để tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động.

Với người có biến chứng xơ vữa động mạch, mạch máu kém đàn hồi, xơ cứng, máu tăng độ quánh do tăng cholesterol, lòng mạch bị thu hẹp, các cục máu đông hình thành khiến lưu lượng máu qua não giảm đến 20%.

Khi gặp thay đổi đột ngột từ bên ngoài, những động mạch đưa máu lên não bị tắc nghẽn, sức cản ngoại vi tăng cao gây đứt, vỡ mạch máu não sẽ dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ và nguy cơ tử vong cao.

6 dấu hiệu cảnh báo đột quỵ sắp xảy ra trước 1 tuần

Thanh Niên dẫn nguồn chuyên trang y tế Verywell Health cho biết, các dấu hiệu cảnh báo khác của đột quỵ nhỏ bao gồm:

Đột ngột bị tê hoặc yếu ở mặt, tay, chân, đặc biệt là ở một bên cơ thể.

Đột ngột nhầm lẫn hoặc có khó hiểu điều người khác nói.

Khó nói đột ngột.

Khó nhìn ở một hoặc cả hai mắt.

Chóng mặt, mất thăng bằng, khó phối hợp hoặc đi lại khó khăn.

Đau đầu dữ dội mà không rõ nguyên nhân.

Cần làm gì khi người thân bị đột quỵ?

Bài viết của ThS Vũ Hồng Anh - Bệnh viện Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên cho biết, khi thấy người thân có một trong các triệu chứng đột quỵ, cần nhanh chóng:

Gọi người trợ giúp và gọi ngay xe cấp cứu đưa người bệnh đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất có đủ phương tiện, kỹ thuật, chuyên môn tái thông mạch máu não.

Trong khi chờ xe cấp cứu, cần phải:

- Giữ thông thoáng môi trường chung quanh bệnh nhân để giúp họ thở tốt.

- Đặt người bệnh nằm trên một mặt phẳng, bề mặt đủ độ cứng để giữ thăng bằng, không đặt lên đệm có độ lún sâu và tránh xê dịch để không làm trầm trọng tình trạng xuất huyết não.

- Nếu có bất cứ dấu hiệu suy giảm ý thức nào, hoặc bệnh nhân có dấu hiệu nôn mửa, cần đặt bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng an toàn nhằm bảo vệ đường thở của bệnh nhân, móc hết đàm nhớt ở miệng người bệnh ra nếu có.

- Nếu bệnh nhân bất tỉnh hoặc lơ mơ nhưng còn thở bình thường: Nên đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn hoặc nằm ngửa, nhưng cần theo dõi kỹ. Nếu bệnh nhân nôn mửa, cần chuyển ngay bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng, tránh sặc chất nôn vào đường hô hấp.

- Nếu bệnh nhân còn tỉnh: Hỗ trợ bệnh nhân nằm ở một tư thế thoải mái nhất và theo dõi phản ứng của bệnh nhân. Lập tức gọi cấp cứu, đưa người bệnh tới bệnh viện.

Đồng thời, trong khi chờ xe cứu thương đến hãy hỏi người bệnh càng nhiều thông tin càng tốt về các loại thuốc mà người bệnh đang dùng, tình trạng sức khỏe, có dị ứng gì không? Ghi lại tất cả các triệu chứng bao gồm thời điểm đột quỵ, tiền sử bệnh tật của người bệnh... Những thông tin này rất hữu ích khi bác sĩ khai thác bệnh sử.

Theo THANH THANH (VTC News)