7 kiến nghị hồi phục tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

28/08/2023 - 19:37

Trong kiến nghị gửi Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các bộ, ngành liên quan, Trường đại học Kinh tế quốc dân nhận định, bất ổn kinh tế toàn cầu và những thách thức của tình hình trong nước đã ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các thành phần của tổng cầu của nền kinh tế, khiến mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 khó có thể đạt được.

Người tiêu dùng mua sắm các sản phẩm tại siêu thị Winmart Đà Nẵng.

Hướng tới xuất khẩu bền vững

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trưởng Nhóm nghiên cứu, tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, điều này ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, gây ra các hậu quả như: sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập và chi tiêu của người dân...

Vì vậy, phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng đối với nền kinh tế trong nửa cuối năm 2023.

Để giảm thiểu rủi ro, cần đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp những mặt hàng có thể gặp rủi ro bị tiến hành điều tra.

Trong các giải pháp phục hồi tổng cầu, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh đến nhóm giải pháp liên quan đến hoạt động xuất khẩu. Cụ thể là giảm thiểu rủi ro do điều tra phòng vệ thương mại hướng tới tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Tính đến hết tháng 6/2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 231 vụ việc phòng vệ thương mại do các nước khởi kiện, trong đó có 128 vụ việc điều tra chống bán phá giá.

Để giảm thiểu rủi ro, cần đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp những mặt hàng có thể gặp rủi ro bị tiến hành điều tra; thực hiện các giải pháp chứng minh hàng hóa Việt Nam không bán phá giá; sử dụng nguyên vật liệu có nguồn gốc xuất từ các quốc gia nằm trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết.

Bên cạnh đó, cần cân bằng cán cân thương mại với các đối tác. Vì khi Việt Nam duy trì thặng dư thương mại quá lớn tới một số thị trường (tiêu biểu là Mỹ), các hàng hóa của Việt Nam có khả năng thuộc diện bị điều tra nhiều hơn.

Liên quan đến hoạt động xuất khẩu, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng kiến nghị một giải pháp mới là phát triển du lịch hướng tới cân đối cán cân xuất-nhập khẩu dịch vụ.

Những năm gần đây, cùng với sự gia tăng tỷ trọng của ngành dịch vụ trong cơ cấu GDP, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của cả nước đã có sự gia tăng mạnh. Tuy nhiên, Việt Nam đã nhập siêu dịch vụ lớn và liên tục trong nhiều năm qua.

Trong 3 năm gần đây, nhập siêu dịch vụ luôn vượt con số 10 tỷ USD. Nếu giảm 1% nhập siêu dịch vụ sẽ làm GDP tăng 0,36 điểm phần trăm. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ chú trọng đến xuất nhập khẩu hàng hóa mà chưa thực sự quan tâm đến xuất-nhập khẩu dịch vụ mặc dù nhiều ngành dịch vụ của Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn.

Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Thống kê

Vì vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ hướng tới cân đối cán cân xuất-nhập khẩu dịch vụ một cách bền vững. Xuất khẩu dịch vụ hầu như phụ thuộc chủ yếu vào du lịch. Do đó, muốn giảm nhập siêu dịch vụ cần có nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam.

Trước thực trạng Việt Nam đang phụ thuộc chủ yếu vào một số thị trường xuất khẩu lớn, Trường Đại học Kinh tế quốc dân kiến nghị cần phát triển xuất khẩu bền vững đi liền với đa dạng hóa thị trường hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác.

Giải pháp cho vấn đề này là mở rộng giao thương với các thị trường trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Rà soát và ban hành tiêu chuẩn khung pháp lý về sản xuất xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tiếp tục đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ

Trước tình hình khó khăn của nền kinh tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân kiến nghị Chính phủ có thể xem xét đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ nhằm thúc đẩy tổng cầu và đạt được tăng trưởng ổn định trong bối cảnh suy thoái, đặc biệt khi ngân sách không quá căng thẳng và nợ công có xu hướng giảm. Mục tiêu đạt được tăng trưởng ổn định của chính sách tài khóa nghịch chu kỳ được thực hiện qua hai công cụ: tăng chi tiêu công và giảm thuế.

Tháo gỡ vướng mắc khi giải ngân vốn đầu tư công nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế là một trong bảy giải pháp chính được Trường Đại học kinh tế quốc dân khuyến nghị Chính phủ thực hiện nhằm phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng. Nhóm giải pháp cho vấn đề này là hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư công theo hướng giảm vướng mắc trong tất cả các khâu; giải quyết các vấn đề cốt lõi của công tác giải phóng mặt bằng; hỗ trợ người dân ổn định đời sống…

Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn kéo dài, Nhóm Nghiên cứu của Trường đại học Kinh tế quốc dân kiến nghị Chính phủ cần có các chính sách giúp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng.

Muốn vậy, cần thực hiện hiệu quả các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ tại các tổ chức tín dụng nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực về tỷ lệ nợ xấu và chi phí dự phòng rủi ro.

Phát triển các sản phẩm tín dụng đặc thù cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm giải quyết khó khăn về điều kiện vay vốn khi vay theo phương thức truyền thống. Trong thời gian tới, các ngân hàng thương mại cần tích cực hơn nữa trong việc phát triển các sản phẩm tín dụng đặc thù cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như: tài trợ chuỗi cung ứng, cho vay thấu chi doanh nghiệp, cho vay đầu tư tài sản cố định gián tiếp, cho vay mua, phân phối ô-tô, các sản phẩm tín dụng ngành tiềm năng.

Đối với chính sách an sinh xã hội, Trường đại học kinh tế quốc dân kiến nghị Chính phủ cần cải thiện chính sách an sinh xã hội cho người nghèo hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm. Đây là giải pháp rất quan trọng trong bối cảnh hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm vì doanh nghiệp thu hẹp sản xuất do tác động của đại dịch Covid-19 trong khi mạng lưới an sinh xã hội và các chính sách hỗ trợ cho người lao động lại chưa được bảo đảm tốt.

Theo TÔ HÀ (Báo Nhân Dân)