Đụng chạm an toàn là những đụng chạm của người thân tạo nên yêu thương cho trẻ như ôm hôn, vuốt tóc nhưng chúng sẽ biến thành không an toàn khi đi kèm với hành vi sờ mó, đụng chạm vào những vùng riêng tư của trẻ trên cơ thể. Đó là bộ phận sinh dục như ngực của bé gái, vùng kín của bé trai và bé gái. Nói cách khác đó là “vùng tam giác” thuộc bộ phận áo quần lót của trẻ.
Các chuyên gia cho rằng, không bao giờ là quá sớm để bắt đầu giáo dục giới tính cho trẻ. Bạn dạy trẻ sớm sẽ giúp chúng tránh nguy cơ bị xâm hại tình dục.
Dưới đây là 7 cách giúp bạn dạy con tránh xa nguy hiểm từ những cái chạm không an toàn.
1/ Trò chuyện cởi mở với con về vấn đề này ở nơi yên tĩnh
Bạn hãy chọn địa điểm yên tĩnh, mỉm cười với con hoặc cùng ngồi trên chiếc ghế văng dễ chịu cùng con. Lúc này bắt đầu giải thích cho bé những gì bạn muốn nói.
Bạn hãy cho bé biết rằng có điều gì đó không ổn nếu xảy ra những tình huống sau:
Ai đó chạm vào bộ phận riêng tư của con
Ai đó chạm vào vùng kín của họ trước mặt con
Ai đó yêu cầu con cởi quần áo hoặc chụp ảnh/quay camera khỏa thân
Ai đó yêu cầu con chạm vào vùng kín của họ
Ai đó cho con xem video hoặc ảnh khỏa thân của người khác
2/ Cho con tự so sánh về đụng chạm không an toàn và đụng chạm an toàn
Sau khi cho con biết về sự đụng chạm an toàn và đụng chạm không an toàn, bạn hãy cho con tự so sánh hai cảm giác này.
Bạn có thể đóng vai và hỏi con mình, "Con sẽ làm gì nếu ...?" hoặc "Bạn sẽ kể về ai ...?" và như thế.
Con nên hiểu rằng một cái bắt tay, một cái ôm từ người mà con tin tưởng như: Vỗ nhẹ vào lưng, vòng tay qua vai con là an toàn. Tuy nhiên, những đụng chạm đó sẽ thành không an toàn nếu đi kèm với một số dấu hiệu sau:
Ai đó đe dọa sẽ làm tổn thương con nếu con nói ra việc họ đã làm
Ai đó ép con chạm vào họ
Cái chạm khiến con lo lắng và sợ hãi
Một người chạm vào những vùng kín trên cơ thể con
3/ Giải thích cho con rằng ngay cả một cái chạm an toàn đôi khi cũng có thể gây tổn thương
Trẻ nhỏ thường có cảm xúc lẫn lộn và nhầm lẫn giữa đụng chạm an toàn và đụng chạm không an toàn.
Điều này thường xảy ra khi con bị ốm và đến bác sĩ khám. Khi thăm khám bác sĩ sẽ phải đụng vào người con. Với con, bác sĩ là người lạ nên khi người lạ chạm vào người, chắc chắn con sẽ có cảm giác không an toàn.
Lúc này, phụ huynh cần giải thích cho trẻ hiểu rằng, việc đụng chạm đó hoàn toàn không sao. Bác sĩ chỉ muốn giúp con tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh.
Đôi khi bác sĩ cũng cần phải chạm vào vùng kín của trẻ để hoàn tất quá trình kiểm tra. Tất nhiên, hãy nói với con bạn rằng bạn sẽ luôn ở đó để đảm bảo mọi thứ đều ổn.
Trong thực tế một số trường hợp bác sĩ, y tá, cha mẹ có thể đụng chạm được vào những vùng riêng tư này của các con nhưng trước khi thực hiện người lớn có trách nhiệm giải thích rõ để trẻ hiểu và đặc biệt là phải được sự đồng ý của trẻ. Nếu trẻ từ chối hoặc không đồng ý thì nên tôn trọng ý kiến của trẻ.
4/ Sử dụng áo tắm để giải thích các bộ phận riêng tư
Nhiều bố mẹ thường né tránh các chủ đề về các bộ phận cơ thể và vấn đề tình dục khi trò chuyện với con. Vì họ cho rằng, con còn quá nhỏ, chưa đến lúc tìm hiểu vấn đề đó. Đây là lý do tại sao trẻ dễ bị các đối tượng lạm dụng.
Bạn nên cởi mở với con về chuyện này và cho con biết những hành vi thân mật nào là phù hợp với lứa tuổi, cùng con thảo luận các bộ phận nhạy cảm với thái độ nghiêm túc, thể hiện sự tôn trọng.
Nếu bạn không cảm thấy thoải mái khi nói về tên của các bộ phận thân mật, hãy sử dụng áo tắm làm học cụ.
Bạn cần giải thích rằng việc chạm vào bộ phận của cơ thể mà bộ áo tắm che phủ được coi là hành vi chạm không an toàn. Điều này sẽ cung cấp cho con một góc nhìn trực quan tốt mà bạn không cần phải sử dụng tên riêng.
5/ Giải thích rằng chạm không an toàn không phải là “bí mật”
Phần lớn, những kẻ bạo hành hay xâm hại trẻ em sẽ nói với đứa trẻ bị lạm dụng rằng hãy giữ bí mật về mọi chuyện.
Hầu hết tất cả các trường hợp bị lạm dụng đều im lặng vì chúng nghĩ đó là lỗi của chúng hoặc chúng sợ kẻ bạo hành.
Bạn cần giải thích cho con rằng: Nếu ai đó đụng chạm vào vùng kín trên cơ thể con và yêu cầu con giữ bí mật, con phải báo cho bố mẹ hoặc người mà con tin tưởng ngay lập tức.
Ở đây, điều quan trọng là cung cấp cho con các ví dụ cụ thể. Bạn cũng có thể cùng con đóng màn kịch nhỏ, qua màn kịch, con sẽ hiểu rõ vấn đề này.
6/ Con có quyền nói “không”
Theo một nghiên cứu, khoảng 70% vụ việc lạm dụng mà kẻ xâm hại là người trẻ biết và tin tưởng.
Đây là lý do tại sao bạn nên nói với con bạn rằng chúng có quyền nói và la hét KHÔNG! đối với bất kỳ kiểu chạm không an toàn nào.
Bạn hãy nói với con rằng, không ai có quyền đụng chạm vào cơ thể con, kể cả người trong gia đình. Vì đây là sự riêng tư và con có thể làm bất cứ điều gì để bảo vệ nó. Con có quyền nói không khi bị ai đó đụng chạm vào người.
Con hãy bỏ chạy ngay lập tức khỏi kẻ đã và đang có hành vi đụng chạm vào con. Con không bao giờ được ở một mình với người đó nữa.
Con hãy kêu gọi sự giúp đỡ hay thậm chí la hét để thu hút sự chú ý của mọi người.
Con hãy tin vào bản thân, đó không phải là lỗi của con và con không làm gì sai.
7. Cho con kể tên một vài người chúng tin tưởng nếu ai đó đang có hành vi xâm hại con
Bạn hãy yêu cầu con kể tên ít nhất 5 người mà con nghĩ chúng có thể tin tưởng trong trường hợp bị lạm dụng.
Một người nào đó mà con có thể chạy đến hoặc tâm sự khi có kẻ đang thực hiện hành vi đụng chạm không an toàn với con. Nếu con không thể nghĩ về ai đó, bạn hãy giúp con liệt kê.
Ngoài ra, bạn hãy nhắc con rằng chúng nên tiếp tục nói với mọi người về tình huống này cho đến khi ai đó giúp đỡ chúng và đừng bao giờ bỏ cuộc.
Theo THÁI MINH (Vietnamnet)